Biết tin thủ khoa, cả nhà "nín thở" mong máy không lỗi

Khi biết tin mình trở thành thủ khoa khối chuyên Văn, Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm với số điểm 32 (Toán chung 5.5, Văn chung 8.5, Văn chuyên 9), Phạm Nguyễn Hoàng Vân rất rất ngờ. “Trước đó em đã chuẩn bị tâm lý không có khả năng đỗ nhưng lại đỗ với số điểm khá cao. Hôm đấy em làm Toán không tốt”.

Còn mẹ của em, chị Nguyễn Thị Mai Anh thì dùng từ “bàng hoàng” để nói về tâm trạng khi nghe tin con đỗ thủ khoa. Thậm chí, chị còn bảo “đợi một lúc nữa máy tính load lại xem có lỗi hay không”. Mặc dù ở Trường THCS Phú La (Hà Đông), Hoàng Vân là học sinh giỏi nhưng gia đình cũng xác định thi chuyên Sư phạm toàn là “cao thủ”, rất khó nên thật bất ngờ khi con không chỉ đỗ chuyên mà còn là thủ khoa, chị Mai Anh tự hào.

Đặt mục tiêu sẽ học chuyên Văn bậc THPT nên bên cạnh đăng ký thi chuyên Sư phạm, Hoàng Vân cũng đặt nguyện vọng thi chuyên tại Trường THPT Hà Nội-Amsterdam, THPT Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH quốc gia Hà Nội). Ngoài ra em còn đăng ký nguyện vọng vào trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông.

Ở nguyện vọng nào, Vân cũng lập được thành tích ấn tượng. Em cho biết, điểm thi chuyên Trường THPT Hà Nội-Amsterdam hơi thấp hơn kỳ vọng, em được 39.1 điểm (Toán 9, Văn 8.5, Tiếng Anh 9.5, Văn chuyên 6). Trong khi đó, điểm thi vào Trường THPT Lê Quý Đôn đúng như dự định với 53.3 điểm (Toán 9, Văn 8.5, Tiếng Anh 9.6 và Lịch Sử 8.7).

Nếu đỗ Hà Nội-Amsterdam, em sẽ rất phân vân khi lựa chọn giữa chuyên Văn của THPT Hà Nội-Amsterdam và Sư phạm. "Em thích môi trường năng động ở trường Ams nhưng em cũng thích giáo viên ở trường Sư phạm. Nếu đỗ Ams, em sẽ phải “trưng cầu” ý kiến của người thân", Vân cho hay.

Dùng âm nhạc để giải tỏa căng thẳng trước kỳ thi

Dù ghi dấu ấn tượng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nhưng Hoàng Vân cho biết, cấp 2 em không tham gia nhiều kỳ thi. Thành tích tốt nhất mà em có được đến thời điểm này là giải Nhì HSG cấp quận năm lớp 6.

Chia sẻ về bí quyết học tốt Văn, theo Hoàng Vân điều quan trọng nhất là đọc nhiều, viết nhiều và chăm chỉ là điểm cộng. Trong các môn thi vào lớp 10, Văn là môn mà em đầu tư thời gian và công sức nhiều nhất.

“Tháng 3-4, em luyện viết bài văn, đoạn văn rất nhiều, còn tháng cuối cùng em dành để đọc lại tất cả mọi thứ”. Để có nhiều vốn kiến thức áp dụng vào các đề thi mở hiện nay, em cũng thường xuyên đọc báo để có nhiều dẫn chứng, tìm hiểu xem đối với một vấn đề người ta nhìn nhận theo mặt nào và giải quyết vấn đề ra sao”.

Mọi người thường nói viết Văn dài thường được điểm cao nhưng Hoàng Vân lại cho rằng chỉ cần trình bày đủ ý, viết đủ đủ độ dài yêu cầu. Nói vậy nhưng trong kỳ thi vừa qua, em cũng trình bày bài viết trên 10-11 mặt giấy”, em vui vẻ cho biết.

Mặc dù được đánh giá là học toàn diện các môn nhưng Hoàng Vân không tránh khỏi áp lực trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. “Tháng cuối cùng căng thẳng, em còn muốn bỏ thi. Những tháng cuối điểm số của em không khả quan, em còn gặp khó khăn trong việc ghi nhớ. Mỗi ngày em dành 8 tiếng cho việc học. Tháng cuối cùng em thường học đến tận 2h sáng mới đi ngủ dù biết không tốt cho sức khỏe nhưng bù lại thì em được ba mẹ cho phép ngủ nướng đến 9-10h sáng.

“Những lúc học hành căng thẳng, em thường chơi nhạc để xả stress”, Hoàng Vân tiết lộ em học piano từ năm 10 tuổi nên giờ đây khá nhuần nhuyễn, gần đây em còn học chơi guitar. Vân cũng thần tượng nữ ca sĩ Taylor Swift và nhóm nhạc Twice của Hàn Quốc.

Năm cấp 2 Vân giữ chức lớp trưởng. Lên cấp 3 em muốn tham gia vào hoạt động ngoại khóa và học thêm nhiều kỹ năng mới, học văn chuyên sâu hơn. “Nếu có thể lên cấp 3 em muốn tham gia cuộc thi HSG quốc gia”, Vân chia sẻ dự định.

Cách dạy con “ngược” của ba mẹ

“Quyết tâm, kiên trì và linh hoạt” là 3 từ mà Hoàng Vân dùng để tự miêu tả về mình nhưng có lẽ em xứng đáng nhận thêm 1 từ nữa đó là “tự lập”.

Chị Nguyễn Thị Mai Anh, mẹ của Hoàng Vân cho biết, con tự lên kế hoạch học tập, tự nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường, tự sắp xếp thời khóa biểu học tập mà không cần bố mẹ nhắc nhở.

“Nếu giục thì chỉ là giục bạn ấy đi nghỉ. Gia đình phải nghĩ ra một vài hoạt động cho con rời bàn học hôm nay đi chơi, con muốn ăn gì không mình ra ngoài ăn món này món kia, bố mẹ phải rủ con đi chơi vì sợ con căng thẳng”.

Gia đình chị Mai Anh cũng có cách giáo dục con khác biệt. “Gia đình tôi vốn là người từ tỉnh lẻ lên làm việc, nhà đông con, tới tận 4 đứa lận, Vân là con út. Chúng tôi “giao kèo” với các con ai làm việc người đó tốt nhất là hoàn thành nhiệm vụ. Ba mẹ kinh doanh thì sẽ cố gắng dồn công sức vào việc đấy tốt nhất, còn các con ưu tiên việc học thì cũng học tốt nhất. Bởi vậy, chuyện học hành thi cử, chọn trường chúng tôi cũng để con tự quyết định.

Trước khi Hoàng Vân đưa ra quyết định, bố mẹ từng định hướng em học chuyên Anh bởi nghĩ rằng đây sẽ là công cụ thời hội nhập. Tuy nhiên, cuối cùng Hoàng Vân đã quyết định học chuyên Văn.

“Tôi nghĩ rằng mỗi người sẽ được ban cho một năng khiếu khác nhau. Nếu nắm bắt được thì sẽ cống hiến được nhiều hơn, đi làm như đi chơi. Vì vậy gia đình tôn trọng năng khiếu, sở thích của con. Mặc dù làm kinh doanh nhưng con thích học Văn thì gia đình muốn con viết văn hoặc là trở thành giáo viên Văn.

Chị Mai Anh chia sẻ, từ nhỏ Hoàng Vân đã là cô bé “nghiện chữ”. Khi biết đọc, mỗi khi ra phố, Hoàng Vân thường đọc hết những biển quảng cáo. Lên lớp 3-4, em đã đọc trọn bộ 7 tập Harry Potter. Lớn lên, Vân tiếp tục giữ nguyên tốc độ học sách. Thậm chí còn đặt ra chỉ tiêu mỗi năm đọc hết 60 cuốn sách.

Chị Mai Anh cũng cho biết, gia đình chị không quan trọng điểm số và thành tích. Hồi cấp 1 con bị điểm kém, cả lớp cứ lo con sẽ bị bố mẹ quở trách nhưng cuối cùng bố mẹ lại quyết định thưởng cho con vì bị điểm kém. Lý do được thưởng là vì con nhận ra điểm sai để lấp lỗ hổng. Đây cũng là cách giáo dục của gia đình, giống như kim chỉ nam cho các con, bị điểm kém cũng sao cả vấn đề là sửa lỗi đó như thế nào”, chị Mai Anh cho biết.