Mới đây, tại một cuộc tiếp xúc cử tri tại quận Hà Đông (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thông tin, năm 2022, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc, trung bình cứ 100 nhà giáo có 1 người ra khỏi ngành.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho hay, hiện cả nước có 1,6 triệu giáo viên, thiếu khoảng hơn 100.000. Vừa qua, Bộ Chính trị, Chính phủ đã duyệt cho ngành từ nay đến 2025 được tuyển trên 64.000 biên chế, đáp ứng được một phần quan trọng nhu cầu, trong đó, riêng năm 2022 ngành được được duyệt chỉ tiêu hơn 27.000 giáo viên. Dù vậy, chỉ trong năm 2022, tổng số giáo viên bỏ việc trên cả nước là trên 16.000 người.

TS. Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) chia sẻ, trong một năm có tới 16.000 giáo viên bỏ việc là điều đáng buồn và là một cảnh báo cho ngành giáo dục.

Trước hết, theo TS. Hoàng Trung Học việc nhiều giáo viên xin nghỉ việc sẽ làm mất cân đối lực lượng lao động trong một lĩnh vực có đông viên chức nhất và có ảnh hưởng quan trọng tới xã hội.

“Trước đây có hiện tượng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Nhưng bây giờ không chỉ thừa thiếu cục bộ nữa mà đang thiếu hàng trăm nghìn giáo viên nhưng lại có đến 16.000 giáo viên bỏ việc. Điều này khiến cho các nhà quản lý gặp khó khăn trong việc cân đối đội ngũ giáo viên”, ông Học nói.

Bên cạnh đó, hiện tượng giáo viên xin nghỉ việc theo TS. Hoàng Trung Học còn cho thấy tính hấp dẫn của nghề sư phạm đã giảm xuống. Một nghề từ trước đến nay được ví là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý; Sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo thì việc giáo viên bỏ nghề sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu chấn hưng nền giáo dục, xây dựng một xã hội học tập...

Khi sức hấp dẫn của ngành sư phạm giảm xuống cảnh báo những vấn đề cốt lõi của cả hệ thống giáo dục, đó là: Lý tưởng nghề nghiệp, khát khao được cống hiến; Vị thế nhà giáo trong xã hội; Công tác quản lý ở cả cấp vĩ mô đến vi mô; Đổi mới giáo dục…

Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến giáo viên bỏ việc. Nhưng TS. Hoàng Trung Học nhấn mạnh, lương bổng, thu nhập quá thấp so với công việc được xem là nguyên nhân chính.

“Một giáo viên trẻ mới ra trường, đặc biệt là giáo viên Mầm non chỉ có mức lương trên dưới 3 triệu đồng/tháng là quá thấp để họ có thể chi trả nhiều khoản sinh hoạt phí trong gia đình. Nếu nơi họ dạy học xa với chỗ làm thậm chí với mức lương như vậy không đủ tiền xăng xe, điện thoại”, ông Học băn khoăn.

Trước ý kiến cho rằng mức thu nhập của giáo viên so với mặt bằng chung của cán bộ công chức, viên chức là cao vì giáo viên có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên hay phụ cấp thu hút… Tuy nhiên, TS. Hoàng Trung Học cho rằng so sánh như vậy là khập khiễng. Khi phân tích mức lương của giáo viên cao hay thấp phải căn cứ vào thực tế chi tiêu bảo đảm mức sống tối thiểu của giáo viên và gia đình họ; Đồng thời so sánh với mặt bằng thu nhập của các ngành nghề khác đều đã cao hơn so với ngành giáo dục.

“Chúng ta đau xót khi thấy nhiều thầy cô ngày lên lớp tối về bán hàng online, làm shipper và làm nhiều công việc khác để đảm bảo cuộc sống. Các thầy cô không thể tập trung chuyên môn được nếu thu nhập quá thấp”, TS. Hoàng Trung Học chia sẻ.

(TS. Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục)

Điều quan trọng theo TS. Hoàng Trung Học, ngoài đồng lương thấp thì áp lực công việc hiện nay đối với giáo viên đang quá lớn. Trong đó có áp lực đến từ cha mẹ học sinh, áp lực thành tích, áp lực sổ sách…

“Chúng ta đang xây dựng trường học hạnh phúc. Nhưng để có trường học hạnh phúc thì trước hết thầy cô phải hạnh phúc. Thầy cô không hạnh phúc thì làm sao học sinh hạnh phúc, trường học hạnh phúc được”, ông Học đặt vấn đề.

Vấn đề đặt ra hiện nay theo ông Học là cần phải có giải pháp tổng thể với sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều Bộ. Trong đó, việc đầu tiên cần cải thiện chính sách tiền lương để làm sao giáo viên thực sự sống được bằng lương.

Thứ hai, giáo viên phải được giải phóng khỏi áp lực sổ sách, những cuộc thi không cần thiết, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin…

“Phụ huynh và các cấp quản lý phải thực sự ủng hộ, tạo điều kiện tối đa cho giáo viên để họ có thể tập trung công việc quan trọng nhất là giáo dục học sinh. Đặc biệt các thầy cô phải cảm thấy được bảo vệ, cảm thấy an tâm, an toàn thì họ mới thực sự gắn bó với nghề”, TS. Hoàng Trung Học nói.