Phát biểu tại hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua việc thực hiện các mô hình học tập” do Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 24/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực của Hội Khuyến học Việt Nam cùng các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định 1373 của Thủ tướng Chính phủ về đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều trước tiên phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tất cả mọi người thấy sự cần thiết của học tập suốt đời.

“Xã hội phát triển nhu cầu phải học là tất yếu. Nó không chỉ đơn giản nếu không học những người đang làm việc có thể sẽ không có việc làm ổn định, không có thu nhập mà ngay cả người làm trong bộ máy nếu không học, không đáp ứng được yêu cầu công việc có thể không phát triển nữa, thậm chí không thể giữ cương vị hiện tại”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cần phải làm sao để mọi người thấy thích học.

Cần phải làm thật tốt việc tôn vinh những người có kiến thức, hiểu biết, những người giỏi trong xã hội. Việc tôn vinh không chỉ là tờ giấy khen, huân, huy chương mà trước tiên phải tạo điều kiện để những người học nhiều được mang kiến thức của mình đóng góp cho xã hội.

“Học và sống bằng 1 một nghề, nhưng cần phải học thêm kiến thức và văn hoá. Muốn vậy phải khơi dậy sự sáng tạo và tôn vinh đóng góp của mọi người dân trong mọi hoạt động xã hội, nhất là trong các lĩnh vực về văn hóa-xã hội. Học không chỉ để làm việc, để có thu nhập mà học còn để khẳng định mình, thay đổi cuộc sống theo hướng tốt”.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại con số hơn 80% các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động không thực chất để lưu ý ngành giáo dục, các cấp hội khuyến học, các cơ quan, tổ chức, địa phương cần phải đa dạng hóa các hình thức học tập để người học cảm thấy vui và hạnh phúc.

Bên cạnh đó cần phải có chính sách cụ thể để hệ thống giáo dục hiện nay phải “mở” thực sự, tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời. Không phân biệt hệ thống trường nghề do Bộ LĐ-TB&XH quản lý và các trung tâm, các trường đại học, cao đẳng do Bộ GD-ĐT quản lý. Nếu có vướng mắc về cơ chế thì trách nhiệm các Bộ, ngành cùng tháo gỡ không để tình trạng "trường nghề được dạy văn hóa không?", "trường đại học có được đào tạo nghề hay không?". Phải có một hệ thống giáo dục mở thực sự.

"Các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp tạo điều kiện và có điều kiện quy định pháp luật cho người lao động, cán bộ công nhân viên học tập suốt đời. Đặc biệt lưu ý các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội: Người khuyết tật, người có khó khăn, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa…”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.