Đẩy mạnh chuyển đổi số nâng cao năng lực của các cơ sở giáo dục đại học
Tham dự hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, chuyển đổi số trong giáo dục đã đang diễn ra mạnh mẽ, với mục tiêu tận dụng tiến bộ của công nghệ trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, tăng cường hiệu quả quản lý giáo dục và xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số.
Để đạt được các mục tiêu đó, có sự vào cuộc của nhiều bên liên quan: các cơ sở giáo dục đã chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ số trong tổ chức các hoạt động quản lý, tổ chức đào tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; các cấp quản lý có sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, chỉ đạo quyết liệt, triển khai có hệ thống về việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số giáo dục đào tạo trong tổng thể Chương trình chuyển đổi số Quốc gia. Tất nhiên, không thể thiếu sự ủng hộ, tham gia của mỗi người học, mỗi nhà giáo và toàn xã hội.
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đặt ra nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Điều này đòi hỏi triển khai hiệu quả hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện đa dạng hóa phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số một cách phù hợp, thực chất và hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu. Điều này, đặt ra yêu cầu đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên và các thiết chế văn hóa.
Mặc dù có nhiều nỗ lực trong thời gian qua, Bộ trưởng cho rằng công tác chuyển đổi số trong giáo dục vẫn còn những vấn đề cần được nhìn nhận thấu đáo. Cụ thể, các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn thế nào thì được công nhận là đại học thông minh, đại học số, đại học ảo; cơ chế phối hợp xây dựng, tích hợp, đảm bảo chất lượng, chia sẻ, khai thác nguồn tài nguyên giáo dục mở, học liệu mở, các khoá học trực tuyến đại chúng mở của các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; chính sách ghi nhận, công nhận kết quả tự học từ các nền tảng số và truyền thông... yêu cầu cần được làm sáng tỏ trong thời gian sớm.
Đề xuất thí điểm trường đại học số
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đề cập nhiều giải pháp đang được Bộ triển khai. Trong đó, phát triển giải pháp công nghệ là yếu tố giúp định hình trải nghiệm học tập nâng cao chất lượng giáo dục nhưng cũng luôn đi đôi với chi phí cao. Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu, ban hành văn bản về bản đồ công nghệ số trong giáo dục số, phục vụ cho các nhà hoạch định, nhà quản lý, tổ chức giáo dục có cái nhìn tổng quan về sự phát triển cũng như ứng dụng công nghệ số trong giáo dục.
Ông Phan Tâm khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GD-ĐT trong việc chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số đồng hành để thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ số trong giáo dục, đặc biệt là các nền tảng giáo dục số để bình dân hóa việc đưa công nghệ số vào giáo dục với mức chi phí phù hợp với khả năng tiếp cận của đa số người dân.
Ngành thông tin truyền thông cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy phổ cập hạ tầng số, kỹ năng số để nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục mở. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai quy hoạch hạ tầng thông tin truyền thông. Bộ cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy xóa bỏ “vùng lõm” sóng di động, tiếp tục phổ cập thiết bị đầu cuối thông minh, internet tốc độ cao thông qua chương trình viễn thông công ích để mọi người dân có cơ hội tiếp cận giáo dục số.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ GD-ĐT và các bộ ngành khác tham mưu Chính phủ ban hành đề án về nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia. Đây là chìa khóa để người dân tiếp cận kỹ năng số, cùng tham gia quá trình chuyển đổi số, mở ra cơ hội tiếp cận dịch vụ số bình đẳng.
Về phát triển tài nguyên giáo dục mở, việc đầu tiên cần phải làm là số hóa và mở dữ liệu. Thứ trưởng Phan Tâm mong muốn phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT trong việc hoàn thiện thể chế và chính sách dữ liệu, đặc biệt là lưu ý vấn đề dữ liệu liên quan giáo dục. Cụ thể đó là quy định hình thức sở hữu dữ liệu, quyền tài sản dữ liệu, chính sách mua bán dữ liệu để đưa dữ liệu trở thành tài sản được pháp luật bảo vệ và tạo ra thị trường dữ liệu. Xây dựng nghĩa vụ và trách nhiệm của các đơn vị vận hành nền tảng giáo dục số...
Hiện nay, trên thế giới có nhiều mô hình khác nhau trong chuyển đổi số. Đó có thể là chuyển đối số các trường ĐH truyền thống hoặc xây dựng trường ĐH số hoàn toàn mới. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và đề xuất khung kiến trúc công nghệ cho ĐH số và chia sẻ với Bộ GD-ĐT.
Ông Phan Tâm bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ của Bộ GD-ĐT trong việc đề xuất chính phủ cho phép thí điểm thành lập các trường ĐH số giống như một số mô hình thế giới.
Để GD mở và ĐH số đi vào cuộc sống, Thứ trưởng cho rằng thể chế quan trọng và phải đi trước một bước để tạo không gian cũng như nguồn lực phát triển. Nếu chỉ dừng ở mức kêu gọi, khuyến khích sẽ rất khó hiện thực hóa việc đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.
Hội thảo tập trung thảo luận về chuyển đổi số trong giáo dục, trọng tâm là chuyển đổi số trong giáo dục mở, như thực trạng về hạ tầng, nền tảng công nghệ trong quản lý, quản trị, tác nghiệp, vận hành; thực trạng trong công tác xây dựng, quản lý chất lượng, chia sẻ tài nguyên giáo dục, học liệu mở phục vụ việc tự học và học tập suốt đời của người dân.
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội khẳng định, đây sẽ là cơ sở để đề xuất các giải pháp phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cho các hoạt động chuyển đổi số, đặc biệt là trong giáo dục mở; các giải pháp về nền tảng công nghệ, kết nối, tạo môi trường thuận lợi cho người học được tiếp cận, được công nhận kiến thức học tập thường xuyên, học tập suốt đời; các giải pháp thúc đẩy sự sẵn sàng của nhà giáo trong hoạt động trên môi trường số, sự sẵn sàng của người học trong việc tiếp thu kiến thức, tích luỹ kỹ năng trên nền tảng công nghệ để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu./.