Trong mục Góc thông tin NEU (Kinh tế quốc dân) với hơn 171.000 thành viên, gần đây có một nick ẩn danh chia sẻ việc mình là tân sinh viên K65. Bạn cho biết mình là người Nghệ An và đang gặp khó khăn trong việc hòa nhập với môi trường, bạn bè mới.

Điều này xảy ra khá phổ biến với các sinh viên lần đầu xa quê. Rời xa gia đình lên thành phố học, các bạn sẽ phải một mình đối diện với nhiều thách thức để quen dần với cuộc sống mới. Trước tiên trong số đó phải kể đến chính là việc hòa nhập được cuộc sống không có bố mẹ, người thân ngay bên cạnh, phải tự cân đối chi tiêu... và quan trọng nữa là làm bạn được với nhiều bạn học mới.

Rào cản với các tân sinh viên không chỉ là ngôn ngữ

“Cảm giác cầm giấy trúng tuyển trong tay vẫn luôn là một cảm xúc khó diễn tả và vô cùng ấn tượng. Bởi như nhiều bạn học sinh ở các tỉnh lẻ, từ khi còn nhỏ chúng em đã được động viên rằng phải cố gắng học giỏi để sau này được lên Hà Nội học. Bản thân em hồi đó là một người khá ít nói, nên khi gặp môi trường mới em sợ bản thân sẽ gặp khó khăn để có thể hòa nhập được khi mọi thứ rất mới, rất hiện đại”, nhớ lại những ngày đầu đầy bỡ ngỡ, bạn Lê Thu Trang, Bí thư Chi bộ sinh viên, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân kể về cảm giác háo hức và tự hào khi biết mình đỗ vào trường đại học.

Ban đầu theo Thu Trang sẽ xuất hiện cảm giác hạnh phúc, tự do đan xen hồi hộp và có chút choáng ngợp với sự nhộn nhịp, năng động của Thủ đô. Tuy nhiên, rất nhanh các bạn sẽ nhận ra cuộc sống tự lập hóa ra không hề dễ dàng. Các bạn sẽ phải tự lo từ việc đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp phòng, thậm chí là thức dậy đúng giờ mỗi buổi sáng để đi học. Và điều “quá sức” nhất với các tân sinh viên nằm ở việc học cách quản lý quỹ thời gian, học cách chi tiêu sao hợp lý. Những điều này, trước đây các bạn chưa từng trải qua bởi luôn có bố mẹ ở bên lo lắng, đôn đốc và nhắc nhở.

Bước chuyển tiếp từ năm cuối trung học phổ thông lên đại học, cao đẳng, học nghề theo Thu Trang có thể là một cú sốc đối với các tân sinh viên khi chưa thể kịp thích nghi với việc phải tiếp xúc với rất nhiều người trong một tập thể, mà ở đó, mỗi người đều mang trong mình một cá tính lẫn cách suy nghĩ rất khác nhau, gặp phải vấn đề về hòa nhập, bị ngắt kết nối, lạc lõng, cô đơn, hoặc vì những lý do khách quan như rào cản về văn hóa, đặc trưng giọng nói địa phương. Chuyện xảy ra với bạn sinh viên K65 ở Nghệ An của Trường Đại học Kinh tế quốc dân theo Thu Trang phản ánh đúng tình trạng của các tân sinh viên lần đầu lên Hà Nội học.

Trong số đó, sự khác biệt về ngôn ngữ đôi khi được coi như trở ngại lớn, đặc biệt trong môi trường có đông các bạn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Việc co cụm, chơi theo nhóm bạn cũ từ thời học phổ thông hoặc các bạn cùng quê trở thành lựa chọn an toàn với nhiều tân sinh viên khi ở đó, giữa những người đồng hương cùng giọng nói, cùng thói quen trong văn hóa ứng xử, các bạn trở nên tự tin hơn. Và việc học cách nói theo giọng của các bạn ở Thủ đô cũng được nhiều bạn tân sinh viên đến từ các tỉnh thành lựa chọn với mong muốn sớm hòa nhập với cuộc sống mới.

Làm quen với sự đa dạng trước khi bước vào thị trường lao động

Từ kinh nghiệm của một sinh viên năm cuối đến từ tỉnh Nghệ An, Thu Trang cho rằng bản thân cũng từng trải qua các cung bậc cảm xúc khác nhau trong những tháng ngày đầu tiên lên Hà Nội nhập học. Tuy nhiên, Trang cho rằng tùy vào khả năng hòa nhập nhưng về cơ bản chỉ sau học kì đầu, phần lớn các tân sinh viên sẽ tìm được tiếng nói chung trong tập thể đa dạng đến từ rất nhiều địa phương trong cả nước. Và lúc này, phần lớn các bạn đã vượt qua được những rào cản ban đầu về ngôn ngữ, văn hóa, bắt chuyện được với các thành viên khác trong lớp. Điều này sẽ khiến các bạn học hỏi và cải thiện khả năng giao tiếp hơn, quan trọng là việc mạnh dạn vượt qua giới hạn bản thân để hòa nhập nhanh vào môi trường mới. Thu Trang khẳng định bạn may mắn khi được học trong một tập thể với các bạn thân thiện, cởi mở.

Thu Trang cho biết cách nhìn nhận văn hóa vùng miền đôi khi cũng là một yếu tố dễ gây hiểu nhầm và tạo nên những khó khăn cho việc hòa nhập, không chỉ em và các bạn sinh viên ngoại tỉnh mà ngay cả các bạn lớn lên ở Hà Nội và các thành phố cũng dần học cách tôn trọng và hiểu rõ văn hóa các địa phương. Thật sự không khó để hoà nhập khi mình sống chân thành, cởi mở, tích cực tham gia vào các câu lạc bộ, sự kiện. "Các bạn của em rất tò mò và thường nhờ em dạy tiếng Nghệ An cho các bạn. Điều này trở thành chuyên mục không thể thiếu mỗi lần chúng em đi chơi chung”, Thu Trang nói vui.

Việc luyện tập cải thiện giọng nói theo Thu Trang không nhất thiết hay bắt buộc. Nhưng tập được giọng hay sử dụng các từ ngữ phổ thông theo kinh nghiệm của bạn cũng sẽ có ích trong nhiều mặt, có thể kể đến như: dễ trao đổi thông tin, tránh bị hiểu nhầm khi có nhiều từ địa phương khác biệt và khó hiểu.

Khi giao tiếp được với nhiều người, với vốn từ ngữ phong phú, các bạn trẻ không chỉ tự tin mà còn có thể sẽ trở thành một người giỏi giao tiếp. Thu Trang cũng khuyên các bạn tân sinh viên đừng quên, khi bắt đầu một cuộc giao tiếp, hãy nở nụ cười đầu tiên, bạn sẽ gây thiện cảm và giúp xóa đi những khác biệt về giọng nói hay từ ngữ địa phương.

Cũng từ thực tế 4 năm học đại học ở Hà Nội, Thu Trang cho rằng vẫn có những bạn ở Hà Nội tách rời và không chơi với các bạn ngoại tỉnh. Tuy nhiên, đây chỉ là thiểu số. Còn cơ bản, sẽ rất nhanh chóng cho việc hòa nhập của các bạn tân sinh viên khi cùng học, cùng tham gia các hoạt động ngoại khóa. Chính điều này tạo cơ hội để các bạn học hỏi ngay từ những người bạn đồng trang lứa về các phương pháp học tập và cũng như các kĩ năng mềm trong giao tiếp, ứng xử.

Một gợi ý để các tân sinh viên sớm hòa nhập theo Thu Trang ở việc tham gia các CLB ở trường đại học, cao đẳng và trường nghề. Đây được xem như môi trường để thỏa sức thể hiện khả năng, sở thích, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tế liên quan tới ngành học. Bên cạnh đó, các bạn tân sinh viên có thể mở rộng các mối quan hệ, quen thêm những người bạn mới, trưởng thành hơn về giao tiếp xã hội thông qua việc tương tác với những người bạn mới và xây dựng những mối quan hệ dài lâu, bền vững với những người bạn hợp sở thích.

Chọn sống khép mình hay thay đổi và hòa nhập, đó là lựa chọn mang tính cá nhân nhưng ít nhiều sẽ tác động tới tương lai của mỗi bạn trẻ khi trở thành tân sinh viên. Rất nhanh thôi, môi trường làm việc, môi trường sống của bạn sẽ không chỉ gói gọn trên giảng đường, khu ký túc hoặc xóm trọ. Học đại học nếu chỉ tập trung học tốt thôi và không có kỹ năng thích ứng, bạn sẽ vấp phải nhiều khó khăn khi bước bào thị trường lao động. Rèn bản lĩnh, trong đó có cả việc rèn khả năng thích ứng với những điều mới mẻ chính là điều mà các bạn, những người trẻ cần coi trọng ngang với những kiến thức, kỹ năng chuyên môn.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung: