Nghề trồng và chăm sóc cây cảnh: Cần cù và chịu khó là đủ?

Theo chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hoa cây cảnh, cần cù, chịu khó chỉ là 1 trong những phẩm chất cần phải có của người làm nghề trồng hoa, cây cảnh. Hơn thế, nghề trồng hoa cây cảnh sẽ yêu cầu kiến thức và kỹ năng riêng.

Về kiến thức, người làm nghề cần hiểu biết về cây trồng, những yếu tố tác động từ bên trong và bên ngoài cây trồng để có những biện pháp tác động phù hợp để cây hoa cây cảnh có giá trị thẩm mỹ cao nhất, đúng dịp nhất.

Còn về kỹ năng, ví dụ kỹ năng về cắt, tỉa, uốn, tạo hình cây thường cần kinh nghiệm và sự luyện tập. Ngoài ra cũng cần 1 chút năng khiếu về thẩm mỹ và khả năng đánh giá được thị trường thì làm nghề hoa cây cảnh mới thành công và phát triển được.

Người làm nghề trồng hoa cây cảnh cần có đam mê

Để có thể tham gia vào ngành trồng hoa cây cảnh đầu tiên mình cần phải có niềm yêu thích. Yêu thích hoa, yêu thích cái đẹp, yêu thích thiên nhiên và yêu thích nông nghiệp.

Thứ hai, phải chịu khó, kiên trì vì nghề trồng hoa cây cảnh không dễ dàng. Có những giai đoạn sẽ gặp nhiều rủi ro, rủi ro về giống, về kỹ thuật, về thị trường.

Thứ ba, phải có khả năng ham học hỏi và tìm hiểu những điều mới để thích nghi được với sự phát triển của thị trường hoa cây cảnh đang rất sôi động hiện nay. Xu thế hiện nay ngoài việc chơi hoa theo cách truyền thống người ta sẽ yêu cầu chơi hoa ở cấp độ cao hơn, cần sự tinh sảo hơn và chất lượng hoa cũng cao hơn. Yêu cầu người tham gia vào lĩnh vực sản xuất hoa cây cảnh phải luôn luôn đổi mới, luôn phải có sự sáng tạo trong công việc sản xuất của mình.

Làm thế nào để trở thành chuyên gia hoa cây cảnh?

Chuyên gia trong lĩnh vực hoa cây cảnh này sẽ có 2 hình thức: chuyên sâu trong nghiên cứu hay chuyên sâu trong thực tiễn. Tùy vào mong muốn lựa chọn nghề nghiệp sẽ tìm nơi học tập và đào tạo phù hợp.

Nếu mình chọn chuyên sâu trong nghiên cứu thì bắt buộc phải hiểu biết những kiến thức về cây trồng, về chăm sóc, tạo giống, bắt buộc phải tham gia những lớp đào tạo thuộc các trường đại học, các viện nghiên cứu ở trong nước hoặc ở nước ngoài các cường quốc hoa như Hà Lan, Thái Lan, Trung Quốc.

Còn chỉ muốn chuyên sâu về thực tiễn thì mình có thể tham gia vào các Hội sinh vật cảnh, các CLB, tham gia học việc tại các nhà vườn, các công ty, các cơ sở sản xuất hoa khác tại các vùng chuyên canh.

Là người đi trước, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung nhận thấy tiềm năng phát triển của Ngành trồng và chăm sóc hoa cây cảnh rất là lớn. Về điều kiện tự nhiên của Việt Nam rất đa dạng. Từ Bắc vào Nam ở đâu đâu cũng có 1 làng nghề chuyên canh hoa như miền Bắc có Tây Tựu, Mê Linh, Văn Giang. Miền Nam có Đà Lạt, Đồng Tháp.

Bên cạnh đó nguồn gen về hoa cây cảnh của Việt Nam rất phong phú, "dựa trên những tiềm lực đấy mình nghĩ ngành hoa cây cảnh trong thời gian tới còn phát triển nhiều hơn nữa" chị Nhung nhấn mạnh.

"Việc chăm sóc lan hồ điệp đòi hỏi phải cẩn thận, yêu nghề, yêu hoa, khéo léo. Không thể làm theo phong cách công nghiệp được vì phải đi tìm tòi sâu bệnh tỷ mỉ. Cần có sự kiên nhẫn, kiên trì, không được nóng vội mới thành công được vì quy trình sản xuất trong 2 năm thì mới có được sản phẩm."

Anh Nguyễn Văn Thành, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hoa cây cảnh

"Công việc trồng hoa không quá vất vả nhưng cần nhiều thời gian và phải sát sao với cây hoa. Với nghề nghiệp nào cũng phải đam mê. Có đam mê mình mới phát triển được công việc và chuyên môn của mình."

Anh Đặng Văn Lãm, cán bộ nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu và phát triển hoa cây cảnh

Tìm hiểu hành trình trở thành chuyên gia trồng và chăm sóc hoa cây cảnh: