Tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý GD tiêu biểu nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 diễn ra vào sáng 14/11 tại trụ sở Chính phủ, 60 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu đại diện cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả nước đã chia sẻ về những khó khăn của thầy và trò ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn dạy học trong điều kiện dịch COVID-19 cũng như những trăn trở với nghề.

Các thầy, cô giáo bày tỏ niềm vinh dự, tự hào và hạnh phúc khi được là những kỹ sư tâm hồn; bày tỏ biết ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bậc phụ huynh và toàn xã hội đã dành cho thầy cô giáo nói riêng và ngành Giáo dục và Đào tạo nói chung sự quan tâm đặc biệt. Các nhà giáo tỏ rõ quyết tâm tiếp tục đem hết nhiệt huyết của mình cống hiến cho sự nghiệp trồng người, tất cả vì học sinh thân yêu.

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã anh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên và hơn l triệu giáo viên, giảng viên trong cả nước không được tới trường trong một thời gian dài. Hàng nghìn giáo viên đang công tác tại các trường ngoài công lập không có lương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn... Tuy nhiên toàn thể cán bộ, nhân viên, nhà giáo và cán bộ quản lý toàn ngành Giáo dục và Đào tạo đã khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề và với học sinh để cùng nhau đoàn kết, sáng tạo, ứng phó với dịch bệnh và mang kiến thức đến cho học sinh, sinh viên.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân của một người đã từng là phụ huynh học sinh, từng là người học trò, từng là người đứng trên bục giảng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước. Đặc biệt, cảm ơn về những chia sẻ, tâm tư hết sức chân thành và sâu sắc tự đáy lòng của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tại buổi gặp mặt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Các chính sách tập trung đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó chú trọng quan tâm, chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. “Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, ngành Giáo dục đào tạo đã đóng góp to lớn trong việc bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cho thế hệ trẻ, giúp phát triển con người, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thành tựu đó có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ các thầy cô giáo.”

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, gần 2 năm qua dịch COVID - 19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Giáo dục và đào tạo là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Hàng triệu thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và ngoài công lập bị ảnh hưởng thu nhập, đời sống khó khăn do dịch bệnh. Thậm chí, nhiều thầy cô còn phải làm thêm các công việc khác để lo cuộc sống. Hàng chục triệu trẻ em không được học trực tiếp dài ngày, ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng học và đảo lộn cuộc sống hàng triệu gia đình. Hàng nghìn em mồ côi do mất cha, mất mẹ trong dịch bệnh.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ khó khăn, ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và thành tích vượt khó của đội ngũ nhà giáo trên cả nước. “Các thầy cô đã khắc phục khó khăn thách thức để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn - ngay cả khi dịch bệnh ở thời điểm căng thẳng nhất. Các thầy cô giáo và ngành Giáo dục đã biến nguy cơ, thách thức thành cơ hội và động lực để đổi mới giáo dục”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, hiện nay chúng ta đang thực hiện quyết liệt các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học. Phương châm là: Lấy học sinh làm trung tâm; chú trọng phát triển nhân cách, đạo đức, tính sáng tạo của học sinh. Muốn vậy chúng ta cần tiếp tục lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy cô giáo làm động lực để thành công cho phương châm lấy học sinh làm trung tâm. Trong quá trình đó yêu cầu là phải học thật, thi thật, nhân tài thật.

Năm học 2020 - 2021 ghi dấu mốc quan trọng với việc xây dựng cơ chế chính sách tháo gỡ những nút thắt, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu Nghị quyết 29 của Trung ương. Qua đó, tạo sự chuyển biến về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, đồng thời huy động nguồn lực xã hội và thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh dịch bệnh, Chính phủ đang và sẽ giải quyết sớm những vấn đề trước mắt để tạo điều kiện cho ngành Giáo dục và Đào tạo thích ứng an toàn kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Theo đó, Chính phủ nhất quán quan điểm không để các cháu học trực tuyến quá lâu; giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế phối hợp với các địa phương có phương án giải pháp khắc phục việc này theo lộ trình từng bước nhưng phải hết sức khẩn trương, đảm bảo an toàn chống dịch. Triển khai từng bước tiêm vaccine cho học sinh... Đặc biệt, Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và ngoài công lập.