Nữ sinh lớp 10 trường THPT Vĩnh Xương- Thị trấn Tân Châu, An Giang tự tử do bị nhà trường giáo viên chủ nhiệm bạo lực tinh thần – một câu chuyện nóng và gây bức xúc trong dư luận tuần qua. Liên quan đến vụ việc hiệu trưởng, hiệu phó trường THPT Vĩnh Xương đã bị tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm trách nhiệm.

Theo TS. Nguyễn Thụy Anh, vụ việc vừa xảy ra là vụ việc đáng buồn. Những người lớn làm trong ngành giáo dục, các thầy cô giáo cần xem lại cách ứng xử với những lỗi sai của học sinh. "Chưa nói đến Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT đã quy định, không nêu tên, bêu tên học sinh trước tập thể thì giáo viên và những người lớn đã phải suy nghĩ đến vấn đề này với cách thể hiện sự tôn trọng học sinh khi đưa ra những hình thức phê phán hay kỷ luật". Dù các em là người có lỗi nhưng các em vẫn được sự tôn trọng và được quyền tôn trọng. Chúng ta ứng xử với lỗi của các em không phải để các em thấy xấu hổ, nhục nhã, nhớ đời mà nhận thức được lỗi sai của mình thực sự ở đâu và cùng các em sửa lỗi sai đó.

Phóng viên: Thưa TS. Nguyễn Thụy Anh, chúng ta đều biết, Bộ GD&ĐT đã có quy định không được phê bình học sinh trước trường, trước lớp, nhưng chị nghĩ sao khi đến nay nhiều giáo viên vẫn cảm thấy không hài lòng, không thoải mái khi không được phê bình học sinh trước tập thể?

TS. Nguyễn Thụy Anh: Tôi cho rằng điều này cho thấy các giáo viên của chúng ta chưa được tập huấn, đào tạo đủ. Các kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ, giáo dục tâm lý lứa tuổi rất quan trọng. Những việc kỷ luật hay đưa ra hình thức khiển trách phê phán, khiển trách nào cũng phải dựa trên các hiểu biết tâm lý giáo dục, tâm lý học sinh và cách ứng xử phù hợp công bằng với học sinh. Việc các giáo viên chưa thông, tôi cho rằng họ chưa có đủ kiến thức về điều này. Tôi cho rằng phải tập huấn, chia sẻ, đào tạo lại kĩ hơn cho các giáo viên trong nhà trường.

Phóng viên: Vụ việc ở Trường THPT Vĩnh Xương hiện đang được gấp rút kiểm điểm trách nhiệm, tuy nhiên việc truy cứu trách nhiệm của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm theo chị đã là biện pháp giải quyết tối ưu cho vụ việc này hay không?

TS. Nguyễn Thụy Anh: Việc truy cứu trách nhiệm, xử lý kỷ luật ai, tôi cho rằng vẫn chỉ là xử lý khủng hoảng truyền thông, đối mặt dư luận, mạng xã hội, sau đó trấn an dư luận để mọi thứ chìm vào, như cũ. Khi chúng ta muốn giải quyết tận gốc vấn đề thì cần xem lại cách đào tạo giáo viên trong trường sư phạm như thế nào, đào tạo kỹ hơn về tâm lý lứa tuổi, tâm lý học đường, đưa quy định hướng dẫn giáo viên kỹ lưỡng hơn trong việc tương tác với học sinh, thái độ tương tác với học sinh. Hướng dẫn giáo viên kỹ hơn, cụ thể hơn việc xử lý tình huống sư phạm khó, với các vấn đề tâm lý của học sinh. Chúng ta quan sát như thế nào, chia sẻ ra sao, phối hợp với gia đình như thế nào, để tránh những ấm ức kéo dài từ phía học sinh, sẵn sàng nghe những chia sẻ của các em, kể cả những chia sẻ mà các thầy cô cho là lệch chuẩn. Bởi vì, khi những đứa trẻ chưa lớn, chưa thành niên, các em hoàn toàn được quyền sai. Chúng ta phải nhìn điều đấy với con mắt người lớn chứ không phải ăn thua với một đứa trẻ.

Phóng viên: Xin cảm ơn TS.