Trước việc Bộ GD&ĐT quyết định thí điểm môn Tiếng Hàn là “ngoại ngữ 1”, hệ 10 năm trong Chương trình Giáo dục phổ thông, Thạc sĩ Lê Huy Khoa, Hiệu trưởng trường Hàn ngữ Việt-Hàn Katana, trợ lý ngôn ngữ của HLV trưởng Park Hang Seo cho rằng, đây là điều tất yếu và không có gì là sai.

Thạc sĩ Lê Huy Khoa cho rằng, ngôn ngữ phục vụ cho việc giao lưu văn hóa, kinh tế, chính trị. Trong những năm vừa qua quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc được nâng tầm lên là đối tác chiến lược và việc tiếng Hàn trở thành một trong những ngôn ngữ thứ nhất thí điểm giảng dạy trong trường phổ thông cũng nhằm phục vụ mối quan hệ đó.

“Chưa kể, hiện nay Hàn Quốc là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam. Số người Hàn Quốc cư trú tại Việt Nam trước khi có dịch Covid-19 là khoảng 200 nghìn người. Số người Việt Nam đang cư trú tại Hàn Quốc bao gồm cô dâu, du học sinh, người lao động… cũng khoảng hơn 180 nghìn người. Với số lượng người dân đang cư trú, học tập, làm việc ở cả hai nước đông như thế thì việc học tiếng Hàn để phục vụ nhu cầu giao lưu giữa hai nước là rất cần thiết” – Thạc sĩ Lê Huy Khoa nhấn mạnh.

Trợ lý ngôn ngữ của HLV trưởng Park Hang Seo cũng cho rằng, không phải khi Bộ GD&ĐT cho thí điểm dạy tiếng Hàn trong trường phổ thông mà trước đó nhiều năm nhu cầu học tập tiếng Hàn của học sinh, sinh viên và người lao động cũng rất lớn. Ngoài các trung tâm dạy tiếng Hàn, các trường Trung cấp, Cao đẳng thì hiện cũng có khoảng 25 trường Đại học của nước ta đã có khoa tiếng Hàn. Ngay như trường Hàn ngữ Việt-Hàn Katana, trước khi xảy ra dịch Covid-19 lượng người đến học tiếng Hàn rất đông và đó là nhu cầu có thực chứ không ai ép buộc gì cả.

Trước băn khoăn của dư luận về việc lựa chọn tiếng nước ngoài nào là ngoại ngữ số 1 giảng dạy trong trường phổ thông thường căn cứ vào tỉ lệ dân số thế giới sử dụng ngoại ngữ đó, Thạc sĩ Lê Huy Khoa cho rằng, điều đó chưa hẳn đúng vì tính phổ cập của một ngôn ngữ nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố như lịch sử văn hóa, địa lý, chính trị... nhất là hiện nay có một xu thế chung là tầm ảnh hưởng kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước đó tới một ngôn ngữ.

Lật ngược thời gian việc học tiếng Nga trước đây, nếu nói rằng học tiếng Nga để phổ biến, giao lưu toàn cầu hay không? Chắc chắn là không nhưng số người học tiếng Nga thời điểm thập niên 60, 70 hay 80 của thế kỷ trước vẫn rất đông.

Trước luồng tranh luận về việc tiếng Hàn được thí điểm là ngoại ngữ số 1 giảng dạy trong trường phổ thông, Hiệu trưởng trường Hàn ngữ Việt-Hàn Katana Lê Huy Khoa đưa ra hai lời khuyên cho các bậc phụ huynh và các em học sinh.

Thứ nhất nên tiếp cận ngôn ngữ ở phương diện công cụ. Và ở đây nên tiếp cận tiếng Hàn là một công cụ, một công cụ trong nền kinh tế thị trường. Chúng ta học để có được một vị trí công việc, một sự hợp tác nghiên cứu, học tập, việc làm nào đó. Hiện nay rất nhiều công ty Hàn quốc đầu tư ở Việt Nam và những người học tiếng Hàn thường xin được công việc khá dễ dàng. Tuy nhiên, cái gì nhiều quá cũng dễ dẫn đến dư thừa và lãng phí và khi học bạn nên có sự điều tiết cho hợp lý

Thứ hai, học ngôn ngữ không nên lãng phí quá nhiều nguồn lực, quá nhiều tâm trí, thời gian và tiền bạc. Chúng ta nên học ngôn ngữ ở phương diện làm thế nào để có thể sử dụng nó, kiếm tiền được và làm việc được ở một công ty Hàn Quốc. Chúng ta không nhất thiết bỏ cả cuộc đời này để học tiếng Hàn hay một ngôn ngữ gì đó. Nó chỉ là một công cụ có thể chỉ là nhất thời mà thôi.

Trước đó, ngày 09/02/2021, Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức - Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm.

Nội dung cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn bao gồm các chủ điểm, chủ đề và kiến thức ngôn ngữ (Ngữ âm, Từ vựng, Ngữ pháp) được lựa chọn phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh và được tích hợp vào quá trình rèn luyện, phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cơ bản.

Cụ thể, học sinh kết thúc lớp 6, đạt Bậc 1, kết thúc cấp THCS (lớp 9) đạt Bậc 2 và kết thúc cấp THPT (lớp 12) đạt Bậc 3. Tổng thời lượng chương trình là 1.155 tiết (mỗi tiết 45 phút) bao gồm cả các tiết ôn tập và kiểm tra đánh giá. Thời lượng tương đương với Bậc 1, Bậc 2, Bậc 3 lần lượt là 420 tiết, 420 tiết, 315 tiết.

Liên quan đến quyết định này, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin "Tiếng Hàn trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 đến 12. Theo đó, môn Tiếng Hàn được Bộ GD&ĐT xác định là ngoại ngữ 1, là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12".

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên VOV2, đây là cách hiểu không đúng về bản chất quyết định của Bộ GD&ĐT.

Cụ thể, theo quy định của Bộ GD&ĐT, "ngoại ngữ 1” là ngoại ngữ bắt buộc. Và theo quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông ban hành năm 2006, cho phép học sinh được lựa chọn 1 trong 4 ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ 1.

Đến năm 2011, Bộ GD&ĐT đã bổ sung thêm Tiếng Nhật được dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ 1 hoặc ngoại ngữ 2 tùy theo nguyện vọng của các địa phương và trường học.

Với quyết định 712 ngày 09/02/2021, “ngoại ngữ 1” được bổ sung thêm 2 thứ tiếng là tiếng Hàn và Đức. Như vậy, hiện ngoại ngữ 1 có 7 thứ tiếng gồm: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn, Tiếng Đức. Các trường sẽ bắt buộc chọn dạy 1 trong 7 thứ tiếng trên.

Đối với “ngoại ngữ 2” là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc, tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Căn cứ vào ngoại ngữ 1, học sinh có thể chọn 1 trong 7 ngoại ngữ nói trên là ngoại ngữ 2. Ví dụ, học sinh đã học tiếng Anh là ngoại ngữ 1 thì có thể chọn học tiếng Pháp, hoặc tiếng Nga hoặc tiếng Nhật hoặc tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Hàn hoặc tiếng Đức như ngoại ngữ 2.