Ngày 15/4/2025, tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum, Đại học Quốc gia Hà Nội ( ĐHQGHN) đã diễn ra Tọa đàm khoa học với chủ đề “Việt Nam thịnh vượng trong Kỷ nguyên mới”. Đây là tọa đàm học thuật góp phần tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc.

GS. Lâm Nghị Phu, Viện trưởng Viện Kinh tế học Cấu trúc mới, ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc), nguyên Phó Chủ tịch Cấp cao phụ trách Kinh tế phát triển của Ngân hàng Thế giới là diễn giả khách mời của tọa đàm này.

Giám đốc ĐHQGHN GS. Lê Quân cùng các Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải, Phạm Bảo Sơn; đại diện lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng và đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc tham dự Tọa đàm. Về phía các cơ quan, doanh nghiệp đối tác và các trường đại học có: Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư IMG Lê Tự Minh; Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Trường Đại học VinUni Lê Mai Lan; Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Thị Thu Thủy; Cố vấn Kinh tế Cấp cao của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam Jonathan London; Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Canada tại Việt Nam Noah Schiff; Giám đốc điều hành Economica Việt Nam Lê Duy Bình; Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty cổ phần DU lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) Nguyễn Thị Lê Hương.

Tọa đàm học thuật “Việt Nam thịnh vượng trong Kỷ nguyên mới” được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi học thuật và chính sách, kết nối các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp để tìm hiểu, thảo luận về các mô hình kinh tế mới, cải cách cơ cấu và chiến lược tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, nhằm đưa Việt Nam tiến tới sự thịnh vượng bền vững và bao trùm trong kỷ nguyên mới. Đáng chú ý, sự kiện được tổ chức nhân chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là một cột mốc quan trọng, đánh dấu sự hợp tác mạnh mẽ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong bối cảnh năm nay là "Năm Giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc".

Tại Tọa đàm, GS. Lâm Nghị Phu đã có bài chia sẻ “Việt Nam thịnh vượng trong Kỷ nguyên mới: Góc nhìn từ Kinh tế học cấu trúc mới”.

Dưới góc độ nghiên cứu về kinh tế học cấu trúc mới, cùng những kinh nghiệm và thực tiễn nhiều năm làm chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới, GS. Lâm Nghị Phu luôn tin rằng cuộc truy cầu sự thịnh vượng dẫu gian nan song cơ hội luôn chia đều cho các nước, nhất là các nền kinh tế đang phát triển.

Các quốc gia đang phát triển có lợi thế đi sau trong đổi mới công nghệ, nâng cấp ngành công nghiệp và cải cách thể chế, nhờ đó có tiềm năng tăng trưởng nhanh hơn các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, phần lớn các quốc gia đang phát triển vẫn bị mắc kẹt trong trạng thái thu nhập thấp hoặc trung bình.

Làm sao để thoát bẫy ấy và hiện thực khát vọng thịnh vượng? Lời giải chính là các nhà hoạch định chính sách phải hiểu tường tận về các yếu tố phát triển của quốc gia cũng như xác định ra được các lợi thế so sánh tiềm ẩn. Điều đó cũng có nghĩa là hiểu được cấu trúc tài nguyên của một quốc gia và sự thay đổi của nó theo thời gian và tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới phù hợp với lợi thế so sánh tiềm ẩn chính là bí quyết cho sự thịnh vượng.

GS. Lâm Nghị Phu cho rằng, một nhà nước kiến tạo với vai trò điều phối chiến lược, sử dụng chính sách công nghiệp một cách linh hoạt và có mục tiêu rõ ràng là chìa khóa để Việt Nam và các quốc gia thu nhập trung bình thoát khỏi trì trệ và vươn lên nhóm nước thu nhập cao. Nếu Chính phủ đóng vai trò hỗ trợ đúng cách trong một thị trường hiệu quả, giúp chuyển hóa lợi thế so sánh tiềm ẩn thành thực tế, thì Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng năng động, thậm chí nhanh hơn các nước phát triển.

Tại phiên thảo luận bàn tròn được điều phối bởi GS. Trần Thị Thanh Tú - Trưởng Ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo, ĐHQGHN, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách đã tìm hiều, thảo luận về việc tăng cường phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh tế mới, các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế khu vực tư nhân…

Trước nội dung về vai trò của trường đại học trong phát triển kinh tế, GS. Lâm Nghị Phu chia sẻ, cần tăng cường hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp. Đồng thời, ông cũng kiến nghị các giảng viên, người học tại các trường đại học cần chủ động triển khai các nghiên cứu về nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp để đưa ra những đề xuất thay đổi chương trình học một cách hợp lý.

Ngày 14/4/2025, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, ĐHQGHN và ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc sáng lập “Mạng lưới Đại học Việt Nam - Trung Quốc” và bản ghi nhớ thể hiện cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Giáo dục kỹ thuật số, cùng giải quyết các cơ hội và thách thức do Trí tuệ nhân tạo (AI) và giáo dục trực tuyến mang lại. Sau buổi hội đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào chiều 14/4, hai Tổng Bí thư đã chứng kiến trưng bày các văn kiện hợp tác giữa hai nước, trong đó có 02 văn kiện hợp tác của ĐHQGHN ký kết với ĐH Thanh Hoa.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm : ( Ảnh VNU )