Sau nhiều ngày điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, với tình trạng bị đa chấn thương ở vùng mặt, vùng đầu và sang chấn tâm lý, đến nay tâm trạng của G.T. C – nữ sinh lớp 8, trường THPT Xuân Nộn – Đông Anh Hà Nội dần ổn định dù đôi lúc em vẫn cáu gắt vô cớ.
C là nạn nhân trong clip bạo lực học đường lan truyền gần đây. Chia sẻ với PV VOV2 về đoạn clip, C cho biết, đó là hôm chủ nhật, khi C cùng em út ở nhà thì một đám người tìm đến trong đó có T – người thường xuyên bắt nạt em trên lớp.
“T gọi em nhưng em thấy đông nên không xuống. Lúc sau, ngoài T thì còn có chị Tr. Vì nghĩ chị Tr là người lớn, lại cùng làng sẽ giải quyết mâu thuẫn cho bọn em nên em đã xuống. Bất ngờ, T và chị Tr lao vào đánh em, đám người lôi em ra phía sau nhà, rồi nhảy vào đánh hội đồng. Lúc sau họ rút dần chỉ còn 4 người đánh. Họ túm tóc, đạp vào bụng, lưng, vả vào mặt rồi đấm đá...”, C kể, đôi bàn tay bấu chặt vào nhau.
Theo C, đầu năm học em và kẻ bắt nạt từng khá thân thiết. Tuy nhiên sau một vài xích mích C và T đã không chơi với nhau nữa. “Trước hôm bị đánh khoảng 2 tuần, lúc đó khoảng 12h đêm, mẹ T đến nhà em hỏi T có ở đấy không? Em bảo là không chơi với T nữa, không biết T đi đâu.
Hôm sau, T đến lớp chửi em về việc em nói với mẹ T là T đi chơi. T đánh em, chửi bới, lăng mạ em, đánh em ngay cả trong giờ học, em hoảng quá nên đã nghỉ một số buổi học cho đến khi sự việc xảy ra”.
Trước khi có đoạn clip bắt nạt học đường lan truyền trên mạng, phải nhập viện điều trị, C từng bị bạo lực ngay tại lớp học dưới nhiều hình thức như vỗ đầu, vả vào mặt, bị cả lớp cô lập, bị body shaming, bàn tán về cơ thể, so sánh cơ thể mình với động vật, chế giễu gia đình, ném cặp sách, giấu đồ, phá hoại đồ đạc...
“Họ đứng nhìn, cổ vũ. Lúc đấy em thấy tủi thân, một mình đứng giữa đấy để bạn nhìn mình như kiểu trò hề”, C nói.
Theo C, giáo viên chủ nhiệm biết việc em và T xích mích nhưng cô bảo "tất cả mọi việc do em, cô đổ lỗi do em các bạn mới đánh em”. Khi được hỏi vì sao không sớm kể chuyện bị bắt nạt cho gia đình? C cho biết, em nghĩ mình có thể chịu đựng được. Hơn nữa, bố em khá nóng tính, nếu để bố biết được bố sẽ tìm đến nhà các bạn”.
Bất lực vì bị bạo lực học đường, C nói để giải tỏa, nhiều lần trên trên lớp em cầm bút tự đâm vào mình nhưng các bạn không biết.
Thời gian dài bị bạo lực, bố mẹ C chỉ biết những bất ổn của con mình khi chị gái C ở nước ngoài nhận ra em mình chính là nạn nhân clip bạo lực học đường.
Tự hại mình để cảm thấy ổn hơn
Cho PV xem những vết rạch chi chít dưới cánh tay, những vết cào cấu trên cổ đã khô, C nói kể cả khi vào viện, mỗi lần nghĩ đến những trận đòn, những lời nói xúc phạm em lại tự hại mình để cảm thấy dễ chịu hơn.
Em không nhớ mình đã rạch tay bao nhiêu lần nhưng mỗi lần tự rạch tay, tự cào cấu như vậy em cảm thấy mình đỡ áp lực hơn, giải tỏa được căng thẳng. “Trong viện, người ta không cho sử dụng dao nên em lấy đinh trong kẹp tóc rút ra, em cứ rạch thôi, đâm như thế này, gần như mất kiểm soát. Lúc mọi người không để ý em lại ngồi cào cấu tay chân. Em không cảm thấy thấy đau, lúc đấy em chỉ thấy nhói trong tim và khóc thôi”.
C chia sẻ, em nhiều lần nghĩ đến cái chết, kể cả khi đã vào bệnh viện điều trị. “Ngồi suy nghĩ lại trận đòn đấy, em chỉ muốn cầm 1 con dao đâm thẳng vào cổ mình. Nếu có con dao ở đây em sẵn sàng làm ngay điều đó trước mặt mọi người luôn”.
C không phải là trường hợp duy nhất đang điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai do những sang chấn của bạo lực học đường. Tại đây, cô bé gặp được những người bạn cùng cảnh ngộ. C nói đã lâu em không được cười. Giờ nụ cười đã quay trở lại. Các em chơi với nhau trong khuôn viên bệnh viện, cùng đi tập thể dục và gặp gỡ những bệnh nhân đang điều trị tại đây.
“Cùng hoàn cảnh nên chúng em chơi thân. Có lúc cười cùng nhau nhưng cũng có lúc đang chơi thì im lặng rồi cùng khóc”.
Nhắc đến chuyện đi học trở lại, C nói em vẫn sợ đến trường, sợ gặp lại những người đã từng bắt nạt. Em mong muốn nhà trường xử lý nghiêm khắc với những học sinh đấy./.