Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đang là thông tin thu hút sự quan tâm dư luận xã hội. Đây là năm đầu tiên có học sinh tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trước đó, ngày 14/11, tại phiên họp của Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, Bộ GD-ĐT đã đề xuất tại về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 4 môn thi.

Tại cuộc họp, Bộ GD-ĐT cho biết, trong thời gian qua đã lấy ý kiến rộng rãi về ba phương án thi. Trong đó, phương án 1 là thí sinh thi hai môn bắt buộc Ngữ văn, Toán và hai môn tự chọn (trong các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Phương án 2 gồm ba môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và hai môn tự chọn. Phương án 3 là thi bốn môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và hai môn tự chọn. Kết quả, đa số lựa chọn phương án hai hoặc ba môn bắt buộc.

Tiếp đó, Bộ GD-ĐT tiếp tục khảo sát thêm cán bộ, giáo viên ở TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang với cả 3 phương án thì 60% chọn phương án 1 (thi hai môn bắt buộc).

Tại cuộc họp, đa số ý kiến thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực ủng hộ phương án 2+2 (phương án thí sinh thi 2 môn bắt buộc là Ngữ Văn, Toán và 2 môn thi tự chọn trong các môn thi còn lại được học ở lớp 12 gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hoá học. Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Dựa trên kết quả này cùng các ý kiến góp ý, cũng như dựa theo những nguyên tắc cốt lõi trong quá trình xây dựng phương án thi, Bộ GD-ĐT kiến nghị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm hai môn bắt buộc và hai môn lựa chọn.

Theo đó, mỗi thí sinh thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn; 2 môn còn lại thí sinh tự chọn trong số các môn học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Theo Bộ GD-ĐT, đây là phương án tổ chức thi gọn nhẹ, giảm tải nhất, đồng thời cũng sẽ giải quyết được tình trạng mất cân bằng của việc chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên như hiện nay.

Theo thống kê của Bộ, trong hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT hằng năm, tỷ lệ thí sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội của 3 năm gần đây như sau: Năm 2021 chiếm 64,72%; năm 2022 chiếm 66,96%; năm 2023 chiếm 67,64%.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 tiếp tục phân cấp mạnh, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tổ chức kỳ thi tại tỉnh, thành phố mình.

Bộ GD-ĐT vẫn sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi; quy định lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.