Thành lập ngày 09/8/2018, hoạt động theo mô hình Hợp tác xã, Vụn Art hướng tới mục tiêu giải quyết bài toán việc làm cho người khuyết tật. Với xuất phát điểm ban đầu chỉ với 5 người khuyết tật, sau 5 năm hoạt động, Vụn Art đã đào tạo nghề, tạo việc làm cho thêm 29 người khuyết tật khác, nâng tổng số người khuyết tật làm việc tại Vụn Art lên 34 người.

Tranh lụa ghép vải, túi, ví, bộ kít ghép tranh... và nhiều sản phẩm đa dạng được tạo ra từ bàn tay tài hoa của những người khuyết tật giúp Vụn Art dành được nhiều giải thưởng danh giá cho mô hình doanh nghiệp xã hội bền vững, đặc biệt là chứng nhận 4 sao OCOP.

Nghe chương trình tại đây:

Mô hình dạy nghề đặc biệt

Nói về sự ra đời của một thương hiệu gắn liền với tài hoa của người khuyết tật, anh Lê Việt Cường, người sáng lập Vụn Art chia sẻ, anh có một anh bạn vốn là họa sĩ. Khi ngồi ghép vải vụn thành một bức tranh, anh có mong muốn thay đổi suy nghĩ của cộng đồng về giải quyết việc làm cho người khuyết tật.

Cái tên Vụn mang thông điệp “mỗi người khuyết tật là một mảnh vụn nhỏ trong xã hội, sự hỗ trợ của cộng đồng và Chính quyền như chất keo kết dính chúng tôi lại thành bức tranh lớn hơn”.

Anh Cường cho biết, doanh thu của Vụn Art khi trừ hết đi chi phí quay lại tái đầu tư dạy nghề cho người khuyết tật.

Quá trình dạy nghề, anh nhận thấy thời gian đào tạo một người khuyết tật không giống nhau. “Người điếc và người khuyết tật vận động học nhanh nhưng các bạn tự kỷ chậm phát triển trí tuệ thời gian đào tạo dài, có bạn 3 năm, 5 năm. Tôi thường nói vui, dạy nghề cho các bạn ấy là đầu tư cho tiêu. Ví dụ chúng tôi đào tạo cho 10 bạn tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ thì chỉ được 2”.

Trong khi đó, việc dạy nghề ở Vụn Art hoàn toàn miễn phí, nhân công nhận lương tùy khả năng đóng góp nên vướng mắc nhất là thời gian đào tạo nghề.

“Đối với bạn tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ chúng ta không thể tính sơ cấp nghề 3 tháng, 6 tháng mà ngoài kỹ năng nghề các bạn phải được học kỹ năng sống”. Anh Cường cho biết, nhiều bạn làm việc ở Vụn không biết đọc, biết viết nên việc dạy nghề ở đây có nét riêng là giải quyết được bài toán để các bạn làm được, hòa nhập với các dạng tật khác nhau, bù đắp cho nhau để tạo thành một nhóm sản xuất, tìm được tiếng nói chung, không bị chậm về đơn hàng, không ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.

“Chúng tôi mừng là cách làm trực tiếp theo kiểu “cầm tay chỉ việc” với các bạn tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ ổn, gần như tỉ lệ bỏ việc thấp, thành công trong nghề cao. Hơn nữa, tôi cũng nhấn mạnh với gia đình rằng chúng tôi tạo mọi điều kiện để các bạn khuyết tật phát huy hết khả năng của mình thì gia đình phải đồng hành cùng, nếu không có vai trò của gia đình thì rất khó”, anh Cường chia sẻ.

Thành quả là sinh kế của người khuyết tật

Trong căn phòng nhỏ trên tầng 2 thuộc Trung tâm bảo tồn lụa, làng Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội, những bạn trẻ đang gấp rút hoàn thành hàng trăm bộ kit ghép tranh do một trường tiểu học đặt hàng.

Bùi Thu Dung, 22 tuổi có thể thực hiện được tất cả các công đoạn sản xuất một bộ kit ghép tranh – điều mà trước đây em chưa từng nghĩ tới. Dung kể, cách đây 6 năm trước, chú Lê Việt Cường đã đến tận nhà thuyết phục em tới Vụn Art học nghề và làm việc. Thế nhưng, lúc đó em tự ti vì nghĩ mình khuyết tật thì chẳng làm được gì. Sau 3 lần gặp gỡ, cuối cùng gia đình Dung cũng gật đầu để con gái tới Vụn Art.

“Công việc này phù hợp với sức khỏe của em và giúp em tự tin hơn”, Dung nói.

Cùng làm việc với Dung là Nguyễn Mỹ Bình, sinh năm 2003. Là người khuyết tật trí tuệ, học xong lớp 12 Dung chỉ ở nhà. Thế nhưng “từ khi vào đây làm việc em thay đổi rất nhiều từ một cô bé nhút nhát, em đã trưởng thành hơn, học hỏi được nhiều hơn”.

Dạy nghề và chỉ dẫn từng công đoạn sản xuất cho các học viên, anh Nguyễn Duy Hoàng cho biết, không dừng lại ở dạy nghề, công việc của anh là hướng dẫn cả kỹ năng sống cho các bạn trẻ tại đây.

“Các bạn ở đây thuộc nhiều dạng tật khác nhau, có bạn câm điếc, có bạn thiểu năng trí tuệ, có bạn khuyết vận động, tự kỷ... nên đào tạo cũng phức tạo. Để hướng dẫn các bạn học được, làm được, mình phải kiên trì về thời gian, có sự đồng cảm, chia sẻ với các bạn những lúc vui buồn và cố gắng tạo ra sự thoải mái nhất cho các bạn”, anh Hoàng chia sẻ.

Một căn nhà khác trong chợ - nơi trưng bày các sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc cũng là nơi làm việc của các thành viên hợp tác xã Vụn Art. Gần 11h30 cô Hoàng Thị Hậu, 58 tuổi vẫn tỉ mẩn với những cắt ghép những mảnh vụn theo hình thù đã được vẽ sẵn.

Cô Hậu là một trong những người khuyết tật vận động đầu tiên tham gia Vụn Art dù thời điểm đó tuổi cô không còn trẻ. Với tay nghề của mình, mỗi tháng công việc này mang lại cho cô thu nhập khoảng 5 triệu đồng.

Là người làng Vạn Phúc, chị Nguyễn Thị Thùy Linh, 31 tuổi cho biết, trước khi biến cố bệnh tật khiến chị trở thành một ngươi khuyết tật vận động, chị vốn là giáo viên mầm non. Quen với việc làm đồ chơi cho trẻ nên chị tiếp cận rất nhanh với công việc tại hợp tác xã, việc học nghề chỉ mất nửa năm.

“Mình nhận thấy người khuyết tật cần có một việc để có niềm vui, có kinh tế giúp đỡ cho gia đình, xã hội và chính mình, dù ít dù nhiều cũng là sản phẩm mình làm ra”.

Cần cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp xã hội

Vụn Art mất 3 năm (từ 2017-2020) vừa dạy nghề vừa nghiên cứu phát triển, đến 2020 mới bắt đầu có doanh thu. Để tìm đầu ra cho các sản phẩm, bản thân người sáng lập Vụn Art đã đi chào hàng khắp nơi. Anh cũng nhờ bạn bè giới thiệu về hoạt động của Vụn. Cùng sự giúp sức của Chính quyền, Bộ Kế hoạch – Đầu tư tạo mọi điều kiện quảng bá hình ảnh, những chương trình xúc tiến thương mại của OCOP giúp Vụn Art tiếp cận thị trường dễ hơn.

Tuy vậy, sản phẩm thủ công của Vụn mang yếu tố văn hóa, sáng tạo, gắn với tái chế và bảo vệ môi trường là thách thức không nhỏ khi cạnh tranh trên thị trường. Hơn nữa, “bộ phận sale chỉ mình tôi nên doanh thu của Vụn rơi vào tình trạng “ăn đong” dẫn tới sự thiếu bền vững. Chúng tôi đang tìm mọi cách thức chuyển đổi để phát triển bền vững hơn”, anh Lê Việt Cường chia sẻ.

Để khuyến khích các doanh nghiệp xã hội, anh Lê Việt Cường mong muốn Nhà nước có chính sách phù hợp hơn với nhóm người khuyết tật về mặt bằng và thuế.

“Ngoài sản phẩm chúng tôi còn cung cấp dịch vụ trải nghiệm cho khách du lịch nên mặt bằng là vấn đề.

Chính sách thuế về VAT, chúng tôi cũng biết rằng đấy là thuế thu hộ khách hàng nhưng những sản phẩm này giá thành quá cao, cộng VAT là rào cản lớn để tiếp cận thị trường.

Mong rằng VAT thấp xuống để khuyến khích cộng đồng mua những sản phẩm của nhóm người yếu thế, tôi cho rằng đây là giá trị bền vững nhất. Thay vì đánh đồng doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, hợp tác xã này với hợp tác xã khác”.

Anh Cường cho rằng cần có chính sách để có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp cho người khuyết tật để giải quyết bài toán việc làm cho những người yếu thế, bởi nếu không người khuyết tật vẫn bị bỏ lại phía sau./.