Hội nghị sơ kết kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là dịp để nhìn lại các khâu từ ra đề thi, tổ chức thi đến sử dụng kết quả thi và hiệu quả tuyển sinh đồng. Các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến nhằm tối ưu hóa việc sử dụng kết quả cho công tác tuyển sinh không chỉ với các trường khối ngành sư phạm.
Sử dụng kết quả chung, thí sinh không phải tham gia quá nhiều kỳ thi
Đánh giá kỳ thi năng lực năm 2023, đại diện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết sau khi tổng hợp thông tin từ chất lượng thí sinh tuyển vào bằng kết quả đánh giá năng lực đến chất lượng đề thi cho thấy đảm bảo bám sát kiến thức chương trình phổ thông hiện hành các em được học ở trường THPT, đánh giá được đúng năng lực thí sinh.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết kỳ thi đánh giá năng lực 2024 được giữ ổn định, cả về cách tổ chức, cấu trúc đề thi.
Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 sẽ diễn ra trong một ngày (11/5) với 8 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Trong đó, Ngữ văn có 30% câu hỏi dạng trắc nghiệm và 70% tự luận, Tiếng Anh có tỷ lệ câu hỏi trắc nghiệm tự luận là 80 - 20, các môn còn lại là 70-30%.
Việc tổ chức trong 1 ngày giúp thí sinh và gia đình các em ở các tỉnh di chuyển thuận tiện, tránh được những phiền phức về nơi ăn chốn ở trong trường hợp phải lưu lại điểm thi quá lâu cho thí sinh các tỉnh phía Bắc và phía Nam đăng kí tham dự.
Địa điểm thi được tiếp tục duy trì tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Quy Nhơn.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao vai trò của các trường sư phạm nói chung, đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng bởi những đóng góp của đội ngũ giảng viên sư phạm tham gia vào ban làm đề cho các kì thi cấp quốc gia như tốt nghiệp THPT, thi học sinh giỏi.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đánh giá chuẩn đầu ra chương trình, còn đối với kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh chọn đầu vào, việc các trường trong một khối ngành như ngành sư phạm sử dụng chung kết quả mang lại hiệu quả gồm cả chất lượng và tiết kiệm chi phí cho thí sinh, gia đình các em và xã hội.
Việc thi theo môn ông Hà cho rằng rất phù hợp dựa trên lý thuyết khảo thí hiện đại. Đánh giá theo từng môn học như cách trường Đại học sư phạm tổ chức thi đánh giá năng lực hiện nay vẫn có thể tiếp tục sử dụng hiệu quả khi dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Kỳ thi đánh giá năng lực làm sao thu hút các trường ngoài khối sư phạm?
"Cá nhân tôi mong muốn không dừng lại ở 8 trường mà mở rộng thêm các trường sư phạm công nhận và sử dụng kết quả đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội, tạo tính đồng bộ, so sánh cùng thang đo trong hệ thống các trường đào tạo khối ngành sư phạm đồng thời góp phần giảm hơn nữa chi phí cũng như giảm số lượng các kỳ thi riêng. Quy mô sử dụng kết quả tăng theo từng năm sẽ cho thấy kết quả có độ tin cậy cao hơn một số phương thức khác”, GS Nguyễn Ngọc Hà phân tích.
PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Đà Nẵng đánh giá kỳ thi đánh giá năng lực của đại học Sư phạm không chỉ dừng ở việc tuyển sinh ở các trường cùng khối sư phạm mà còn góp phần thay đổi cách dạy, cách học cũng như thay đổi cách đào tạo giáo viên dạy bậc phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Tôi khá đồng tình với cách thi 70% trắc nghiệm, 30% tự luận, tương thích với đánh giá trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên cũng cần suy nghĩ điều chỉnh để mang tính đánh giá năng lực hơn với học sinh vì đây là để tuyển sinh đầu vào đại học, không phải đánh giá kết quả học tập của học sinh ở bậc THPT”, ông Trang nêu quan điểm.
PGS.TS Lưu Trang cũng đề xuất những thay đổi để kỳ thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm Hà Nội có tính lan tỏa hơn. "Mùa tuyển sinh năm ngoái mới chỉ có 2 thí sinh sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào trường đại học Sư phạm Đà Nẵng nhưng vì đặt ở nguyện vọng 2 nên nhà trường vẫn chưa tuyển được em nào theo diện này", ông Trang nêu thực tế.
"Cần có sự vào cuộc của tất cả các trường đào tạo sư phạm để đưa ra được phương thức thi thu hút đông hơn thí sinh thuộc các địa phương và cũng mở rộng các điểm thi kết nối với hội đồng thi đặt ở Hà Nội".
TS. Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết để giảm việc phải trông chờ nhiều vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, việc sử dụng kết quả đánh giá năng lực của đại học Sư phạm Hà Nội với công tác tuyển sinh của đại học Giao thông vận tải đã được tính đến và có thể thực hiện ngay trong mùa tuyển sinh năm 2024.
Tuy nhiên, TS. Hà tham góp cần khắc phục được việc thiếu môn trong tổ hợp. "Hiện lịch thi đánh giá năng lực của đại học Sư phạm Hà Nội diễn ra trong một ngày khiến thí sinh khó có cơ hội tham gia thi đủ một tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn".
“Nếu Đại học Sư phạm thiết kế thi để các thí sinh có thể thi được 3 môn theo tổ hợp hiệu quả sẽ cao hơn, các trường kỹ thuật có thể sử dụng được. Với sự tham gia của nhiều trường kỹ thuật tham gia chắc chắn uy tín của kỳ thi sẽ nâng lên và hiệu quả”, TS Phạm Thanh Hà khẳng định.