Tại Quyết định số 1660 ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra các mục tiêu tổng quát:
Một là, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần tích cực duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động BHTG bao gồm chứng nhận tham gia BHTG, thông tin báo cáo, giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG; tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tham gia BHTG yếu kém; tính và thu phí BHTG, quản lý nguồn vốn và đầu tư, tuyên truyền chính sách BHTG, chi trả BHTG theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam.
Ba là, tăng cường năng lực tài chính của tổ chức BHTG để khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào chính sách BHTG.
Để thực hiện các mục tiêu quan điểm định hướng, Chiến lược phát triển BHTG xác định 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm:
Thứ nhất, trong giai đoạn 2022 - 2025, Chiến lược phát triển BHTG đã xác định trọng tâm hoàn thiện cơ sở pháp lý là xây dựng Luật BHTG sửa đổi, bổ sung và các luật có liên quan cũng như xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn, thi hành luật. Giai đoạn 2025 - 2030, quá trình xây dựng, bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến BHTG sẽ tiếp tục được thực hiện. Trong đó, tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHTG, Luật Các Tổ chức tín dụng cũng như hoàn thiện các quy định về chế độ tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), nhằm kiến tạo hành lang thông thoáng cho việc triển khai hiệu quả chính sách BHTG.
Thứ hai, Chiến lược phát triển BHTG chỉ ra rằng BHTGVN cần tiếp tục hoàn thiện chính sách BHTG. Theo đó, BHTGVN chủ động định kỳ rà soát, đánh giá mức độ phù hợp và đề xuất điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm nhằm tiến tới tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92% - 95%, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá các điều kiện thực tế của Việt Nam và đề xuất thời điểm phù hợp tiến hành xây dựng, triển khai phí BHTG trên cơ sở đánh giá và phân loại tổ chức tham gia BHTG.
Thứ ba, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ, cụ thể như: Thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào tất cả các hoạt động nghiệp vụ BHTG như quy trình cấp, thu hồi và quản lý chứng nhận tham gia BHTG; Đưa vào vận hành hệ thống thông tin báo cáo đảm bảo thông tin đầy đủ, đáng tin cậy; Thực hiện kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm tại 100% tổ chức tham gia BHTG yếu kém theo kết quả giám sát; Hoàn thiện các phương pháp giám sát rủi ro và bộ chỉ tiêu giám sát, chú trọng phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn; công tác tính và thu phí BHTG; Làm đúng vai trò, chức trách trong tham gia kiểm soát đặc biệt tại các tổ chức tham gia BHTG có vấn đề; Xây dựng kế hoạch dự phòng và diễn tập chi trả cho từng loại hình tổ chức tham gia BHTG; Đa dạng hóa nội dung và hình thức tuyên truyền chính sách BHTG; Mở rộng quan hệ quốc tế cũng như thiết lập cơ chế phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan...
Thứ tư, BHTGVN cần nâng cao năng lực tài chính thông qua các giải pháp: đề xuất tăng vốn điều lệ, đa dạng hóa danh mục đầu tư nguồn vốn, bổ sung hình thức vay từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, xây dựng Đề án tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ trong trường hợp nguồn vốn không đủ để trả tiền bảo hiểm. Bên cạnh đó, BHTGVN cũng hướng tới tinh gọn và chuyên môn hóa bộ máy tổ chức; đồng bộ hóa trong quản trị điều hành; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thường xuyên được đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ...