Từ năm 2006, nhóm bác sĩ Bệnh viện Mỹ Đức do Ths BS Hồ Ngọc Tường và PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan dẫn đầu, đã đưa kỹ thuật IVM (thụ tinh trong ống nghiệm không kích thích buồng trứng) về Việt Nam. Mục tiêu ban đầu là giảm nguy cơ quá kích buồng trứng - một biến chứng nguy hiểm trong điều trị hiếm muộn.

Ths BS Hồ Mạnh Tường - Trưởng đơn vị Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Mỹ Đức, cho biết: Hội chứng quá kích buồng trứng ảnh hưởng đến 5-10% phụ nữ, với 1-2% trường hợp ở mức độ nặng có thể gây biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong. CAPA IVM ra đời nhằm loại bỏ hoàn toàn nguy cơ này.

Khác với phương pháp truyền thống, CAPA IVM có những đặc điểm nổi bật: không yêu cầu tiêm hormone kích thích buồng trứng, áp dụng quy trình nuôi cấy hai bước, cải thiện chất lượng noãn và phôi, đồng thời duy trì tỷ lệ thành công tương đương với thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cổ điển.

BS Lê Long Hồ, Trưởng đơn vị hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận chỉ ra 3 nhóm bệnh nhân phù hợp với CAPA IVM: Nhóm đầu tiên là các bệnh nhân có dự trữ buồng trứng cao, nguy cơ quá kích buồng trứng, mắc hội chứng buồng trứng đa nang hoặc có tiền sử quá kích buồng trứng với IVF cổ điển. Nhóm thứ hai là bệnh nhân ung thư cần điều trị hóa trị, xạ trị gấp, không có nhiều thời gian kích thích buồng trứng. Nhóm cuối cùng là những bệnh nhân có hội chứng buồng trứng kháng gonadotropin, buồng trứng không đáp ứng với thuốc dù đã tiêm liều cao.

Các kết quả nghiên cứu của nhóm đã được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín như Journal of Ovarian Research, Human Reproduction. Tại Hội nghị Y học Sinh sản ở Peru, báo cáo của bác sĩ Mỹ Đức đã nhận được sự chú ý đặc biệt từ các chuyên gia quốc tế. Nhiều bác sĩ Mỹ Latinh đã bày tỏ mong muốn gửi chuyên gia đến Việt Nam để học hỏi trực tiếp quy trình này.

Th.s BS Hồ Mạnh Tường cho biết hiện nay, CAPA - IVM đã được áp dụng tại hơn 10 quốc gia, trong đó các phác đồ áp dụng tại Việt Nam cho kết quả tốt nhất. Bệnh viện Mỹ Đức đã thực hiện hơn 2.000 ca CAPA IVM, với 800 trẻ sơ sinh ra đời từ kỹ thuật này.

Không chỉ giúp nâng cao tỷ lệ thành công trong điều trị vô sinh, CAPA IVM còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bệnh nhân. Kỹ thuật này giúp rút ngắn thời gian điều trị từ 10-12 ngày xuống còn 4 ngày, giảm số lần bệnh nhân phải đến bệnh viện và giảm đáng kể chi phí do không cần tiêm hormone.

Về kế hoạch tương lai, BS Lê Long Hồ, Trưởng đơn vị hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận cho biết: nhóm bác sĩ Mỹ Đức dự định mở rộng chỉ định điều trị. Cụ thể là áp dụng cho nhóm bệnh nhân có lượng dự trữ buồng trứng ở mức bình thường, những người muốn điều trị hiếm muộn một cách thân thiện. Họ cũng hướng tới việc mở rộng cho những bệnh nhân có đáp ứng kém với kích thích buồng trứng và tinh gọn lại quy trình nuôi cấy.

CAPA IVM không chỉ là niềm tự hào của ngành y học Việt Nam mà còn là minh chứng cho sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng của đội ngũ y bác sĩ trong việc mang lại hy vọng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Với sự công nhận và đón nhận từ quốc tế, CAPA IVM đã và đang khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ hỗ trợ sinh sản toàn cầu.

Mời nghe chi tiết tại đây: