Dự thảo Luật việc làm (sửa đổi) đang được lấy ý kiến dành một chương quy định về chính sách hỗ trợ việc làm thanh niên, trong đó có quy định về việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên.
Cụ thể, học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm tuy nhiên không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ.
Các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.
Quy định này nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.
Sinh viên "vắt sức" làm thêm lo chi phí học tập
Mặc dù là sinh viên năm nhất đại học, Nguyễn Văn Hoàng, sinh viên trường đại học Công nghệ giao thông vận tải đã có kinh nghiệm 4 tháng đi làm thêm. Với vị trí nhân viên phục vụ tại một nhà hàng, Hoàng được trả mức lương 22.000 đồng/giờ.
“Tùy vào lịch học, một ngày em làm thêm từ 4-6 tiếng và có thu nhập từ 100-150 nghìn đồng/ngày. Khoản tiền này em có thể phụ giúp bố mẹ khoản thuê nhà trọ, điện nước, ăn uống hàng ngày”, Hoàng chia sẻ.
Cũng theo Hoàng, một tuần thời gian làm thêm của em từ 28-40 giờ. Mặc dù công việc chạy bàn nhà hàng vất vả, luôn chân luôn tay nhưng bù lại có khoản thu nhập ổn định.
Cũng sinh ra từ làng, khi về thành phố theo học đại học, để đủ tiền trang trải cuộc sống đắt đỏ, Vũ Ngọc Diệp (Đống Đa, Hà Nội) cũng tìm kiếm công việc làm thêm ngay từ năm thứ nhất. Một ngày, Diệp đăng ký làm thêm từ 5-6 tiếng với mức lương 18 nghìn/giờ.
Diệp cho biết, bản thân cũng trải qua nhiều công việc khác nhau như thu ngân ở quán cafe, nhân viên chạy bàn, bán quần áo… nhưng mức thu nhập cũng chỉ từ 17-18 nghìn đồng/giờ.
“Dù thu nhập thấp nhưng em bằng lòng với các công việc này bởi theo học tại thành phố có rất nhiều khoản tiền phải chi tiêu. Sinh viên chưa có bằng nên dù làm việc ở đâu họ cũng chỉ trả mức lương như vậy”, Vũ Ngọc Diệp chia sẻ.
Nữ sinh này cũng thừa nhận, việc đi làm bán thời gian (part time) với công việc thiên về chân tay nên sau mỗi giờ làm cơ thể khá mệt mỏi và việc học tập bị sao nhãng là không tránh khỏi. “Em thường nhận ca chiều hoặc tối nên sau khi đi làm về không muốn làm gì khác, chân tay mỏi nhừ”, Diệp thừa nhận.
Làm thêm đang trở thành một phần của đời sống sinh viên. Nhưng cũng không ít trường hợp sinh viên không thể cân bằng được thời gian đi học đi làm, bị cuốn theo đồng tiền nên đã bỏ dỡ việc học tập lại phải lo tiền đóng học lại.
Một sinh viên trường Đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho biết, bản thân từng bị nợ môn và phải đóng tiền học lại vì mải đi làm. “Có khi tiền đi làm thêm không bù được tiền phải học lại nên sau lần đó em không dám đi làm thêm nữa”, nữ sinh này thừa nhận.
Học tập là nhiệm vụ chính của sinh viên
Trao đổi với VOV2, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – Chủ tịch Hội đồng quản lý và Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục và Nghề nghiệp cho biết, thế hệ của bà, sinh viên rất ít làm thêm. Hầu hết sinh viên tập trung hoàn toàn vào công việc học tập, thi cử. Điều này cũng khiến cho sinh viên thiếu các kỹ năng cần thiết để hòa nhập thị trường lao động sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay do kinh tế phát triển, cơ hội việc làm rộng mở nên việc sinh viên hiện nay đi làm thêm rất phổ biến. Thu nhập từ công việc bán thời gian giúp nhiều sinh viên có thu nhập để trang trải cuộc sống, thậm chí thay gia đình đóng học phí.
“Việc các em đi làm thêm cũng giúp các em có kỹ năng cuộc sống. Thế nhưng khi sinh viên quá ham đi làm thêm, thậm chí có em làm 6-8 giờ/ngày và 50-60 giờ/tuần dẫn đến quá sức, không đủ thời gian, sức khỏe để tập trung vào việc học là một điều đáng lo ngại”, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền chia sẻ.
Điều khiến bà Huyền lo ngại hơn là những công việc mà sinh viên làm thêm thường không liên quan đến chuyên ngành đang học. "Nhân viên chạy bàn, thu ngân, pha chế, chạy xe ôm công nghệ, shiper... là những công việc phổ thông, nặng về chân tay. Trong khi sinh viên các nước trên thế giới thường chọn các công việc làm thêm liên quan đến ngành nghề đang theo học và phục vụ tốt cho tương lai".
Trước đề xuất của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khi xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm tuy nhiên không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ, PGS. TS Đặng Thị Thanh Huyền hoàn toàn ủng hộ bởi theo bà nhiệm vụ chính của sinh viên là học tập chứ không phải đi làm.
Theo bà Huyền, giới hạn giờ làm thêm của học sinh, sinh viên không phải là quy định mới trên thế giới. Tại nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến đã áp dụng quy định này từ nhiều năm nay như Singapor, Australia, Nhật Bản…
Vấn đề đặt ra hiện nay theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền là cần có những quy định, chế tài cụ thể để Luật có tính khả thi. Ví dụ như giám sát việc học của sinh viên trên trường, kiểm tra và xử lý những chủ sử dụng lao động để sinh viên làm quá giờ theo quy định…
“Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ sinh viên phải kịp thời, phủ rộng hơn nữa. Hiện các chương trình học bổng chủ yếu cấp cho sinh viên đạt học lực giỏi, xuất sắc, trong khi rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ về học phí, chi phí sinh hoạt”, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền nói.
Chia sẻ quan điểm trong chương trình Diễn đàn VOV2, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, việc ra quy định học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ nhằm giúp học sinh, sinh viên có thu nhập từ việc làm thêm nhưng cũng phải đảm bảo sức khỏe để học tập.
Điều ông băn khoăn là quy định này liệu có khả thi khi việc giám sát sinh viên đi làm thêm cũng không phải việc của nhà trường và nếu muốn giám sát cũng rất khó bởi hiện sinh viên đi làm thêm ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất nhiều hoặc làm việc bán thời gian tại các cửa hàng dịch vụ ăn uống.
Bấm nghe chương trình:
Trao đổi với VOV2, GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) ủng hộ đề xuất quản lý giờ làm thêm của sinh viên.
Ông cho rằng, hiện tượng sinh viên đi làm thêm tới 6 giờ/ngày là một điều bất ổn bởi nhiệm vụ quan trọng nhất của sinh viên là tích lũy kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Sau khi có đủ trình độ chuyên môn cơ bản kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn tại doanh nghiệp mới giúp sinh viên thành công trên con đường nghề nghiệp.
Cũng theo GS.TS Chử Đức Trình, nếu sinh viên chưa tích lũy đủ kiến thức cơ bản trong trường học mà chọn cách tích lũy kinh nghiệm bằng cách đi làm sớm dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Cụ thể, bẫy thu nhập trung bình được ông Trình nhắc đến là hiện tượng sinh viên ham đi làm sớm với mức thu nhập chỉ 5-7 triệu/tháng nhưng không đủ điều kiện tốt nghiệp, không có bằng cấp.