Những vụ trêu chọc chốn học đường phổ biến nhưng đôi khi để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Gần đấy nhất, một nam sinh lớp 9 trường THCS Đức Giang, Hà Nội đã nhảy từ tầng 3 xuống sân trường vì bị bạn bè trêu chọc thái quá (cụ thể là bị tụt quần). Học sinh này sau đó đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời, thế nhưng vẫn bị thương nặng và chịu tổn thương tâm lý nặng nề.

Để giúp cho các em có thêm kỹ năng đối diện với sự trêu chọc của bạn bè, Th.s Phùng Năm, chuyên viên Tâm lý tại Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội có những chia sẻ với Hành trang trẻ.

Những bạn trẻ nào dễ bị trêu chọc?

Theo Th.s Phùng Năm, tất cả các học sinh đều có thể bị trêu chọc nhưng có những em biết cách để bảo vệ bản thân và biết cách chấm dứt sự trêu chọc đó của bạn bè nên không bị không kéo dài.

Tuy nhiên có một nhóm học sinh khác có nguy cơ cao hơn trong việc bị trêu chọc, thậm chí bị bắt nạt. Những em này thường có những đặc điểm như có tính cách nhút nhát, thiếu tự tin, sống khép kín và thu mình; có ngoại hình khác biệt như mập mạp, béo phì, gầy ốm, da ngăm đen hay tóc xù. Hoặc có thể rơi vào những em có tác phong thiếu chỉn chu, quần áo tóc tai luộm thuộm, nói ngọng, hay có hoàn cảnh gia đình khác biệt. Những em học kém, thường xuyên bị thầy cô giáo phê bình cũng thường rơi vào nhóm nguy cơ cao.

Nguyên tắc “vàng” khi bị trêu chọc

Khi lên cấp II, cấp III, các em học sinh thường phải tự xử lý những vấn đề của mình. Khi bị trêu chọc, Th.s Phùng Năm đưa ra 4 nguyên tắc vàng để vượt qua:

Thứ nhất, đối diện với lời trêu chọc một cách bình tĩnh bởi vì nếu phản ứng lại theo cách tương tự như vậy sẽ khiến vấn đề bị leo thang tình trạng càng căng thẳng.

Thứ hai, nếu có thể, hãy cải thiện ngay những điểm mà bạn bè lôi ra để trêu chọc. Điều này sẽ khiến bạn thấy tự tin hơn. Chẳng hạn nếu bạn chưa gọn gàng, hãy cố gắng ăn mặc chỉn chu hơn. Điều này không quá khó với các bạn trẻ.

Thứ ba, phải biết nuôi dưỡng và ghi nhận những điểm mạnh của bản thân. Khi bạn tự tin hơn, phong thái của bạn cũng thay đổi đi rất nhiều.

Thứ tư, hãy học kỹ năng giao tiếp kiên định với các bạn trêu chọc mình.

Bên cạnh đó, hãy cố gắng học thật tốt, khẳng định bản thân bằng thành tích học tập cũng là cách rất hay để tránh xa những sự trêu chọc vì những bạn học giỏi thường rất được nể trong lớp và các bạn khác không dám “dây vào”. Dù không đơn giản, những hãy cố gắng.

Tuyệt đối tránh suy nghĩ bản thân không có giá trị và không thể làm gì để thay đổi được hoàn cảnh. Hãy thử đặt câu hỏi: ai có thể hỗ trợ, giúp đỡ mình? Bạn sẽ thấy có rất nhiều người đang sẵn sàng dang tay ra để giúp đỡ bạn như bố mẹ, thầy cô giáo…

Những bạn chứng kiến đừng thờ ơ

Trong một vụ trêu chọc hay bắt nạt thường có 3 cái đối tượng: người/ nhóm trêu chọc, bắt nạt bạn khác; người bị bắt nạt hay còn gọi là nạn nhân và những người chứng kiến thường có số lượng đông nhất.

Nếu nhóm chứng kiến tham gia vào để kết thúc vụ trêu chọc, bắt nạt đấy thì hiệu quả sẽ rất cao. Các bạn chứng kiến có thể can thiệp trực tiếp các hành vi của người đang trêu chọc hoặc đứng ra bảo vệ nạn nhân. Các bạn cũng có thể nhờ sự trợ giúp của giáo viên hay cán bộ lớp.

“Đùa tý đã khóc”, “Trêu tý làm gì phải nhạy cảm” – nhưng ranh giới giữa sự trêu đùa và làm tổn thương người khác rất mong manh. Những tổn thương mà nạn nhân phải trải qua sẽ hình thành vết sẹo trong tâm lý, có thể đi theo các cô cậu học trò cho đến lúc trưởng thành. Vì vậy, trêu chọc nhưng tuyệt đối tránh xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của bạn hoặc gia đình bạn. Cũng tuyệt đối tránh những hành vi trêu chọc khiến người khác cảm thấy xấu hổ, tủi nhục.

“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, không ai được phép cho mình có quyền tước đi sự vui vẻ của các bạn.

Còn những bạn đang là nạn nhân của những trò trêu chọc, hãy nuôi dưỡng điểm mạnh của mình, hãy biết cách bảo vệ bản thân và hãy liên hệ với những người có thể sẵn sàng hỗ trợ bạn như bố mẹ, cán bộ lớp, thầy cô giáo để có được thời học sinh tươi đẹp nhất.