Những ngày qua, dư luận xôn xao trước sự việc xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, một nhóm học sinh có hành vi quây, ném dép và có những từ ngữ hỗn hào với cô giáo. Trong khi đó, cô giáo cũng có hành vi rượt đuổi học trò, tạo ra một khung cảnh hỗn loạn ngay trong lớp học.

Nguyên nhân của sự việc đang được xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, việc học trò hỗn hào với thầy cô khiến dư luận chua xót, đặt câu hỏi vì sao tinh thần “tôn sư trọng đạo”, "tiên học lễ, hậu học văn", vốn là những truyền thống tốt đẹp của dân tộc sa sút? Phóng viên VOV2 có cuộc trao đổi với Chuyên gia giáo dục - TS. Giáp Văn Dương.

Phóng viên: Thưa TS. Giáp Văn Dương, cảm giác của anh thế nào khi xem đoạn Clip học sinh quây cô giáo và có những từ ngữ hỗn hào xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang gây xôn xao dư luận nhiều ngày nay?

TS Giáp Văn Dương: Buồn và choáng váng là cảm giác đầu tiên khi tôi xem đoạn clip học trò quây cô giáo. Tuy nhiên, cảm giác choáng váng lại xuất hiện một lần nữa sau khi tôi xem đoạn clip thứ 2 ghi lại cảnh cô giáo đuổi học sinh trong lớp học. Hóa ra đây là câu chuyện 2 chiều. Thoạt đầu, tưởng rằng đây là ứng xử không đúng của học sinh với giáo viên theo nghĩa tôn ti trật tự không còn, tôn sư trọng đạo không còn. Nhưng, khi xem clip về hành xử của cô giáo vớ HS thì cho thấy, không chỉ HS mà giáo viên cũng chưa thực sự trưởng thành, chưa mẫu mực.

Phóng viên: Sự việc đau lòng này đặt ra câu hỏi phải chăng tinh thần "tôn sư trọng đạo", "tiên học lễ, hậu học văn đang có dấu hiệu bị sa sút? Theo anh điều gì dung dưỡng khiến trẻ con có thể hỗn hào như vậy?

TS. Giáp Văn Dương: Trong clip, trạng thái của học sinh là pha trộn giữa sự vô tâm, hỗn láo, hồn nhiên và nổi loạn... Ngày xưa đi học, chúng tôi rất kính trọng thầy cô, thưa gửi thầy cô mỗi khi có ý kiến. Ngày 20-11 đạp xe đến nhà thầy cô, món quà chỉ là cuốn sổ, cái bút, cũng có khi là vài trái cam nhưng sự kính trọng, quý mến là thật. Chúng tôi không bao giờ có chuyện nói tục trước mặt thầy cô, càng không có chuyện gọi thầy cô bằng những từ ngữ hỗn láo. Như vậy, trong câu chuyện này (xảy ra ở trường THCS Văn Phú) tinh thần "tôn sư trọng đạo" không còn.

Nhưng vì sao sự “tôn sư trọng đạo” không còn, tôi cho rằng có nguyên nhân quan trọng đó là, muốn học trò "tôn sư" thì người thầy cũng phải xứng đáng. Trẻ con sinh ra hồn nhiên, trở thành HS cấp 2 có những biểu hiện hỗn hào, lỗi đó không phải do trẻ con sinh ra đã có. Rõ ràng do sự tập nhiễm của xã hội. Các con chủ yếu sống trong môi trường gia đình, nhà trường nên sự tập nhiễm đó chắc chắn đến từ người lớn trong gia đình, nhà trường. Nói như thế không phải biện minh cho hành vi của trẻ, đó là hành vi đáng phê phán và có thể là báo hiệu cho những biến chuyển kinh hoàng cho đạo đức xã hội trong thời gian tới, nhưng không phải hoàn toàn là lỗi của trẻ nhỏ. Đó là lỗi của người lớn, vì suy cho cùng trẻ học từ người lớn. Khi xem clip, cô giáo cũng có lỗi rất lớn khi để chuyện này xảy ra do không biết cách xử lý các tình huống sư phạm, và Ban Giám hiệu cũng có lỗi vì để sự việc này xảy ra ngay trong trường mình”.

Vì sao vị thế của người thầy “đi xuống”?

Phóng viên: Cũng có ý kiến cho rằng kiến thức hiện nay không còn là “hàng hóa" khan hiếm. Học sinh có thể học tập từ rất nhiều nguồn khác nhau. Nền kinh tế thị trường đã biến kiến thức thành hàng hóa có thể mua bán và mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh ở chừng mực nào đó cũng đã trở thành mối quan hệ giữa “người bán” và “người mua”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới tinh thần tôn sư trọng đạo, anh bình luận thế nào về quan điểm này?

TS. Giáp Văn Dương: Bản thân tôi đã viết một số bài liên quan đến hiện tượng này. Khi thị trường xuất hiện ngày càng nhiều trong giáo dục thì giáo dục trở thành dịch vụ. Với nhiều người, họ chỉ hiểu đơn thuần giáo dục là dịch vụ, thầy cô và nhà trường là người cung cấp còn gia đình và HS là người thụ hưởng dịch vụ đó.

Trong hệ thống trường tư, do không có bao cấp nên người học phải trả nhiều tiền. Với những người coi giáo dục thuần túy là một dịch vụ, họ có tâm lý coi “khách hàng là thượng đế”, có những yêu cầu, đòi hỏi có khi ra khỏi câu chuyện giáo dục. Vì thế, việc trao truyền kiến thức và đặc biệt là vị thế thiêng liêng của người thầy như trước kia đã không còn. Từ đó dẫn đến hệ quả đáng buồn như xuất hiện sự kiểm soát, sự đấu tranh của gia đình đối với nhà trường, học trò đối với thầy cô như hai người bên hai chiến tuyến.

Thêm vào đó, vì coi giáo dục thuần túy là một dịch vụ nên người ta tìm mọi cách kiểm soát, đo lường chất lượng dịch vụ bằng những tiêu chí cụ thể và rất hời hợt, rất phiến diện nên xa rời bản chất của giáo dục. Trong khi đó, bản chất của giáo dục là tạo ra sự trưởng thành cho người học. Sự trưởng thành đó không phải do một mình nhà trường, thầy cô có thể tạo ra mà cần có sự tham gia tích cực của HS. Bởi, thầy có dạy hay, dạy giỏi đến mấy nhưng trò không chịu học thì cũng không thể có chất lượng. Do vậy, vai trò của người học lại ở vị trí quyết định đối với chất lượng của việc học và mục đích của giáo dục. Cách hiểu giáo dục như một dịch vụ thông thường khiến nhiều học sinh và gia đình cho rằng chỉ cần có tiền là sẽ được thụ hưởng dịch vụ và đẩy hết trách nhiệm cho nhà trường, dẫn đến hệ quả đáng buồn trong giáo dục. Đó là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc vị thế của người thầy không còn được như trước nữa.

Nguyên nhân thứ 2, trước đây người thầy là đại diện của tri thức. Người học rất khó tìm những nguồn kiến thức khác ngoài người thầy. Vì vậy, người thầy có một vị trí tương đối cao và tương đối độc tôn trong việc trao truyền tri thức cho người học. Với cuốn SGK trong tay, người thầy gần như có một bộ kinh thánh khi giảng dạy.

Nhưng, ngày nay, học trò có thể học từ nhiều nguồn khác nhau. Nhiều người xem giáo dục đơn thuần là một dịch vụ và người thầy cũng chỉ là người cung ứng dịch vụ đơn thuần mà thôi. Trong khi đó, “cơn lốc” của thị trường đã làm cho sự thiêng liêng trong giáo dục bị suy giảm, khi đo lường nhiều thứ quan trọng bằng tiền, làm cho vị thế của người thầy không được như trước nữa.

Cuối cùng, bản thân những người thầy mới bây giờ cũng là hệ quả của mặt trái thị trường và những bất cập của nền giáo dục hiện hành nên phẩm chất, cốt cách nhiều khi không còn được như những thế hệ thầy cô đi trước. Những nguyên nhân đó tác động đã xô đẩy người thầy ra khỏi vị thế trang trọng trong lòng học trò.

Phóng viên: Trước đây, khi học sinh vi phạm, tùy vào mức độ có thể áp dụng những hình thức xử phạt như phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ, buộc thôi học có thời hạn. Tuy nhiên, thông tư 32 có hiệu lực từ 1.11.2020 đã chấm dứt việc tồn tại những hình thức kỷ luật này. Nhiều người hoài nghi, đây có phải nguyên nhân khiến kỷ luật học đường bị xâm phạm và làm cho giáo viên ít quyền lực hơn?

TS. Giáp Văn Dương: Trong giáo dục, quyền lực chưa bao giờ là giải pháp. Đối với trẻ nhỏ, trên hành trình trưởng thành, trong gia đình và nhà trường, quyền lực là nỗi e sợ, làm hạn chế sự khám phá và trưởng thành. Thực tế giáo dục cho thấy, quyền lực chưa bao giờ là giải pháp giúp trẻ trưởng thành hơn.

Vậy giải pháp là gì? Giải pháp là phải thực sự coi trẻ như một người lớn văn minh để có cách ứng xử tương ứng, vì trở thành người trưởng thành văn minh là mục tiêu của giáo dục.

Tuy nhiên, việc trở thành người lớn văn minh không thể diễn ra sau một đêm. Nghĩa là, hôm nay ngồi trên ghế giảng đường, ngày mai tốt nghiệp ra trường thì ngay sau đó sẽ trở thành một người lớn văn minh như kỳ vọng. Chuyện trở thành một người lớn văn minh diễn ra từ từ trên ghế nhà trường, ở trong nhà trường. Muốn vậy ngay từ những ngày đầu tiên đến trường, trẻ đã phải được đối xử như một người lớn văn minh giả định. Cho nên, thầy cô nếu cao hơn trẻ phải ngồi xuống nói chuyện với trẻ, nhìn vào mắt, phải hỏi ý kiến nếu việc đó lên quan đến trẻ. Phải có thảo luận, có những đàm phán, phải đưa ra những giải pháp có tính đồng thuận. Phải có những thỏa hiệp mà các bên đều đồng thuận với nhau rồi mới cùng nhau đi tiếp. Trong khi đó, nếu kỷ luật nghiêm khắc bằng quyền lực thì sẽ không giúp cho chuyện ấy xảy ra.

Cá nhân tôi cho rằng, kỷ luật tích cực là cách đúng, nhưng nhà trường hay thầy cô, bố mẹ chưa biết cách triển khai cho hiệu quả. Bởi vì, quán tính văn hóa từ xưa đến nay đã làm cho chúng ta quen với cách kỷ luật mạnh, thậm chí bạo lực để đưa trẻ vào khuôn khổ, mà điều này không bao giờ có thể tạo ra những con người văn minh, những công dân văn minh sau này.

Để có nền giáo dục “trưởng thành”

Phóng viên: Việc học trò hỗn hào với giáo viên, trong khi giáo viên có những hành vi thiếu chuẩn mực xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, Tuyên Quang cho thấy câu chuyện không chỉ dừng lại ở môi trường nhà trường mà là vấn đề mang tính xã hội. Nhìn từ góc độ xã hội, chúng ta có thể thấy điều gì, thưa anh?

TS. Giáp Văn Dương: Tất cả những sự việc đau lòng hoặc sự việc có tính bi hài của giáo dục xảy ra là do nền giáo dục của chúng ta chưa trưởng thành. Nền giáo dục chưa trưởng thành bắt nguồn từ một xã hội chưa trưởng thành.

Một nền giáo dục chưa trưởng thành lại tạo ra những người lớn cũng chưa trưởng thành. Và, những người lớn chưa trưởng thành đó gặp những đứa trẻ chưa trưởng thành sẽ tạo ra một sự hỗn loạn như chúng ta đã thấy.

Phóng viên: TS đề cập đến căn nguyên của các giá trị như "tôn sư trọng đạo", "tiên học lễ, hậu học văn" sa sút là do một nền giáo dục chưa "trưởng thành". Vậy làm sao chúng ta để nuôi lớn dưỡng nền giáo dục "trưởng thành"?

TS. Giáp Văn Dương: Giải pháp đơn giản là trong gia đình nhà trường hãy khuyến khích trẻ, khuyến khích chính mình, khuyến khích nhau, tạo điều kiện cho nhau có tư duy độc lập. Vì dấu mốc để đánh giá một người trưởng thành hay còn vị thành niên là ở chỗ người đó có tư duy độc lập hay không. Nếu không có tư duy độc lập, người đó không thể tự đưa ra quyết định và vì thế, phải sống nhờ vào tư duy và quyết định của người khác, tức còn chưa ra khỏi trạng thái vị thành niên, bất kể tuổi tác.

Khi đó, khi có tư duy độc lập, chúng ta sẽ trưởng thành về mặt trí tuệ. Khi chúng ta trưởng thành về mặt trí tuệ thì chúng ta sẽ phân biệt đâu là phải trái, đúng sai tốt xấu, điều gì nên hay không nên làm. Khi đó những sự việc bi hài như vậy sẽ chấm dứt.

Khuyến khích phát triển tư duy độc lập, tạo điều kiện, tạo môi trường để học sinh phát triển tư duy độc lập thì khi đó thông tư 32 về kỷ luật HS mới thực sự phù hợp, thực sự có giá trị.

Nhưng thầy cô, cha mẹ không biết cách khuyến khích học sinh có tư duy độc lập, thậm chí chúng ta sợ hãi con trẻ có tư duy độc lập, sợ hãi sự trưởng thành của con trẻ và của người khác vì như thế chúng ta cảm thấy quyền lực của mình bị đe dọa, nên chúng ta không tạo ra những con người có tư duy độc lập. Do đó mới có chuyện, chúng ta quay lại chất vấn Thông tư 32 “kỷ luật tích cực” đúng hay không đúng. Trong khi đó, lỗi tại chúng ta không biết cách sử dụng Thông tư đó, không biết cách sử dụng “kỷ luật tích cực” mà muốn quay trở lại kỷ luật truyền thống, kỷ luật bằng quyền lực.

Tóm lại, giải pháp là cần tạo ra một xã hội trưởng thành, một nền giáo dục trưởng thành, thông qua việc phát triển tư duy độc lập cho mỗi người, và cho tất cả mọi người.

Phóng viên: Xin cảm ơn TS Giáp Văn Dương!