Bộ GD&ĐT đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và THPT thay thế thông tư hiện hành. Về phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT, Bộ đưa ra 2 phương thức là xét tuyển và thi tuyển.
Phương thức xét tuyển sẽ căn cứ vào kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Về thi tuyển, dự thảo quy định số lượng môn thi là 3 môn, gồm: Toán, Ngữ văn và một môn thi do sở GD&ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Môn thi được bốc thăm phải công bố trước ngày 31/3 hàng năm.
Lo may rủi khi bốc thăm môn thi thứ 3?
Quy định về môn thi thứ 3 sẽ được lựa chọn theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên dù có ưu điểm là tạo ra sự công bằng giữa tất cả các môn học. Song theo cô Hoàng Thị Yến – Hiệu trưởng Trường THCS Nam Từ Liêm, phương án này cũng tăng độ may rủi không cần thiết. Để chuẩn bị cho kỳ thi vào 10 nhà trường và học sinh sẽ phải có kế hoạch xây dựng chương trình ôn tập với lộ trình dài. Với thời gian công bố môn thi thứ 3 ở mốc trước 31-3 tương đối muộn, việc tổ chức ôn tập sẽ gặp không ít khó khăn, gây ra sự lo lắng cho cả học sinh, phụ huynh và nhà trường.
Qua nắm bắt thông tin, cô Yến cho biết, hiện nay phần lớn phụ huynh và giáo viên mong muốn môn thứ 3 sẽ là Tiếng Anh. Bởi vì đây là môn học cần thiết trong nhà trường và đáp ứng nhu cầu hội nhập.
Ngay sau khi nắm được đề xuất của Bộ GD-ĐT về việc bốc thăm thi môn thi thứ 3 vào lớp 10, thầy Võ Thanh Nhàn, hiệu trưởng Trường THCS Bình Chánh, TP.HCM đã quán triệt tới đội ngũ giáo viên, có kế hoạch giảng dạy phù hợp để sẵn sàng thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, về quan điểm cá nhân, thầy Nhàn cho rằng với đặc thù TP.HCM nên tổ chức thi vào lớp 10 với 3 môn: Toán, Văn và Tiếng Anh.
“Tôi hiểu quan điểm của Bộ GD-ĐT khi đề xuất bốc thăm chọn môn thi thứ 3 là không coi trọng môn này bỏ môn kia. Nhưng riêng đặc thù TP.HCM là trung tâm văn hóa, giáo dục, kinh tế rất cần năng lực tiếng Anh nên thi tiếng Anh là thuận lợi để cho các em có sự chuẩn bị học môn này”, thầy Nhàn chia sẻ.
Cũng tán đồng với việc tổ chức thi vào 10 gồm 3 môn: Toán, Văn, Anh, thầy Trần Mạnh Tùng – Giáo viên Toán, Hà Nội nêu ra 3 lý do. Thứ nhất: Bộ Chính trị chủ trương tiến tới đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong tường học. Thứ 2: nhiều năm nay, khi Hà Nội tổ chức bốc thăm môn thi thứ 4 vào lớp 10 đã tạo ra những xáo động và lo lắng không cần thiết. Thứ 3: Đừng lo lắng cứ phải có trong môn thi thì các con mới học. Bởi điều này vô hình trung tạo ra cách học theo kiểu đối phó, học để thi.
“Nếu học không phải chỉ để phục vụ việc thi, chúng tôi thấy việc giảng dạy, hướng dẫn các con vô tư, toàn diện hơn nhiều. Xã hội không cần lo lắng chuyện chúng ta không thi thì con không học. Bởi vì các con vẫn học theo cách thông thường, học theo ý nghĩa không chỉ để phục vụ việc thi. Ngoài ra, vẫn còn các bài kiểm tra khác trong nhà trường, những tiêu chí khác để các con đảm bảo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Việc bốc thăm chọn môn thi thứ 3 theo thầy Trần Mạnh Tùng sẽ dẫn đến chuyện học sinh sẽ thi vào lớp 10 môn học không phải là lựa chọn của các em khi vào THPT. “Ví dụ bốc thăm được môn Địa nhưng vào cấp 3 thì nhiều bạn không chọn học môn Địa, điều này là không phù hợp”.
Trước ý kiến cho rằng môn thi thứ 3 nên là một môn có kiến thức tổng hợp của tất cả các bộ môn còn lại, thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng sẽ càng tạo ra áp lực nặng nề hơn cho thí sinh khi phải ôn luyện rất nhiều môn.
“Ví dụ, nhiều năm trước, tỉnh Hưng Yên từng tổ chức thi vào lớp 10 với 5 môn. Trong đó 3 môn bắt buộc gồm: Toán, Văn, Tiếng Anh và chọn ngẫu nhiên 1 môn trong số các môn Khoa học tự nhiên và 1 môn trong số các môn Khoa học xã hội. Hà Nội nhiều năm nay cũng cân nhắc thi 3 hay 4 môn. Vì vậy thi 5 môn thì nặng quá”.
Bốc thăm chọn môn thi thứ 3 sẽ giúp việc học đồng đều hơn?
Trong khi đó, thầy Đinh Đức Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học-THCS-THPT FPT Bắc Giang ủng hộ phương án bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10 THPT.
Điều này theo thầy Hiền là phù hợp với định hướng thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới (thi tốt nghiệp bắt buộc 2 môn Toán, Văn và 2 môn tự chọn).
Liên quan đến định hướng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ lớp 1 đến 9 học sinh được trang bị kiến thức nền tảng. Ở bậc THPT là định hướng nghề nghiệp. Để có cơ sở định hướng nghề nghiệp thì học sinh phải có kiến thức tổng quan thuộc tất cả các môn học. Theo thầy Đinh Đức Hiền, giai đoạn THCS, lớp 8 - 9 rất quan trọng vì đây là giai đoạn chuyển tiếp từ cấp 2 lên cấp 3. Ở giai đoạn này, học sinh bắt đầu định hình về nghề nghiệp thông qua trải nghiệm các môn học. Thầy Hiền nhấn mạnh, quá trình định hướng nghề nghiệp không phải chỉ một môn học mà đồng thời của tất các môn học. Học sinh phải có kiến thức từ tự nhiên, kinh tế, xã hội... Từ đó, xây dựng cho mình thế giới quan về thị trường lao động và nghề nghiệp. Điều này rất quan trọng vì định hướng nghề nghiệp liên quan đến việc chọn các tổ hợp môn ở cấp 3.
Khi chỉ tập trung vào những môn thi cấp 3 như Toán – Văn hay Toán – Văn – Anh, học sinh thường bỏ qua các môn còn lại. Điều đó dẫn tới hệ quả là khi chọn tổ hợp môn ở bậc THPT có hiện tượng học sinh không biết chọn tổ hợp nào. “Vì phải học, phải biết mới có cơ sở mà chọn”.
Bên cạnh đó, lâu nay với việc chỉ thi 2-3 môn cố định vào lớp 10 đã nảy sinh bất cập, một bộ phận học sinh từ THCS lên THPT “mất gốc” các môn còn lại. Đặc biệt là các môn tự nhiên. Điều này khiến giáo viên THPT phải rất vất vả để đào tạo lại cho các em. “Cả quá trình cấp 2, học sinh học nhiều mà mất gốc thì thành ra chúng ta đang lãng phí nguồn lực giáo dục cho các môn học này.
Từ những lý do này, thầy Đinh Đức Hiền cho rằng việc bốc thăm môn thứ 3 là phù hợp, giúp cho việc học đồng đều trở nên tốt hơn.
Về lo lắng bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10 sẽ làm tăng áp lực và may rủi, theo thầy Đinh Đức Hiền bản chất của lo lắng này xuất phát từ suy nghĩ “học để thi”. “Vấn đề là môn thứ 3 sẽ ra đề thế nào? Nếu môn thứ 3 ra đề theo hướng ở mức cơ bản, không chệch ra khỏi kiến thức sách giáo khoa, học sinh chỉ cần học nghiêm túc ở trên lớp thì có thể hoàn thành môn thi này mà hoàn toàn không có gì áp lực”.
Phương án bài thi đánh giá năng lực cho môn thứ 3
Theo Phó hiệu trưởng Tiểu học-THCS-THPT FPT Bắc Giang, với môn thi thứ 3, Bộ GD-ĐT hoàn toàn có thể đưa ra một phương án khác ngoài hình thức bốc thăm chọn môn ngẫu nhiên. Cụ thể, bài thi thứ 3 có thể là bài thi đánh giá năng lực, tổng hợp kiến thức của các môn còn lại gồm có: Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Tiếng Anh. Đề thi ra ở mức cơ bản, học sinh đáp ứng được kiến thức SGK và không cần đi học thêm vẫn có thể xử lý các câu hỏi này.
“Điều này phù hợp với xu hướng đánh giá năng lực học sinh một cách toàn diện hiện nay, giống như các kỳ thi đánh giá năng lực mà rất nhiều trường đang sử dụng”, thầy Hiền cho rằng phương án này cũng giúp tránh được may rủi và những vấn đề nhạy cảm xung quanh chuyện bốc thăm.
Theo quy định hiện hành áp dụng hàng chục năm nay thì Bộ GD-ĐT không can thiệp vào cách thức tuyển sinh vào lớp 10 của từng địa phương mà giao cho địa phương lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh phù hợp với mục tiêu và điều kiện thực tế của mình. Như vậy, nếu dự thảo của Bộ GD-ĐT được thống nhất ban hành thì đây sẽ là sự thay đổi lớn trong quy định về tuyển sinh lớp 10.
Thầy Đinh Đức Hiền cho rằng chúng ta đang ở giai đoạn quá độ chuyển sang Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ở giai đoạn đầu tiên triển khai, rất cần cơ quan chuyên trách định hướng để đưa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đi đúng hướng. Còn sau này, việc trao quyền cho các địa phương chủ động là cần thiết.
Thời điểm này mới chỉ có Sở GD-ĐT Hà Nội và TP.HCM công bố cấu trúc, định dạng đề thi lớp 10 theo chương trình mới. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 với 3 bài thi Toán – Văn - Ngoại ngữ, kết hợp với việc xét học bạ bậc THCS của học sinh./.