Sáng nay (27/11), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 bằng hình thức biểu quyết điện tử.
Kết quả, 430/454 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành thông qua nghị quyết, đạt tỷ lệ 89,77% tổng số đại biểu Quốc hội. Có 13 đại biểu Quốc hội biểu quyết không tán thành; 11 đại biểu Quốc hội không biểu quyết.
Theo Nghị quyết Quốc hội thông qua, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 tối thiểu 122.250 tỷ đồng.
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành văn hóa sẽ có những bước đột phá rõ rệt với 100% tỉnh thành có Trung tâm Văn hóa, 80% huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn. 95% di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích quốc gia sẽ được tu bổ.
Ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% vào GDP, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân. Hàng năm, Việt Nam sẽ tham gia ít nhất 5 sự kiện văn hóa quốc tế lớn.
Đến năm 2035, các chỉ tiêu về văn hóa sẽ đạt những thành tựu đáng kể. 100% địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng. 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia sẽ được tu bổ. Ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 8% GDP.
Mỗi năm, Việt Nam sẽ có ít nhất 10 tác phẩm văn hóa nghệ thuật tầm quốc gia và tham gia 6 sự kiện văn hóa quốc tế lớn.
Quốc hội chốt tổng nguồn vốn phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 tối thiểu 122.250 tỷ đồng, trong đó có 77.000 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương; 30.250 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương và 15.000 tỷ đồng từ nguồn khác.
Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.
Quốc hội yêu cầu vốn ngân sách trung ương phân bổ cho Chương trình phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung vào các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước nhằm tạo đột phá trong phát triển văn hóa.
Trước hết, đầu tư cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong bảo tồn, phát triển văn hóa, phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; các nhiệm vụ mà Nhà nước cần đầu tư để dẫn dắt, định hướng, chi phối, tạo nền tảng để thu hút toàn xã hội tham gia phát triển văn hóa.
Cơ chế đặc thù xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài
Trước đó, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Nhìn chung, các đại biểu Quốc hội thống nhất cao về chủ trương đầu tư, những nội dung cơ bản của Chương trình và dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo nghị quyết, có ý kiến đại biểu cho rằng mục tiêu “thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” còn chung chung, đề nghị quy định cụ thể hơn để bảo đảm tính khả thi; có ý kiến đề nghị sửa “các đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật” thành “các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật”.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý quy định: “Phấn đấu 100% đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tin học hóa, chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Việc tin học hóa, chuyển đổi số được thực hiện đối với các đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật, bao gồm cả khu vực công và khu vực tư, không chỉ các đơn vị sự nghiệp công lập.
Có ý kiến đề nghị điều chỉnh tỷ lệ từ 90% lên 100% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống… vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng cho phù hợp với mục tiêu đặt ra tại Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; đồng thời, đề nghị địa phương hỗ trợ tổ chức thực hiện hiệu quả để việc giáo dục đạo đức, lối sống, bình đẳng giới, giá trị gia đình trong thời kỳ mới thực sự đi vào cuộc sống.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý như sau: “Phấn đấu 100% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, hệ giá trị gia đình thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã và hỗ trợ thực hiện có hiệu quả”.
Liên quan đến việc đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đầu tư là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội đưa nội dung này là một trong những cơ chế đặc thù trong thực hiện Chương trình.
Ngoài ra, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, tiếp thu ý kiến đại biểu, lựa chọn xây dựng trung tâm theo thứ tự ưu tiên; tiếp tục hoàn thiện cơ chế tổ chức, vận hành phù hợp với từng địa bàn, có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và tránh lãng phí.
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam.
Đồng thời, nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của Nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính, từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc. Huy động sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.