Những năm gần đây, khái niệm “Trường học hạnh phúc” đã và đang dần trở nên quen thuộc, phổ biến với các nhà trường. Thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng trường tiểu học Hội Hợp B, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, người giáo viên vừa khởi xướng, vừa tham gia thúc đẩy xây dựng trường học hạnh phúc tại những nơi nhận công tác, đồng thời đang truyền cảm hứng những đồng nghiệp khắp nơi trên cả nước.

Gặp gỡ thầy Đào Chí Mạnh, phóng viên VOV2 không có ý định xây dựng hình ảnh về “Thầy giáo nhà người ta" hay “Hiệu trưởng nhà người ta”. Chúng tôi chỉ mong ước hiểu hơn về trường học hạnh phúc thực sự là gì? Có phải đong đếm bằng các tiêu chí và sẽ có trao danh hiệu gắn biển cho các nhà trường?

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung:

-Thầy Đào Chí Mạnh sinh năm 1980, theo học ngành tiểu học tại trường Cao đẳng sư phạm Vĩnh Phúc, tiếp tục học bậc đại học, thạc sỹ chuyên ngành Quản Lý Giáo dục.

-Năm 2003 thầy Mạnh về nhận công tác tại trường Tiểu học Hồ Sơn- Tam Đảo - Vĩnh Phúc. Năm 2009 thầy chuyển về dạy tại trường Tiểu học Đống Đa- Tp Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc.

-Từ năm 2016, theo phân công của phòng giáo dục thành phố Vĩnh Yên, thầy đảm nhận vị trí Hiệu trưởng trường tiểu học Kim Ngọc.

-Năm 2021, thầy Mạnh được chuyển về trường Tiểu học Hội Hợp B, thành phố Vĩnh Yên ở vai trò hiệu trưởng.

-Vào những ngày đầu Covid 19 thầy Mạnh được Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc khen tặng đột xuất do có thành tích sáng tạo đặc biệt trong dạy học trực tuyến miễn phí cho học sinh khi trường học đóng cửa.
-Thầy Mạnh được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam 2 lần trao kỷ lục về khống chế bóng bằng chân, vai đầu trong hơn 2 giờ đồng hồ và kỷ lục tâng bóng bằng đầu liên tục hơn 2700 lần trong 17 phút 45 giây vào các năm 2020, 2023.

-Cuối năm 2023, thầy Mạnh là ứng viên Việt Nam duy nhất trong 20 cá nhân toàn cầu được trao giải thưởng Gusi Hòa Bình tại Philippin.

Thầy hiệu trưởng nhận giải thưởng Gusi Hòa Bình và hơn thế...

Phóng viên: Xin chào thầy Đào Chí Mạnh, cám ơn thầy đã dành thời gian cho phóng viên VOV2!

Thầy Đào Chí Mạnh: Xin chào BTV Ý Dịu! Đầu xuân Giáp Thìn 2024, thay mặt cho các thầy cô, các em học sinh và phụ huynh của tiểu học Hợp Hội B, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc xin gửi tới tất cả quý khán thính giả, độc giả cùng với các anh chị em biên tập viên phát thanh viên VOV2 lời chúc mừng năm mới thật nhiều sức khỏe thành công và hạnh phúc.

Phóng viên: Thầy Mạnh thân mến! Xin chia sẻ rằng trước khi gặp thầy, tôi đã có cơ hội thăm nhà trường được trò chuyện với giáo viên được nghe những câu chuyện từ họ và đặc biệt nhất được nghe tiếng cười của học sinh, được nhìn ngắm khuôn viên nhà trường để cảm nhận không khí rất vui, rất thoải mái và tự dưng khi ấy thì tôi nghĩ rằng câu đầu tiên khi gặp thầy tôi sẽ hỏi. Đó là tại sao phải xây dựng trường học hạnh phúc? Chẳng lẽ chúng ta có một dấu mốc mà từ thời điểm đó tính về trước, những thành viên trong trường không hạnh phúc?

Thầy Đào Chí Mạnh: Với tôi đây được xem như một câu chuyện khá dài và tôi cho rằng không có con đường hạnh phúc. Hạnh phúc chính là con đường đã và sẽ qua. Suốt gần 8 năm vừa rồi, tôi cùng với các thầy cô, các em học sinh ở những ngôi trường mà tôi đã công tác thực hành trường học hạnh phúc và thấy rằng điều này giúp cho chúng tôi đến gần hơn với mục tiêu của giáo dục. Đó không chỉ cung cấp kiến thức mà còn phát triển năng lực, kiến tạo văn hóa và bồi dưỡng tâm hồn cho các em học sinh thân yêu.

Trước đây, tôi là tín đồ của nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức. Ngày ấy, tôi là giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi và khoảng 10 năm đảm nhiệm đội tuyển toán tuổi thơ Vĩnh Phúc, một đội tuyển rất mạnh khi tham dự các giải toàn quốc. Việc dạy học theo hướng tập trung luyện kiến thức cho học sinh cũng là một con đường giúp cho các em tôi luyện ý chí. Tuy nhiên, qua nhiều năm dạy học và sau này làm quản lý, tôi nhận ra rằng điều đó chỉ giúp ích cho một số những em học sinh có năng khiếu. Rất nhiều học sinh khác cũng cần có cơ hội để phát triển. Khi làm hiệu trưởng trường tiểu học Kim Ngọc, ngôi trường mới thành lập ở thành phố Vĩnh Yên, tôi cùng các thầy cô trao đổi bàn bạc và định hướng đi cho ngôi trường của mình với rất nhiều hoạt động để học sinh rèn luyện năng lực, phẩm chất. Thông qua việc đó, chính tôi và các thầy cô cũng giảm bớt đi những áp lực từ việc dạy học.

Phóng viên: Câu chuyện về trường học hạnh phúc dường như khiến tôi quên mất việc chúc mừng thầy là người đầu tiên và duy nhất Việt Nam đến lúc này được trao giải thưởng Gusi Hòa Bình, giải thưởng từ quỹ của một danh, nhân một nhà quân sự nổi tiếng của Philippin vào cuối năm 2023. Tôi đang rất tò mò về sự liên quan giữa giải thưởng này với trường học hạnh phúc?

Thầy Đào Chí Mạnh: Theo tôi được biết thì khoảng 5.000 hồ sơ mỗi năm từ khắp nơi trên thế giới gửi về. Năm nay được 20 người nhận giải thưởng và tôi là một trong những người được chọn. Trong thư mời, họ nói rằng tôi là một trong những người có đóng góp cho sự đổi mới giáo dục, từ đó có đóng góp cho Hòa Bình và tiến bộ nhân loại.

Khi đến Manila, tôi được tiếp xúc với rất nhiều những đại biểu đến từ các nơi trên thế giới. Mỗi người mang theo hành trang là những thành tựu của họ trong nhiều lĩnh vực như y tế, chính trị, ngoại giao, từ thiện. Ở đây có thể thấy không chỉ là niềm tự hào cá nhân mà đó là niềm tự hào hào của một người Việt Nam đại diện cho dân tộc Việt Nam. Hai tiếng Việt Nam thiêng liêng được xướng lên, được bước dưới lá cờ đỏ sao vàng thực sự rất nhiều cảm xúc, tự hào dâng trào. Bài phát biểu ngắn của tôi trước rất nhiều đại biểu đến từ các nơi trên thế giới có nói rằng giải thưởng này không phải là dành riêng cho cá nhân tôi mà cho đất nước tôi, cho giáo dục và đặc biệt dành cho những thầy cô đang miệt mài xây dựng trường hạnh phúc ở Việt Nam. Lúc đó, trong tôi còn thêm một cảm xúc nữa. Đó là tự hứa với bản thân mình, dân tộc mình, với đồng nghiệp của mình cần làm tốt hơn. Giải thưởng đó không phải là sự ghi nhận từ trước đến bây giờ mà còn là trách nhiệm lớn lao để sau này nhìn vào đó để duy trì, phát huy những gì mình đã làm.

Phóng viên: Nhắc đến thầy Đào Chí Mạnh, ngoài giải thưởng Gusi Hòa Bình thì được biết thầy đã 2 lần được trao chứng nhận kỷ lục về lượt tâng bóng. Có rất nhiều bạn nam, nữ học sinh sẽ coi thầy là thần tượng mất?

Thầy Đào Chí Mạnh: Một trong những niềm vui mà mỗi ngày tới trường chính ở sự gần gũi không chỉ của thầy cô mà các bạn học sinh dành cho tôi, một người hiệu trưởng. Tôi còn nhớ ký ức của mình khi còn là học sinh thì hiệu trưởng nghiêm nghị, học sinh không có cơ hội được nói chuyện, được cười nói thoải mái. Khi làm hiệu trưởng, tôi tự nghĩ sẽ không như thế nữa. Đồng ý người thầy cần có sự trang nghiêm nhưng ở sân trường, các học sinh chạy đến gần và cúi chào thầy và rất nhiều bạn còn nắm tay thầy, trò chuyện, cười đùa và đặc biệt là khi tôi tâng bóng ngoài sân trường, các bạn ùa ra vây quanh, vỗ tay hò reo rất thích thú.

Quay lại với câu chuyện được trao kỷ lục về thành tích tâng bóng, năm 2020, khi Covid 19 ập đến, xã hội bị lockdown, tôi bắt đầu tập luyện tăng cường hơn nữa vì cũng đã tập bóng từ rất lâu rồi. Lúc đầu nhằm kêu gọi từ thiện giúp đỡ hai bạn học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ do tai nạn giao thông mà không nghĩ rằng mình lập kỷ lục Việt Nam khi tâng bóng được quãng đường là 8,5 km trong hơn 2 giờ đồng hồ.

Từ kết quả này tôi rút ra một điều rằng khi mình có ý chí nghị lực cùng suy nghĩ vì người khác thì kết quả sẽ ngoài mong đợi. Khi về Hội Hợp B, tôi thấy có rất nhiều học sinh của nhà trường mồ côi, dịp Tết sẽ rất thiếu thốn. Thế nên cùng với thầy cô ngoài phong trào “Mùa xuân yêu thương”, chúng tôi làm chương trình “Kỷ lục và những điều hơn thế”. Sau khoảng 2 tháng tập luyện liên tục, trước thềm tết Nguyên đán ngay tại sân trường tôi đã lặp lại kỷ lục lần 2 với số lần 2700 lượt tâng bóng trong gần 20 phút. Điều này có giá trị với cá nhân tôi từ một hoạt động tập luyện cá nhân, tôi đã vượt qua áp lực tinh thần khi thể hiện trước đông học sinh và như một cách khích lệ học sinh, thầy cô cùng rèn luyện thể thao.

May mắn và hạnh phúc khi tôi được thầy cô ủng hộ. Mình may mắn khi gom góp, kết nối mọi người để làm một việc ý nghĩa, quyên góp được 24 triệu cho 4 bạn học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Số tiền với nhiều người có thể không nhiều nhưng với những em học sinh thiệt thòi, khó khăn, các bạn có một cái Tết ấm áp hơn.

Phóng viên: Và điều này cho thấy thể thao học đường cũng cần thiết, cũng cần được coi trọng như các môn học khác, thưa thầy?

Thầy Đào Chí Mạnh: Quan điểm của tôi với các thầy cô nhà trường là không có môn chính môn phụ. Môn học nào cũng quan trọng. Hồi làm hiệu trưởng trường tiểu học Kim Ngọc, lần đầu tiên của Vĩnh Phúc chúng tôi tổ chức giải chạy Happy Day, giải chạy online có sự tham gia của các cặp bố mẹ cùng con. Khoảng 300 cặp phụ huynh và học sinh, giáo viên tham gia sau đó ngoài quảng trường Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Phúc. Thành tích chỉ được ghi nhận khi về đích là cả hai người gồm phụ huynh và học sinh. Ý tưởng giải chạy này với tôi bắt đầu từ mong muốn kết nối giữa các thành viên trong gia đình giữa cuộc sống bận rộn này.

Từ đó, giải chạy được phát huy và năm ngoái là Happy Day tại sân Ủy ban phường trở thành ngày hội thực sự và tôi tin rằng đến bây giờ vẫn còn những dư âm với giáo viên, học sinh, phụ huynh. Ngay thời điểm này, chúng tôi hướng tới ngày hội thể thao lần thứ 2. Các thầy cô, học sinh, phụ huynh cùng nhau rèn luyện hằng ngày, sau giờ học. Và hiệu quả ngược lại ai cũng cảm nhận được tới sức khỏe, thể chất và tâm thần. Minh chứng ở việc thầy cô tới trường vui vẻ hơn, giấc ngủ của mình tốt hơn, bớt đi những căng thẳng và cá nhân tôi thấy năng suất lao động sư phạm của thầy cô tốt hơn.

Thầy giáo chọn dạy tiểu học đến hành trình xây dựng "Trường học hạnh phúc"

Phóng viên: Tôi xin phép ngược dòng một chút. Không biết có phải là định kiến không nhưng mà ở Việt Nam mình các bậc học càng nhỏ thường xuất hiện vai trò của các cô giáo nhiều hơn. Vì sao thầy chọn dạy bậc học vốn rất hiếm rất khó có sự góp mặt của các thầy như vậy?

Thầy Đào Chí Mạnh: Cảm ơn câu hỏi của BTV. Tôi muốn nhân đây truyền tải với các bạn học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường về chuyện lựa chọn ngành nghề về sau.

Trong một nghiên cứu khoa học, người ta vẽ ra vòng tròn để con người được hạnh phúc gồm 4 yếu tố mà càng có điểm giao nhiều thì càng có cơ hội được hạnh phúc. Từ đó để nhận ra rằng một người giáo viên sẽ có rất nhiều cơ hội được hạnh phúc. Giáo viên sẽ luôn luôn học tập để đi dạy. Đó là phát triển bản thân. Giáo viên cũng được coi như nghề để ta có thể kiếm sống. Thứ ba, còn tuyệt vời gì hơn khi trong gia đình có một người thầy, người cô để đảm nhiệm việc dạy con cái. Và cuối cùng, nghề giáo có cơ hội để cống hiến, tạo nên những con người nhân cách tốt cho tương lai.

Phóng viên: Cuộc trò chuyện của chúng tôi bỗng dưng có âm nhạc xen vào, vọng lên từ sân trường, rất háo hức và rộn ràng!

Thầy Đào Chí Mạnh: Tiếng nhạc mà BTV Ý Dịu vừa nhắc tới gắn với câu chuyện vũ điệu Shuffle Dance của trường tôi với số lượng thầy cô và học sinh tham gia nhiều nhất, gần 1.000 con người. Đây một vũ điệu mà đòi hỏi kỹ thuật, thể lực rất cao, bắt đầu từ câu chuyện những năm của tất cả mọi người phải ở nhà do Covid-19. Chúng tôi trao đổi với thầy cô nghĩ gì đó để kết nối với nhau và giúp cho mọi người có thêm kháng thể với dịch bệnh và từ đó phát động phong trào vắc xin tinh thần. Mỗi thầy cô thực hiện một clip nhảy, Ban giám hiệu là những người làm trước và nhà trường có một nhóm huấn luyện viên chọn những điệu nhảy cho cả trường học theo. Rồi mỗi người gửi lên nhóm để động viên nhau. Từ vài người đến vài chục người, vài trăm người đến lúc toàn trường có thể tham gia. Hàng tuần, vào chiều thứ 3 và thứ 5, sau một ngày dài trên lớp, toàn bộ nhà trường có một khoảng 30 phút coi như tập thể dục toàn trường và các con rất hào hứng. Lúc ấy toàn trường như một sân khấu để cho mọi người xả căng thẳng sau một ngày học tập cũng như cơ hội để chúng ta kết nối với nhau.

Phóng viên: Vậy là tôi trở thành người may mắn khi đến trường đúng ngày có buổi thể dục đặc biệt bằng vũ điệu toàn trường. Xin trở lại với trường học hạnh phúc. Trên hành trình này, thầy có thường xuyên gặp các quan điểm trái chiều từ giáo viên phụ huynh, thậm chí từ những người đồng nghiệp hoặc là đồng cấp hoặc cấp trên về những quan điểm mới mẻ, sáng tạo nhưng chưa nhiều người nhìn ra được?

Thầy Đào Chí Mạnh: Tôi cho rằng “Trường học hạnh phúc” vẫn là một khái niệm khá mới đối với giáo dục Việt Nam nói riêng và thậm chí nhiều quốc gia khác trên thế giới. Thì đúng là hành trình mới bao giờ cũng có những khó khăn, có những gian nan thậm chí đơn độc. Tuy nhiên, tôi có một niềm tin hướng đi đó sẽ là hướng đi kết nối với đổi mới giáo dục và thực sự rằng khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ra đời thì tôi thấy vững tin hơn. Bởi vì những nội dung xây dựng trường học hạnh phúc có những điểm tương đồng với mục tiêu giáo dục mà chương trình phổ thông 2018 đưa ra.

Tôi muốn mọi người hiểu rõ hơn hạnh phúc ở đây là khiến cho mọi người thấy công việc đang làm có giá trị này, được lắng nghe, được tôn trọng, được yêu thương, được an toàn, được thấu hiểu... Tuy nhiên, những ngày đầu, ngay trong Hội đồng sư phạm cũng có những băn khoăn, lo lắng và cả hoài nghi. Điều đó là bình thường thôi bởi vì cái mới bao giờ cũng thế. Trách nhiệm của hiệu trưởng là cần thuyết phục bằng chất lượng giáo dục của nhà trường.

Chẳng hạn như ngày xưa rất nhiều thầy cô vẫn còn giữ phương pháp dạy học truyền thống, thầy đọc trò chép thầy giảng trò nghe. Tôi nói với thầy cô rằng như thế thì thầy cô khổ lắm, hãy thay đổi đi. Thầy cô bây giờ giữ vai trò hướng dẫn, người truyền cảm hứng cho các con có thói quen học tập tốt, có năng lực tự học, tự nghiên cứu tài liệu, có thể học tập chính bạn bè của mình bằng cách trao đổi qua lại phản biện lẫn nhau. Một ngày làm việc như thế cũng nhàn hơn rất nhiều so với thầy cô như một cái máy nói từ sáng đến tối.

Nhiều người quan niệm rằng trường học hạnh phúc thì giáo viên mới hạnh phúc nhưng theo cá nhân tôi thì giáo viên hạnh phúc thì trường học mới hạnh phúc. Giáo viên hạnh phúc thì học sinh mới được hạnh phúc. Cho nên vấn đề quan trọng nhất là thay đổi từ bên trong.

-Cô giáo Cao Thị Bích Sinh: "Điều mà tôi cảm nhận rõ ràng nhất khi về tiểu học. Hội Hợp B là mỗi ngày đến trường cảm thấy rất vui, hòa đồng giữa tất cả các thành viên trong nhà trường từ Ban giám hiệu giáo viên nhân viên và thầy Mạnh trước đó tôi cũng đã biết khá lâu. Khi chưa công tác với thầy tôi rất nghi ngờ, thậm chí có thông tin có thể là thầy đánh bóng bản thân nhưng khi làm việc trực tiếp, tôi rất ngưỡng mộ thầy với vai trò người truyền cảm hứng, niềm đam mê, thực sự là nhiều năng lượng.

-Cô giáo Trần Thị Lan Hương: Truyền thống nhà mình làm nghề giáo từ ông mình, bố mẹ mình sắp đến mình, bây giờ con mình cũng làm nghề giáo luôn. Mình công tác 34 năm trong ngành giáo dục, 30 năm gắn bó với Hội Hợp B. Các thế hệ Ban giám hiệu mình đã từng qua thì các anh chị đều rất tâm huyết với nghề. Những năm gần đây thầy Mạnh mới về cũng thổi một luồng gió mới, đặc biệt các hoạt động phong trào thể dục thể thao, văn hóa đọc để cho mình cảm thấy là khi mình đến trường mình có nhiều phần việc mình có thể tham gia được.

-Cô Cẩm Lệ, Phó hiệu trưởng trường tiểu học Hội Hợp B: "Mình về với trường tròn đúng 1 năm trước khi về thì mình nghĩ rằng đây là trường ven thành phố. Tuy nhiên, được làm việc với các thầy cô giáo, với học sinh và đặc biệt là với thầy Hiệu trưởng mình có cảm nhận khác hẳn ngôi trường tạo ra cho mỗi cá nhân niềm vui, sự phấn khích và mong muốn đến trường vào mỗi buổi sáng mai. Đầu tiên, năng lượng từ chính thầy Hiệu trưởng, từ đội ngũ của chúng tôi đều hòa chung một nhịp đập. Hạnh phúc từ những niềm vui nho nhỏ của kết quả trong việc rèn luyện, từ sự tự tin, từ niềm vui của các con khi làm được một việc tốt. Hạnh phúc ở đây rất đơn giản, với nhiều cô chỉ là sáng ra muốn đến trường, bốn rưỡi chiều khi tiếng trống tan trường chưa muốn về, có thể ở lại tập luyện, có thể chia sẻ với các đồng nghiệp một chút".

Bản thân tôi cũng tuân theo dòng chảy tâm lý, có những lúc năng lượng lên cũng có những lúc nó xuống. Tôi ý thức được rằng mình cần phải luôn giữ cho mình năng lượng tích cực, phải có những phương pháp để hạn chế nó bị mất năng lượng ví dụ như tập luyện thể thao, như đồng tâm chia sẻ khó khăn với các đồng nghiệp, giao việc đồng thời hướng dẫn chứ không chỉ trách mắng... Nếu như thầy cô thực sự có mong muốn thay đổi, tôi tin rằng thầy cô sẽ tìm ra phương thức để thay đổi. Nếu như thầy cô thực sự có niềm tin thì tôi tin rằng sẽ có rất nhiều người hỗ trợ thầy cô từ chính ngay đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh của mình.

Chúng ta nên linh hoạt những tiêu chí để phù hợp với ngôi trường của mình, không nên bê nguyên mẫu nào đấy để áp dụng cho trường mình. Một vấn đề nữa mà tôi muốn nói là không nên áp lực từ chính những kỳ vọng của mình. Hạnh phúc là một hành trình và chúng ta hãy đi từ những bước nhỏ nhất, “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ những bước chân nhỏ bé”. Chúng ta có thể làm từ những thứ nhỏ nhất như chăm sóc cho một lớp học sáng hơn, một khu vệ sinh sạch hơn, thậm chí học sinh chăm luyện thể thao hơn, chăm đọc sách hơn...

"Hiệu trưởng-Người gieo mầm hạnh phúc"

Phóng viên: Mỗi thành viên trong nhà trường góp phần làm nên “Trường học hạnh phúc”. Tôi muốn nói nhiều về vai trò của người hiệu trưởng, thưa thầy?

Thầy Đào Chí Mạnh: Phải thừa nhận, tôi rất ân tượng với dự án “Hiệu trưởng người gieo mầm hạnh phúc” của Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông. Thực ra tôi đến với Trường học hạnh phúc từ nhu cầu tự thân, khoảng năm 2018. Ngày ấy, tôi quay cuồng trong áp lực. “Hiệu trưởng nhàu” là cái mác của mọi người gắn với tôi bởi mất ngủ, bởi căng thẳng. Và đến với dự án giống như điều may mắn với cá nhân tôi để mọi việc vẫn tốt đẹp, vẫn chất lượng nhưng đỡ đi những áp lực. Chẳng hạn như đổi mới hoạt động dạy học trong nhà trường để được mềm dẻo, linh hoạt hơn. Con đường tôi đi hiện nay có nhiều đồng đội hơn rồi, thậm chí có cả một dự án lớn của Việt Nam được rất nhiều lãnh đạo cấp cao công nhận. Mới đây Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong phát biểu của mình cũng hướng tới “Trường học hạnh phúc”.

Cũng là một công việc nhưng có hai cách tiếp cận: đạt mục tiêu với áp lực, với nỗi buồn và cách khác đạt mục tiêu với niềm vui, với sự cảm nhận giá trị. Tôi đồng ý là có nhiều khó khăn bủa vây, ngay trường tôi cũng vậy, nhưng chúng ta không chờ điều kiện hoàn hảo thì mới làm mà chúng ta làm để hướng tới sự hoàn hảo. Chúng ta cứ làm những điều bé mà chúng ta có thể làm. Không có sân thể thao lớn thì ta làm ở không gian vài chục mét vuông đi, cứ làm những điều dù bé nhưng đem lại giá trị cho các em học sinh và chính thầy cô.

Phóng viên: Xin thầy một câu hỏi cuối. Trước khi về đây, thầy làm hiệu trưởng ở tiểu học Kim Ngọc và bắt đầu thực hiện Trường học hạnh phúc. Vậy khi về Hội Hợp B, những gì đã trải qua được viết tiếp hay ở đây là hướng đi hoàn toàn mới?

Thầy Đào Chí Mạnh: Tiểu học Kim Ngọc, một cái tên rất đặc biệt gắn với danh nhân đi đầu trong hành trình đổi mới nông nghiệp, nông thôn Việt Nam những năm 60 của thế kỷ 20, Bí thư Kim Ngọc. Những tư tưởng đổi mới trong nông nghiệp của bác góp phần thay đổi một thời kỳ lịch sử của đất nước chúng ta, hướng tới điều tích cực hơn. Tôi cảm thấy có duyên khi làm việc dưới ngôi trường có tên bác Kim Ngọc.

Bây giờ thì hành trình của tôi vẫn nhìn thấy đâu đấy, dáng dấp dù không dám tự nhận đâu nhưng có gì đấy cũng mang hơi hướng của thay đổi lịch sử. Khi ở tiểu học Kim Ngọc, giống như những đường cày vỡ, có cả thành công, thất bại, có tổn thương, có hạnh phúc, có những tháng ngày bị bầm dập. Và khi ra Hội Hợp B, những bài học thành công và thất bại có giá trị rất tuyệt vời để áp dụng khiến hành trình nhanh hơn và đem lại nhiều kết quả hơn. Và Kim Ngọc cũng có những thay đổi tích cực từ đánh giá của giáo viên, phụ huynh và cả niềm vui học sinh có được.

Tôi cần cảm ơn tất cả mọi người, đặc biệt là các thầy cô giáo, các em học sinh, phụ huynh, các cấp lãnh đạo đã ủng hộ làm cho tôi cảm thấy vững tin hơn. Tôi khẳng định một điều rằng không ai làm trường học hạnh phúc một mình được. Đó là hành trình của cả tập thể, hiệu trưởng chỉ là người định hướng con thuyền ấy đi về đâu thôi. Còn những thầy cô các em học sinh chính là những thủy thủ để có những tác động lên những mái chèo đẩy thuyền di chuyển với tốc độ như thế nào.

Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là hạnh phúc. Một học sinh giỏi là cơ hội để thành công và một học sinh thành công có cơ hội để hạnh phúc. Nhưng nhìn xung quanh, chúng ta thấy có những học sinh giỏi nhưng chưa chắc đã thành công, chưa chắc đã hạnh phúc, có những học sinh thành công nhưng cũng chưa chắc có hạnh phúc, chúng ta nên nghĩ lại về mục tiêu của cuộc sống. Chúng ta không nhìn xa xôi mà nhìn ở nhà trường thôi. Tuổi thơ các con là những năm tháng các con tới trường, chúng ta, những thầy cô giáo hãy nuôi dưỡng các con không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn là những người giàu về tâm hồn, về nhân ái, bao dung, vị tha.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn thầy!