Mới đây, trong phiên thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 7, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, số lượng cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng khi tinh gọn bộ máy trước đây khoảng 100.000 người. Tuy nhiên, con số này chắc chắn cao hơn rất nhiều khi tiến hành sắp xếp tỉnh, bỏ cấp huyện và tiếp tục sắp xếp cấp xã.
Từ những dữ liệu tham khảo, TS Ngô Quỳnh An, Phó Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý Nguồn nhân lực, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, số lượng cán bộ công chức, viên chức trong khu vực công chiếm từ 1,2 đến 1,5 triệu người, tương đương 2 đến 3% trong tổng số 54 triệu người của thị trường lao động. Theo kế hoạch sau khi sắp xếp bộ máy từ trung ương đến địa phương, số lượng cán bộ bị điều chuyển, tinh giản biên chế sẽ giảm 20% (khoảng 150.000 đến 200.000 người).
“Với sự điều chỉnh này, chắc chắn sẽ có những tác động tới thị trường lao động trong ngắn hạn, làm gia tăng áp lực cạnh tranh việc làm, đặc biệt phần lớn nhân sự dư thừa này lại tập trung chủ yếu ở những ngành nghề có nhiều khó khăn trong chuyển đổi nghề nghiệp nên tất yếu cũng sẽ tăng tỷ lệ thất nghiệp ngắn hạn”, TS An khẳng định. Còn trong dài hạn, theo TS Ngô Quỳnh An việc gia tăng số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp bộ máy cũng có thể sẽ có những rủi ro tiềm năng. Chẳng hạn như khi dừng tuyển dụng khu vực công trong vòng 5 năm thì có khả năng sẽ dẫn đến mất cân đối về cơ cấu độ tuổi và sẽ hình thành một thế hệ thiếu hụt kỹ năng, thiếu đổi mới sáng tạo, dẫn đến thiếu hụt thế hệ kế cận, làm suy giảm tính cạnh tranh trong thu hút nhân tài đối với khu vực công.

Ở góc độ của người nghiên cứu về Quản lý Nguồn nhân lực, TS Ngô Quỳnh An chỉ rõ, phần lớn lao động khu vực công có nhiều lợi thế về kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn hành chính, quản lý nhưng lại thiếu kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với doanh nghiệp tư nhân. Không những thế, đội ngũ lao động này cũng sẽ thiếu các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, công nghệ thông tin - những yếu tố quan trọng trong thị trường lao động hiện đại. Đặc biệt tại khu vực công, họ cũng đã quen với lương ổn định, trong khi khu vực tư nhân sẽ có áp lực cao hơn.
Khó khăn tiếp theo cũng được TS An chỉ rõ đó chính là những rào cản về mặt tâm lý của người lao động khi đứng trước một tình trạng mất ổn định về việc làm.
“Họ vừa phải đối diện áp lực về mưu sinh vừa phải chịu áp lực trong việc thích ứng với môi trường làm việc mới, chuyển đổi từ văn hóa tuân thủ trong khu vực nhà nước sang văn hóa linh hoạt sáng tạo, đòi hỏi phải có thời gian để thích ứng. Đồng thời, họ cũng sẽ phải đối mặt với sự khủng hoảng bản sắc nghề nghiệp khi phải chuyển sang những ngành nghề công việc mới”, TS Ngô Quỳnh An phân tích.

Thực tế, chuyển đổi nghề đối với lao động khu vực công không chỉ đơn thuần là tìm kiếm công việc mới mà còn liên quan đến các vấn đề về chính sách hỗ trợ, đào tạo kỹ năng, tâm lý thích nghi và khả năng hòa nhập với thị trường lao động khu vực ngoài nhà nước. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã có những chính sách và mô hình hỗ trợ hiệu quả thì tại Việt Nam, quá trình này vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết. Trước những thách thức đã được nhận diện, TS. Ngô Quỳnh An cho rằng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và sự chủ động của doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp lao động trung niên thích nghi với thị trường mới.
Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động trung niên, thông qua ưu đãi thuế, hỗ trợ tiền lương, thù lao. Hỗ trợ đào tạo tại chỗ để người lao động nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc mới. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế luân chuyển cán bộ từ khu vực công sang khu vực tư nhân và có chính sách thu hút họ quay trở lại làm việc trong cơ quan nhà nước khi cần thiết.
Các doanh nghiệp cần mở rộng cơ hội tuyển dụng, đánh giá người lao động dựa trên năng lực thay vì độ tuổi. Xây dựng môi trường làm việc thân thiện, hỗ trợ người lao động trung niên hòa nhập. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm này để nâng cao hiệu quả hoạt động, thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Mới đây, trong phiên thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 7, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh yêu cầu cần lưu ý sâu hơn vấn đề xây dựng mô hình việc làm linh hoạt và các cơ chế, chính sách tiếp tục cho những người bị ảnh hưởng sau sắp xếp rời khu vực công sang khu vực tư. Nêu quan điểm về đề xuất này, TS Ngô Quỳnh An cho biết, việc xây dựng mô hình việc làm linh hoạt đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng xu thế chuyển đổi số, phù hợp với thị trường lao động luôn biến động, đảm bảo an ninh việc làm và tăng khả năng thích ứng của người lao động.

Bên cạnh đó với góc độ một người nghiên cứu về quản lý nguồn nhân lực, TS Quỳnh An cũng chỉ ra rất nhiều những điểm mới quan trọng trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi lần này. Đó là mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với những lao động phi chính thức, lao động làm việc trên nền tảng số, lao động làm việc từ xa, lao động trong các hình thức làm việc linh hoạt. Về chính sách việc làm linh hoạt cũng đã đề cập tới những hình thức việc làm mới như làm việc từ xa, làm việc bán thời gian. Đặc biệt dự thảo cũng đề cập đến hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề… Những quy định này có thể áp dụng cho nhóm đối tượng điều chuyển sau tinh gọn bộ máy với những chương trình đào tạo ngắn hạn, chương trình miễn giảm học phí và hỗ trợ tài chính cho học nghề để phát triển những kỹ năng cần thiết như kỹ năng số.
Tuy nhiên bên cạnh những nỗ lực cải thiện về mặt chính sách của nhà nước, TS Ngô Quỳnh An cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc nâng cao nhận thức của người lao động về sự cần thiết của chuyển đổi nghề; thiết lập các trung tâm đào tạo và tư vấn hướng nghiệp cho lao động khu vực công; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu thực tế./.