Thời gian gần đây, một số trường học tổ chức hoặc liên kết tổ chức các buổi học kỹ năng sống do diễn giả diễn thuyết và khiến không ít học trò rơi nước mắt.
Những buổi diễn thuyết của các diễn giả thường nói về ước mơ, khát vọng, sự hiếu thảo, câu chuyện cuộc đời và những vấn đề học sinh đang bế tắc trong xã hội hiện đại...
Có diễn giả còn mời học sinh đứng trước toàn trường để thị phạm, hỏi em tên gì, bao lâu rồi em không tặng mẹ một món quà, không nói với cha lời cảm ơn.
Sau khi nghe diễn giả chia sẻ, nhiều học sinh đã không kiềm chế được cảm xúc và bật khóc, cảm thấy mình có lỗi.
Phương Minh, học sinh lớp 8 (Hà Nội) cho biết, bản thân từng được nghe diễn giả đến trường nói chuyện về các chủ đề hiếu thảo, tình mẫu tử, tình yêu gia đình, sự hy sinh... Những câu chuyện được các diễn giả chia sẻ tại buổi diễn thuyết rất xúc động khiến nhiều học sinh và cả giáo viên rơi nước mắt. Nhưng cá nhân em cảm thấy mệt mỏi khi liên tục bị đặt vào tình huống "phải khóc" hoặc xúc động.
"Lúc đầu em nghe thấy những câu chuyện được kể rất hay nhưng về sau cảm thấy chán, dài dòng", Phương Minh chia sẻ.
Một nữ sinh khác học tại một trường THPT quận Cầu Giấy cũng cho biết, những câu chuyện về tình yêu, lòng hiếu thảo... được các diễn giả, chuyên gia nhắc đến thực sự rất ý nghĩa. Có những chi tiết chạm đến cảm xúc người nghe. Trong khoảnh khắc đó, rất nhiều học sinh rơi nước mắt, thậm chí có cảm giác tội lỗi khi nhớ lại những hành động, việc làm của mình trong quá khứ.
Tuy nhiên nữ sinh thừa nhận, sự xúc động đến "rơi nước mắt" đó thường qua mau sau khi buổi thuyết giảng kết thúc.
"Khi về nhà nhớ lại em còn cảm thấy hơi lố, xấu hổ khi khóc lóc giữa sân trường", nữ sinh này nhớ lại.

Không khó có thể nhận thấy, những buổi thuyết giảng, nói chuyện về chủ đề đạo đức thường có chung một "mô típ" nói về ước mơ, khát vọng, sự hiếu thảo, câu chuyện cuộc đời và những vấn đề mà học sinh đang bế tắc trong xã hội hiện đại. Từ đó khơi gợi lòng trắc ẩn, sự hối lỗi... của người nghe.
Hà My (học sinh lớp 9, Hà Nội) nêu quan điểm: "Những bài giảng đó không thật sự hiệu quả vì mang tính lý thuyết, nặng giáo dục đạo lý. Dù khá cảm động và lấy đi nước mắt nhưng lại qua mau."
Dưới góc nhìn của chị Thanh Nhàn (Hà Đông, Hà Nội), các diễn giả thường hay nói quá. Họ thường rút ra những câu chuyện từ bản thân nhưng để đem ra làm bài học thì giờ không còn phù hợp nữa, mỗi một thời kỳ học sinh sẽ cách tiếp nhận khác nhau.
Đồng tình về việc trường học cần thúc đầy các chương trình giáo dục kỹ năng sống nhưng theo chị Nhàn nên tổ chức các buổi trải nghiệm, thảo luận, làm việc nhóm hơn là nghe các câu chuyện đạo đức mang tính một chiều.
Trẻ khóc đồng loạt khi nghe diễn thuyết chỉ là sự "lây lan cảm xúc"
Việc một số diễn giả đến trường học diễn thuyết và lấy nước mắt học sinh bằng những câu chuyện buồn, thậm chí quay phim lại để làm bằng chứng cho sự thành công của buổi nói chuyện, thành công trong giáo dục theo chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Vũ Thu Hà là sự phiến diện, thậm chí có dấu hiệu thao túng cảm xúc của học sinh.
Thạc sĩ Vũ Thu Hà cho rằng, giáo dục một đứa trẻ cần một lộ trình dài. Trong quá trình giáo dục đó, đôi khi trẻ mắc sai lầm. Vai trò của người làm giáo dục là điều chỉnh hành vi, giúp trẻ có bài học kinh nghiệm để trưởng thành.
"Như vậy, quá trình phát triển của đứa trẻ rất dài và đôi khi phải chấp nhận những sai lầm của các con. Nếu như chỉ dựa vào việc các con khóc, nhận lỗi trong một khoảnh khắc thì người lớn chỉ nhận thấy các con đang rất khổ sở, có lỗi trong những câu chuyện đã xảy ra nhưng rất có thể những sai lầm vẫn tái diễn vì các con vẫn chỉ là những đứa trẻ", thạc sĩ Vũ Thu Hà phân tích.

Phân tích về hiện tượng học sinh khóc đồng loạt khi nghe diễn giả nói chuyện, Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Chuyên gia tâm lý học trường học, Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho biết, hiện tượng này mang tính "lây lan cảm xúc" nhiều hơn là sự thức tỉnh trong tâm thức học sinh.
"Với trẻ em, nhiều khi thấy bạn bè mình khóc thì cũng khóc theo chứ không hẳn câu chuyện của diễn giả mang đến cảm xúc, thông điệp mạnh mẽ", TS. Hoàng Trung Học nói.
Cũng theo TS. Hoàng Trung Học, trong quá trình tác động đến cảm xúc sẽ dẫn đến trạng thái xúc động. Nếu không có chuyên môn sẽ khiến người nghe rơi vào trạng thái lây lan cảm xúc, thậm chí bị thôi miên trong cảm xúc. Người nghe bị thao túng, dẫn dụ và có thể để lại hậu quả nguy hiểm.
"Nếu tác động đến cảm xúc một cách vừa đủ, vừa đúng và khoa học kèm theo đó là những thông tin, kiến thức mang tính khoa học, biến những kiến thức thành hành động cụ thể trong thực tiễn thì sẽ hiệu quả. Còn làm thái quá, lệch lạc của những người không có chuyên môn sẽ để lại những hệ lụy", TS. Hoàng Trung Học phân tích.
Nói về phương pháp hiệu quả mà giáo viên và cha mẹ học sinh có thể vận dụng để giáo dục đạo đức, kỹ năng cho học sinh mà không cần dựa vào sự bi lụy hay nước mắt, thạc sĩ Vũ Thu Hà cho rằng, mỗi trường học cần có chương trình giáo dục kỹ năng sống bài bản và dựa trên tâm lý lứa tuổi của mỗi đứa trẻ.
Tùy vào lứa tuổi, mỗi đứa trẻ có nhu cầu riêng và nhiệm vụ của trường học, của giáo viên chuẩn bị cho học sinh kiến thức, nguyên tắc, kỹ năng, chia sẻ những trải nghiệm đã, đang diễn ra trong thực tế cuộc sống. Giáo dục không chỉ dừng lại ở cảm xúc nhất thời, mà quan trọng hơn là giúp trẻ hiểu, suy ngẫm và hành động.
"90% nội dung giảng dạy kỹ năng nên tập trung vào 3 phần đó. Còn những chia sẻ những câu chuyện mang tính lầm lỡ, những câu chuyện mang tính tiêu cực để khơi dậy sự hối lỗi trong học sinh chỉ nên dừng ở mức 10%", thạc sĩ Vũ Thu Hà chia sẻ.