Thành phố hay quê nhà đều có cơ hội và thử thách riêng
Nên lập nghiệp ở đâu sau khi tốt nghiệp đại học là một trong những mối quan tâm lớn nhất của các bạn sinh viên vì nó sẽ quyết định hướng đi quan trọng tiếp theo trong cuộc đời của các em. Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành, vấn đề này các bạn trẻ cần phải suy nghĩ, cần phải đầu tư thời gian để tìm câu trả lời cho chính bản thân mình. Bởi vì đôi khi một trào lưu nào đó chưa chắc đã phù hợp với bản thân bạn. “Nếu như chúng ta đánh đổi nhiều năm tháng cho một lựa chọn không phù hợp, sau khi quay trở lại thì có thể cơ hội quan trọng nhất trong cuộc đời của bạn đã dịch chuyển hoặc không còn được như ý trong rất nhiều khía cạnh.”
Các thành phố lớn thông thường bao giờ cũng có nhiều cơ hội hơn các địa phương bởi vì nơi đây có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn. Điều này giúp các bạn trẻ dễ dàng có cơ hội tìm kiếm được một công việc. Tuy nhiên, ở thành thị, sự cạnh tranh và áp lực cũng rất lớn. “Cùng một năng lực như nhau, những người ở thành phố phải cạnh tranh gắt gao hơn. Còn những ai chấp nhận về một vùng đô thị nhỏ hơn, đô thị vệ tinh thì có thể cơ hội lại thoải mái hơn”.
Nếu lựa chọn ở lại thành phố, các bạn cũng cần tính đến vấn đề nơi ăn chốn ở vì đối với những người trẻ ở các tỉnh khác về những đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp, để có được một nơi để ở không hề dễ dàng nếu như không có sự hỗ trợ từ phía gia đình. “Sự lấp lánh, phồn hoa của đô thị rất có thể là một cái thu hút tạm thời ban đầu của tuổi trẻ. Nhưng về lâu dài chưa chắc nó đã là một lợi thế tốt hơn.”
Tuy nhiên, chị Hà Thành khẳng định, nếu vất vả đến mấy nhưng bạn có thể mường tượng ra và vẫn chấp nhận nó thì đấy là sự lựa chọn của bạn.
Sự phù hợp của từng cá nhân là điều rất quan trọng
Nói về yếu tố nào quyết định việc lựa chọn thành phố hay về quê, theo chị Hà Thành, ở đâu mà bạn tạo ra giá trị cho xã hội, tạo dựng được công việc tốt và có những lợi ích kèm theo, bạn cảm thấy mình hạnh phúc, vui vẻ, ổn định trong môi trường đấy, đây là một điều rất quan trọng.
Nhìn lại sau 20 năm tốt nghiệp đại học, chị Hà Thành chia sẻ câu chuyện của bạn bè mình. Có những người nếu cho lựa chọn lại có thể ngày xưa họ về tỉnh, về các đô thị nhỏ hơn thì có thể cuộc sống đã dễ chịu hơn. Bạn ở tỉnh bạn nào cũng có nhà cao cửa rộng, có xe, có đầy đủ đủ mọi thứ, con cái học hành rất đàng hoàng mà cuộc sống lại không phải quá bon chen, có thời gian thư thả cho bản thân. Trong khi đó, ở lại đô thị lớn, có những người thành công nhưng cũng có rất nhiều người có sự khiêm tốn nhất định và cuộc sống vẫn còn vất vả. “Sẽ có rất nhiều cách để mọi người cân nhắc nhưng mà sự phù hợp của từng cá nhân cũng là điều rất quan trọng”.
Nói về cơ hội nghề nghiệp, theo chị Hà Thành, rất khác so với những năm trước đây, hiện nay cơ hội việc làm mở rộng, ở các vùng quê cũng có nhà máy, có xí nghiệp, có công ty. Các bạn trẻ bây giờ có thể làm những công việc online, thậm chí sinh sống ở vùng núi vẫn có thể làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài. “Cho nên việc mà bạn muốn sinh sống, set up và ổn định cuộc sống của mình ở nơi nào là một yếu tố quan trọng.”
Quyết định ở lại thành phố hay về quê hương sau tốt nghiệp phụ thuộc vào sự hiểu rõ bản thân và mục tiêu cuộc sống của mỗi bạn trẻ. Mặc dù cơ hội nghề nghiệp hiện nay rất đa dạng, nhưng việc lựa chọn môi trường sống phù hợp là điều quan trọng nhất. Dù ở đâu, nếu dám sống và thử thách bản thân, bạn sẽ tìm ra con đường phù hợp và ổn định lâu dài.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành, Đại học FPT chia sẻ góc nhìn cho câu hỏi: “Tốt nghiệp đại học - ở lại thành phố hay trở về quê hương lập nghiệp?”: