Tại trường học xã vùng cao La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn và thiếu thốn, giáo dục luôn là một hành trình đầy gian nan. Tuy nhiên, giáo dục nơi đây có nhiều triển vọng tích cực thông qua ứng dụng nền tảng học tập trực tuyến, từ việc củng cố kiến thức hiệu quả tới trang bị những kỹ năng công nghệ thông tin cần thiết.

Nỗ lực đưa con chữ về bản

Học sinh của trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS La Pán Tẩn đa số là người dân tộc Mông, nhiều em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên thường xuyên bỏ học để phụ giúp gia đình, do đó các thầy cô giáo luôn nỗ lực để “níu chân” học sinh đến trường, đem đến những bài học dễ hiểu và hấp dẫn cho các em. Từ tháng 12 năm 2023, với quyết tâm thổi làn gió mới trong dạy và học môn Toán, thầy và trò nơi đây lần đầu tiên ứng dụng nền tảng học tập trực tuyến là Khan Academy để bổ trợ cho chương trình trên lớp.

Mặc dù nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía học sinh và phụ huynh, nhà trường vẫn cần giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất trước mắt. Theo thầy Nguyễn Thanh Hiệu - Phó hiệu trưởng trường La Pán Tẩn, “Trường có hơn 1.000 học sinh nhưng chỉ có 1 phòng máy với 29 máy tính. Các em học sinh phải chia ca, thời gian sử dụng không nhiều. Đôi khi thầy cô phải bố trí cả thời gian buổi tối để hướng dẫn thêm các em”.

Song, khó khăn không có nghĩa là bỏ cuộc. Từ khi bắt đầu học tập trực tuyến, các em học sinh La Pán Tẩn đã dần hình thành niềm yêu thích đặc biệt với môn Toán, đồng thời bắt đầu trang bị cho bản thân những kỹ năng hữu ích để bắt kịp với sự phát triển của xã hội, sẵn sàng hội nhập cùng bạn bè tại các thành phố lớn.

Học tập trực tuyến mở ra những cánh cửa mới

“Sau một tháng rưỡi kiên trì xem video và làm bài thì bây giờ em không còn cảm thấy học Toán khó nữa”, em Thào Thị Blà - học sinh lớp 8 vui mừng chia sẻ. Thông thường, em Blà dành 20-30 phút mỗi ngày để ôn bài trực tuyến, kết hợp học trên trường và tự học bằng điện thoại vào buổi tối.

Với em Lý A Sở - học sinh lớp 7, “Bài tập trên Khan Academy rất hay, phần giải thích cũng rất dễ hiểu, em có thể tự đọc và làm lại được mà không cần nhờ thầy cô giảng lại”. Cũng giống như A Sở, em Lý Hạ Du - học sinh lớp 6, cũng bày tỏ sự thích thú với các dạng bài tập phong phú trên nền tảng. Đặc biệt, chỉ sau vài tháng học tập trên nền tảng trực tuyến, Hạ Du vô cùng tự hào khi đã tăng thêm được từ 1 đến 2 điểm Toán trong các bài kiểm tra. Dù đây không phải một kết quả “bứt phá" nhưng cũng là nguồn động lực to lớn để em tiếp tục phấn đấu trong học tập.

Thầy Hiệu cũng khẳng định “Học trên Khan giúp các em học tốt môn Toán hơn, vì các em được luyện đi luyện lại mà không gặp áp lực nào. Hơn nữa các em cũng dần hình thành được kỹ năng tự học, đây là điều rất tích cực".

Không chỉ tiến bộ trong môn Toán, việc làm quen với một nền tảng học tập trực tuyến còn giúp học sinh nơi đây trang bị những kỹ năng công nghệ thông tin cần thiết, sử dụng máy tính thành thạo và sẵn sàng bắt kịp xu thế công nghệ số.

Một thế hệ tương lai tự tin làm chủ công nghệ

Ban đầu, các em học sinh vừa háo hức nhưng cũng vừa bối rối khi học trực tuyến vì…không quen sử dụng máy tính. “Em rất ít khi được dùng máy tính nên lúc đầu cũng chưa quen thao tác”, A Sở chia sẻ, “Nhưng sau 1 thời gian thì em đã biết đánh máy, tìm kiếm thông tin và chuyển trang nhanh hơn".

Còn với Blà, việc duy trì thói quen học tập trực tuyến cũng giúp em tự tin hơn với kỹ năng sử dụng máy tính và Internet của mình, đặc biệt còn bổ trợ môn Tin học trên trường. “Hồi trước em thấy học Tin rất khó hiểu, bây giờ thì thấy dễ và vui hơn nhiều!”

Công nghệ số trước đây thật lạ lẫm và khó hiểu, nay đã trở thành “người bạn" đồng hành cùng các em học sinh tiến xa trên con đường tri thức cũng như con đường phát triển trong tương lai. “Những kỹ năng công nghệ thông tin mà các em đồng thời học được trong quá trình ôn tập Toán trên Khan Academy là những kỹ năng vô cùng thiết thực và hữu ích. Đây chính là chìa khoá để các em bắt kịp với các bạn tại những nơi có điều kiện thuận lợi hơn, từ đó trở thành những cá nhân ưu tú và thành công, góp phần xây dựng quê hương đất nước", thầy Hiệu khẳng định.

Sử dụng công nghệ trực tuyến trong học tập để giấc mơ về những bản làng hiện đại nơi núi rừng Tây Bắc không còn xa vời. Tương lai không xa sẽ có một xã La Pán Tẩn phát triển, và những người con La Pán Tẩn dù có đi đến đâu cũng có đủ tri thức và kỹ năng để tự chủ, hội nhập và phát triển./.