Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Nghị quyết 29 của Trung ương về "đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.

Nghị quyết thể hiện tầm nhìn, quyết tâm và định hướng chiến lược đổi với giáo dục, cùng như tầm nhìn để phát triển bền vững đất nước cả trước mắt cũng như lâu dài.

“Ngành Giáo dục đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29, phấn đấu hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra. Đến nay, sau 10 năm triển khai Nghị quyết, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn phát triển đất nước và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Bộ trưởng nói.

Hệ thống giáo dục được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông

Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, đến nay hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân…

Bộ GD-ĐT đã ban hành và triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; triển khai một chương trình nhiều sách giáo khoa.

Việc xã hội hóa trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa bước đầu tạo chuyển biến tích cực, tạo nên sự chủ động, sáng tạo cho giáo viên, học sinh và nhà trường; chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao.

"Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, cơ bản khắc phục tình trạng học lệch, học tủ và giảm áp lực, tốn kém cho xã hội", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng thừa nhận, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị để sớm khắc phục. Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có nơi phân bố chưa hợp lý, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học còn chậm hoàn thiện; việc thực hiện đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học còn hạn chế...

Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn; chưa hoàn thành mục tiêu thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.

Cũng theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức. Công tác đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với yêu cầu sử dụng lao động và nhu cầu xã hội.

Kiến nghị ưu tiên xếp lương giáo viên cao nhất trong bảng lương

Chia sẻ kết quả thực hiện Nghị quyết 29 Trung ương, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua ngành giáo dục thành phố có những đổi mới đồng bộ, toàn diện, từ hình thức, mô hình, phương pháp dạy học đến đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá.

Với quan điểm lấy kiểm tra, đánh giá làm khâu đột phá trong đổi mới, ngành giáo dục thành phố đã thay đổi tư duy kiểm tra đánh giá từ việc đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh.

"TP. Hồ Chí Minh dành kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 2.000 tỷ đồng/năm; hoàn chỉnh mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị hỗ trợ dạy, học tiên tiến, hiện đại", ông Đức cho biết.

Trong khi đó, ông Dương Xuân Nguyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, qua 10 năm triển khai thực hiện, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của địa phương đạt trên 98%, tỷ lệ học sinh khá giỏi được nâng lên.

Tuy nhiên ông Nguyên cũng cho biết, cơ sở vật chất trường lớp của địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, còn nhiều điểm trường, lớp ghép (730 điểm trường lẻ, 694 lớp ghép), thiết bị dạy học chưa được trang bị kịp thời, vẫn còn tình trạng thiếu 649 giáo viên so với định biên và 1029 giáo viên so với định mức quy định.

Căn cứ Nghị quyết 29 của Trung ương cũng như để giáo viên yên tâm với nghề, ông Dương Xuân Nguyên mong mỏi trong thời gian tới lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp...

Cũng liên quan đến đời sống, thu nhập của đội ngũ nhà giáo, Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thế Cương kiến nghị lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng như đã được quy định trong Nghị quyết 29 của Trung ương.

Chia sẻ áp lực gia tăng dân số cơ học dẫn đến số học sinh mới tăng qua từng năm học tạo áp lực rất lớn đến hệ thống trường lớp, đội ngũ nhà giáo..., ông Cương kiến nghị khi thực hiện chủ trương di dời các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng ra ngoại thành, thành phố được phép sử dụng quỹ đất này để xây dựng các cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Cũng tại hội nghị, Bộ GD-ĐT đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, trong đó tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo hướng chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; thực hiện nhất quán một chương trình có nhiều sách giáo khoa và xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm.

Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài công tác trong ngành Giáo dục; thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng...

Đồng thời đảm bảo ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước.

Có cơ chế, chính sách đột phá thúc đẩy, khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ người học theo các ngành Nhà nước cần ưu tiên phát triển thông qua việc hỗ trợ học bổng, cho vay tín dụng.