Sáng 16/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Nhiều chính sách mới lần đầu tiên được thiết kế riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo - những lực lượng được coi là động lực tăng trưởng trong giai đoạn tới. Từ chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ hạ tầng, đến kết nối dữ liệu đất đai và thể chế hóa chuyển đổi số - dự thảo Nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo ra một “trụ cột thể chế” mới cho phát triển.
Chương III của Dự thảo Nghị quyết đưa ra nhiều quy định về việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, trong đó yêu cầu các khu, cụm công nghiệp thành lập mới phải dành ít nhất 20 ha hoặc 5% tổng diện tích cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thuê. Các doanh nghiệp này còn được hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu - khoản chi phí được Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư.

Đại biểu Lê Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đánh giá: “Chính sách này chạm đúng vào điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, tiếp cận đất đai chưa bao giờ chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà là một phép thử về tư duy phát triển. Nếu coi đất đai là nền tảng của hệ sinh thái đổi mới, thì liên thông hạ tầng số đất đai, hạ tầng thể chế sẽ trở thành đòn bẩy thực sự.”
Bà Hà kiến nghị: cần công khai thông tin đất đai trên bản đồ số, tích hợp với hệ thống đăng ký doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể truy cập trực tuyến. Cùng với đó là cơ chế giám sát minh bạch để tránh lợi dụng chính sách, đồng thời khuyến khích mô hình hợp tác công - tư trong phát triển mặt bằng sản xuất chuyên biệt.

Chương V của dự thảo Nghị quyết quy định về hỗ trợ nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo đó, doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế để lập quỹ R&D, được khoán chi nghiên cứu, được khấu trừ 200% chi phí cho hoạt động đổi mới sáng tạo khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng: “Đây là những chính sách mạnh, có ý nghĩa thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông minh để nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, nhiều nội dung còn quy định chung chung, thiếu tiêu chí rõ ràng như mức hỗ trợ phần mềm, danh mục dịch vụ tư vấn miễn phí… cần Chính phủ cụ thể hóa trong văn bản dưới luật.”

Ngoài ra, Nhà nước sẽ hỗ trợ cung cấp miễn phí các nền tảng kế toán số dùng chung, đào tạo giám đốc điều hành và dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, cá nhân kinh doanh một động thái được kỳ vọng giúp thu hẹp khoảng cách quản trị giữa các doanh nghiệp.
Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh chỉ rõ: “Với doanh nghiệp khởi nghiệp, tài sản cốt lõi là công nghệ, thuật toán, ý tưởng. Nếu không được bảo hộ đúng thời điểm, họ có thể mất thị trường, bị sao chép hoặc không gọi được vốn.”
Bà đề nghị bổ sung quy định hỗ trợ chi phí đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vào chương về đổi mới sáng tạo, đồng thời xem đây là chiến lược phát triển thay vì chỉ là biện pháp phòng ngừa rủi ro pháp lý. Bởi thực tế, nhiều doanh nghiệp đã từng mất nhãn hiệu, tên miền, hoặc không thể ký kết hợp đồng đầu tư chỉ vì thiếu giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Nhiều đại biểu cho rằng để Nghị quyết đi vào cuộc sống, cần một nền tảng quản trị dữ liệu thống nhất và minh bạch. “Chúng ta không thể chuyển từ xin – cho sang minh bạch cạnh tranh nếu không có dữ liệu mở, hệ thống số và nền tảng quản trị hiện đại”, đại biểu Lê Thu Hà nhấn mạnh.
Việc Quốc hội đồng thuận thông qua Nghị quyết lần này không chỉ mở đường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, mà còn là bước đi chiến lược trong kiến tạo thể chế minh bạch, hiện đại – nơi doanh nghiệp sáng tạo không chỉ được hỗ trợ, mà được đặt ở vị trí trung tâm trong kiến trúc phát triển quốc gia.