Suy nghĩ tích cực giúp bạn đưa ra phương án tốt nhất để giải quyết vấn đề

Nếu không có suy nghĩ tích cực, chúng ta sẽ không thể vượt qua được những khó khăn, vấn đề và nghịch cảnh trong cuộc sống”, chị Thanh Hương khẳng định. Vậy suy nghĩ tích cực đơn giản là mọi điều xảy đến với chúng ta đều có nhiều mặt và chúng ta nên nhìn vào mặt ưu điểm để xử lý vấn đề và giúp chúng ta luôn tiến lên phía trước.

Trước thực trạng nhiều bạn học sinh vừa thi tốt nghiệp THPT không mấy lạc quan về kết quả của mình, chị Thanh Hương muốn chia sẻ một câu chuyện: mọi thứ đều có cách giải quyết nếu như bạn có tư duy tích cực.

Có một bạn trẻ học rất giỏi nhưng khi thi đã không vào được ngôi trường đại học mà mình mong muốn. Trong khi cả gia đình lo lắng, sợ bạn buồn, áp lực và có những suy nghĩ tiêu cực nhưng bạn trẻ đó có tư duy hoàn toàn khác. Bạn ấy không học trường đã đỗ mà quyết định ôn tập để năm sau thi lại. “Học ở ngôi trường không mong muốn, con sợ mình sẽ chán, con sẽ học lại ngay từ năm nay còn hơn sau đó để lãng phí thời gian”, bạn trẻ đã thuyết phục bố mẹ như vậy.

Với suy nghĩ tích cực, dù không đạt được như nguyện vọng nhưng qua đó, bạn trẻ biết mình đang hổng chỗ nào và phải ôn tập chỗ nào để đưa ra phương án để giải quyết tốt nhất.

5 phương pháp rèn luyện tư duy tích cực

Thứ nhất, phải luôn luôn nhìn vào những ưu điểm của vấn đề. Ví dụ, một bài thi bị điểm kém sẽ giúp bạn biết được điểm yếu của mình ở đâu để rèn phần đó. Các em phải tư duy, những bài thi, những bài kiểm không phải để đánh giá điểm cao thấp mà quan trọng là các em tự đánh giá được chính bản thân mình để có được những giải pháp cho kế hoạch học tập tiếp theo.

Thứ hai, rèn luyện lòng biết ơn. Biết ơn bố mẹ, thầy cô, biết ơn những gì đang xảy ra trong cuộc sống vì nó giúp cho chúng ta thay đổi, giúp chúng ta có thêm trải nghiệm và giúp chúng ta trưởng thành hơn. Mỗi một thất bại sẽ khiến bạn có thêm bài học. Tư duy tích cực sẽ giúp bạn “tốt nghiệp” bài học đó để biết cái gì nên dừng lại, cái gì nên tiếp tục, người nào chúng ta nên gắn bó.

Thứ ba, tiếp xúc và tương tác với những người có tư duy tích cực. Nếu như bạn tương tác nhiều với những người có suy nghĩ tiêu cực, tiêu cực từ những vấn đề của bản thân như tóc xấu, chân to, người béo đến tiêu cực những việc mà không liên quan như nhà hàng này sao mà ồn ào quá, bạn kia cười to quá… vô tình đã tiêm nhiễm vào đầu chúng ta những tư duy tiêu cực. Não bộ con người hoạt động theo cách tiếp nhận thông tin gì, nó sẽ đánh giá thông tin đấy và sau đó sẽ đẩy cảm xúc theo thông tin đấy.

Còn nếu bạn tiếp cận với những người tích cực, bạn sẽ luôn luôn cảm thấy yêu đời, cảm nhận mọi thứ theo mặt ưu điểm và luôn tìm ra giải pháp. “Cùng một cú ngã giống nhau nhưng có người ngồi bệt tại chỗ kêu than để chờ người khác cứu giúp. Nhưng có người sẵn sàng đứng dậy, mỉm cười, bước qua viên đá, dẹp nó vào một bên và bước tiếp”, chị Hương chia sẻ một hình ảnh so sánh.

Thứ tư, đọc sách về những vĩ nhân, về nghị lực sống, về những điều tích cực. Sách chính là người thầy giúp bạn lớn lên, trưởng thành qua trải nghiệm của người khác và giúp bạn có tư duy rõ ràng, giải pháp rõ nét hơn cho những việc xảy ra trong cuộc sống.

Thứ năm, luôn luôn nở nụ cười. Khi nở nụ cười, cảm xúc cũng thấy tươi vui hơn. Điều này sẽ giúp não bộ nhận định: bạn đang cảm thấy thoải mái và truyền thống tin xuống khiến tâm lý của bạn tốt hơn. Khi cười với mọi người cũng đồng nghĩa với việc bạn lan truyền cảm xúc tích cực cho những người xung quanh, giúp mọi người dễ tương tác, dễ giao tiếp với nhau hơn và dễ tạo ra một môi trường luôn luôn tích cực.

Suy nghĩ lạc quan, tích cực sẽ mang đến điều tốt đẹp, quan trọng nhất là cách chúng ta đối diện với những thất bại và những điều chưa may mắn trong cuộc sống. Mong rằng các bạn luôn giữ cho mình những suy nghĩ tích cực để luôn “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”.