Ngành học "đặc biệt" ra đời trong bối cảnh "đặc biệt"

Năm 1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất, với nhiệm vụ đào tạo đội ngũ những người làm công tác sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, phiên dịch, khai thác di sản Hán Nôm, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hiến của dân tộc, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, ngành Hán Nôm chính thức được thành lập tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Sự ra đời của ngành Hán Nôm ở thời điểm đó đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, vì tương lai lâu dài của văn hóa và học thuật nước nhà.

Từ khi được thành lập cho đến nay, ngành Hán Nôm tròn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển. Nhiệm vụ và sứ mệnh của ngành Hán Nôm là đào tạo ra đội ngũ những người làm công tác Hán Nôm vừa tinh thông chữ Hán, chữ Nôm, vừa nắm vững các phương pháp nghiên cứu Hán Nôm chuyên ngành và liên ngành hiện đại; có khả năng khai thác và giới thiệu các giá trị của văn hóa truyền thống, trực tiếp góp phần bảo đảm sự liên tục về văn hóa giữa truyền thống và hiện đại.

Từ những viên gạch chuyên môn đầu tiên do các nhà giáo tài năng như giáo sư Cao Xuân Huy, Đinh Gia Khánh, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Tài Cẩn, Trần Đình Hượu, Bùi Duy Tân, Nguyễn Đình Thảng, Lê Văn Quán, Đinh Trọng Thanh… cho đến nay, ngành Hán Nôm - Khoa Văn học - Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn đã trở thành một trong những cơ sở đầu ngành đào tạo đại học, sau đại học về Hán Nôm trong cả nước.

“Ngành Hán Nôm đã khẳng định được vị trí của mình trong đời sống văn hóa xã hội, làm cầu nối văn hóa giữa truyền thống và hiện đại. Nhiều thế hệ giảng viên của ngành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, có nhiều đóng góp to lớn, mang tính đặt nền móng trong sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu Hán Nôm ở Việt Nam”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) nói.

Trong những năm gần đây, cùng với một số ngành khoa học cơ bản khác, ngành Hán Nôm được Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn và ĐHQG Hà Nội tạo cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực để phát triển, đặc biệt là những chính sách hỗ trợ người học, thu hút và bồi dưỡng tài năng theo định hướng cá thể hoá, “tâm truyền” nhằm đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, tâm huyết, gắn bó với công tác Hán Nôm, với sự nghiệp khai thác, bảo tồn các giá trị văn hiến cổ điển.

Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn ý thức được rằng: Hán Nôm là một trong những ngành học mang tính “đặc sản” của Nhà trường. Việc phát triển ngành học này, đưa ngành học đến gần hơn với đời sống xã hội đương đại để góp phần kết nối các giá trị văn hóa truyền thống với con người hiện tại, không chỉ là trách nhiệm nhìn từ phương diện quản lý đào tạo của Nhà trường, mà hơn hết còn thể hiện trách nhiệm quốc gia của một đơn vị đào tạo hàng đầu lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trong cả nước", GS.TS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đừng ngại đầu tư cho một ngành học đặc biệt, riêng có

Truyền thống 50 năm ngành Hán Nôm, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn và ĐHQG Hà Nội là rất đáng tự hào. Nhưng TS. Đinh Thanh Hiếu, Chủ nhiệm bộ môn Hán Nôm cho rằng cũng giống như các ngành khoa học cơ bản khác, trong bối cảnh và nhu cầu xã hội hiện đại, ngành Hán Nôm đứng trước những thách thức không nhỏ.

Nhiều sinh viên giỏi có triển vọng chuyên môn tất nhưng khi ra trường không có chỗ sử dụng thích hợp buộc phải tự thích ứng chuyển sang các lĩnh vực nghề nghiệp khác. Đa số sinh viên ngành Hán Nôm có học thêm văn bằng hai tiếng Trung Quốc để rộng cửa sẵn sàng thích ứng vứi đa dạng công việc hơn sau khi ra trường.

“Với cơ chế tự chủ đại học, những ngành có số chỉ tiêu tuyển sinh thấp như ngành Hán Nôm sẽ có nhiều khó khăn, thách thức để duy trì, tồn tại. Khi đó, những ngành khoa học cơ bản nói chung, trong đó có ngành Hán Nôm rất cần được sự đảm bảo đầu tư, “đặt hàng” từ Nhà nước một cách lâu dài”, TS. Đinh Thanh Hiếu mong muốn.

Phát biểu tại buổi lễ Kỷ niệm 50 năm thành lập ngành Hán Nôm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ sự vui mừng khi ngành học Hán Nôm dù đang bị cạnh tranh bởi các ngành học “hot” nhưng hàng năm ngành vẫn tuyển sinh đều đặn 30 chỉ tiêu, người học vẫn đến tìm thầy, cầu học Hán Nôm. Trường đang đào tạo gần 1.000 sinh viên hệ chính quy.

“Đến nay, chúng ta có được những cựu sinh viên bây giờ là nhà nghiên cứu chững chạc, có tầm vươn ra tầm đủ sức đối thoại quốc tế. Họ là những chuyên gia có chuyên môn vững vàng, ngoại ngữ tốt, phương pháp nghiên cứu tốt, quan tâm đến vấn đề chung của thế giới, tổ chức được các hội thảo, tham gia được các diễn đàn, viết cuốn sách, làm những tạp chí đủ tầm đối thoại với các nước trong khu vực và trên thế giới. Họ đủ tầm nói những chuyện thế giới biết về Việt Nam và bàn luận với họ. Đây là một điều đáng mừng”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Xuất phát từ vai trò quan trọng của ngành Hán Nôm trong nghiên cứu học thuật, giữ gìn vốn văn hóa, văn học cổ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn, ĐHQG Hà Nội cần có sự đầu tư xứng tầm cho ngành học đặc biệt này. Đồng thời, nên nhìn nhận ngành Hán Nôm như một khoa học đặc biệt và không thể định biên số giờ dạy bình thường. Cần lấy mục tiêu phát triển của ngành là nuôi dưỡng đội ngũ nghiên cứu, không nên ngồi tính có bao nhiêu giờ thì có bao người làm việc.

“Sự phát triển không phải chỉ vì ngành này vì vấn đề lớn lao hơn là đất nước, dân tộc. Mong rằng, ngành Hán Nôm, khoa Văn học tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới từng môn học và Hán Nôm cần thiết phải là nơi tiên phong trong việc triển khai hiện đại hoá, nghiên cứu và đào tạo”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kỳ vọng.