Nhà ở bản Hổi Han, cách trường 16 km nên Hán Pí Nu, học sinh lớp 9, trường Tiểu học - THCS nội trú Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu mỗi tuần chỉ được về nhà một lần vào dịp cuối tuần. Thời gian còn lại em ở nội trú ăn, học cùng thầy cô và các bạn. Hán Pí Nu rất thích học môn toán, kỳ 1 năm học này em đạt danh hiệu học sinh giỏi, em đang cố gắng học tập để nuôi ước mơ trở thành giáo viên. Nhận được quà Tết của các thày cô giáo trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội, Há Pí Nu rất vui, thế là Tết này em đã có áo mới và có cả túi quà đón xuân rồi.

Mỗi đứa trẻ ở trường dân tộc nội trú Bum Tở đều có hoàn cảnh đặc biệt. Pừ A Hư học sinh lớp 9 A là người dân tộc La Hủ, nhà có 2 anh em nhưng nhà quá nghèo nên chỉ có mình em được đi học.

Còn Phùng Mí Hoa không có bố, mẹ bỏ em từ nhỏ đi làm xa mấy năm nay chưa về, em từ nhỏ đã ở với bà ngoại. Khi bà mất, em ở với các bác các cô và được vào trường nội trú. Niềm vui của em là thầy cô, bạn bè và những trang sách cùng nỗi nhớ mẹ da diết. Vẻ mặt đượm buồn, Phùng Mí Hoa kể, 3-4 năm nay em không được gặp mẹ, giờ mẹ ở đâu em cũng không biết. Em rất thích đi học vì đi học em sẽ có được bạn bè và học được nhiều điều hay.

Các thầy cô giáo ở trường Tiểu học - THCS nội trú Bum Tở rất quan tâm đến những em có hoàn cảnh đặc biệt như Phùng Mí Hoa nên em coi các thầy cô như thần tượng của mình và mong muốn cố gắng học tập để sau này trở thành giáo viên dạy dỗ chăm sóc những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn như mình.

Theo các thầy cô giáo trường nội trú Bum Tở, nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nên việc vận động các em đi học đã khó, việc duy trì sĩ số lớp học và dạy văn hóa cho các em cũng muôn vàn khó khăn.

Thầy giáo Trần Văn Trường, giáo viên lớp 5 A 2, quê ở tỉnh Vĩnh Phúc dạy học ở Bum Tở, Mường Tè, Lai Châu 12 năm cho biết nhiều em hoàn cảnh khó khăn, phải nghỉ học đi nương với bố mẹ. Tuy nhiên khó khăn ấy dần dần được cải thiện nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các đoàn thể, các em đi học chuyên cần hơn. "Các em rất đáng yêu thân thiện và nỗ lực học tập", thầy Trường nhận xét.

Thầy Trường cho biết, tuy ở vùng cao còn nhiều khó khăn nhưng nhờ được tập huấn chuyên môn thường xuyên nên việc dạy học theo chương trình GDPT mới 2018 không gặp khó khăn gì.

Cô Cao Thị Lan Anh, Tổng phụ trách đội trường Tiểu học-THCS dân tộc nội trú Bum Tở là người đã từng có thời gian dạy học ở miền xuôi trước khi lên miền núi Mường Tè đưa ra so sánh: “Trên này phụ huynh không quan tâm, con đi đâu mấy ngày không biết, khó khăn cho các thầy cô giáo khi vận động các em đi học phụ huynh không hợp tác. Bên cạnh đó do không được bố mẹ chăm sóc dạy dỗ nên khi đên trường từ ăn mặc, vệ sinh nề nếp các thầy cô phải dạy các cháu từ đầu.

Ông Vàng Xé Lòng - Phó Chủ tịch xã Bum Tở, huyện Mường Tè, Lai Châu cho biết dân trong xã chủ yếu là người dân tộc La Hủ sống bằng nghề làm nông nghiệp, điều kiện kinh tế eo hẹp. Tuy nhiên địa phương luôn phối hợp chặt chẽ với nhà trường vận động trẻ em đi học chuyên cần. Xã Bum Tở cùng nhận được sự quan tâm hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân đây chính là nguồn động viên khích lệ người dân cho con đi học.

Thầy giáo Đinh Ngọc Ninh – Hiệu trưởng trường tiểu học THCS Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết: Năm học 2023-2024 trường có 765 học sinh trong đó có 401 học sinh tiểu học và 364 học sinh THCS, 100% các em là người dân tộc La Hủ, cuộc sống có nhiều khó khăn. Chính vì vậy việc các đoàn thiện nguyện đến thăm tặng quà sẽ góp phần thiết thực ủng hộ, giúp đỡ các cháu có điều kiện tốt hơn học tập.

Nói về công tác chuyên môn, thầy Ninh cho biết việc triển khai chương trình GDPT mới với nhà trường cũng có nhiều khó khăn vì còn thiếu trang thiết bị như tivi, máy chiếu, máy tính bên cạnh đó trường còn thiếu giáo viên chuyên ngành Tiếng Anh, Tin học. Học sinh hiện thiếu sách giáo khoa, vở viết. Để việc giảng dạy được đảm bảo theo yêu cầu mới, các thầy cô giáo đều được tham gia các khóa tập huấn bồi dưỡng và thực hiện việc giảng dạy theo phương pháp mới như dạy theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh qua đó có những đánh giá phù hợp, thiết thực hơn ở đơn vị nhà trường.

Vượt lên khó khăn, các thầy cô giáo vùng cao luôn nỗ lực cố gắng vận động học sinh đến lớp, chăm lo cho các em cuộc sống tinh thần, vật chất và truyền thụ tri thức cho học trò. Bên cạnh đó, việc trau dồi chuyên môn nghiệp vụ cập nhật phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới là việc mà các thầy cô đặc biệt quan tâm.

Cô Nguyễn Thị Hương – Phó trưởng phòng giáo dục huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết: huyện Mường Tè có 36 đơn vị trường mầm non, TH, THCS với tổng cộng hơn 14 nghìn em học sinh thuôc các dân tộc thiểu số: Thái, Hà Nhì, La Hủ… đời sống của bà con nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp và học sinh chuyên cần 1 số thời điểm gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên các cấp chính quyền địa phương từ huyện đến xã cũng đồng hành vói các thầy cô giáo ở các đơn vị trường học tuyên truyền vận động các em học sinh ra lớp, các em học sinh đến trường cũng được các thầy cô quan tâm chăm lo từ đời sống vật chất tinh thần giúp các em đến trường. Các em đến trường được học tập vui chơi ăn ở đảm bảo từ đó nâng cao tỷ lệ chuyên cần cũng như nâng cao giá trị cho giáo dục huyện.

Để đảm bảo chất lượng giáo dục, phòng giáo dục đã triển khai các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn đầy đủ cho các thầy cô giáo ở các đơn vị trường cũng như chủ động công tác tham mưu bố trí nguồn lực cơ sở vật chất và SGK đảm bảo điều kiện tối thiểu cho các đơn vị trường trong công tác dạy và học cũng như trong điều kiện thiếu giáo viên.

Bên cạnh đó phòng giáo dục cũng triển khai dạy kết nối giữa các đơn vị trường, bố trí giáo viên cấp 2 hỗ trợ giáo viên tiểu học để đảm bảo cho các em học sinh được học đầy đủ phân môn. Riêng môn Tin học và môn Tiếng Ạnh được tổ chức hình thức dạy kết nối liên trường từ thị trấn cho đến điểm bản đều thực hiện dạy trực tuyến.

Năm nay nhân Tết đến, xuân về, thầy trò nhà trường được đoàn cán bộ giáo viên trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội đến thăm và tặng những phần quà thiết thực như máy giặt, ti vi, chăn ấm, áo ấm và bánh kẹo, gạo, sữa… thầy trò nhà trường rất vui. Cô giáo Lưu Thị Hồng Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội cho biết: Đây là truyền thống nhiều năm của thầy trò và phụ huynh nhà trường gửi tấm lòng đến với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nơi vùng cao, còn nhiều thiệt thòi so với các bạn học sinh miền xuôi với mong muốn các em vượt qua khó khăn trong cuộc sống, vượt lên trong học tập để mai này cống hiến cho quê hương đất nước.

Qua chuyến đi, những đồng nghiệp ở Hà Nội chứng kiến sự rất vất vả của các thầy cô giáo ở vùng cao không những dạy văn hóa cho học sinh mà còn chăm sóc học sinh từng ly từng tí như cha mẹ, những nỗ lực khi vận động học sinh đến trường. Điều này khiến các thầy cô giáo trường tiểu học Hoàng Diệu rất cảm động. Cô hiệu trưởng Lưu Thị Hồng Hạnh cho biết ngoài chương trình thăm tặng quà, 2 trường đang lên kế hoạch để học sinh 2 trường giao lưu với nhau qua các ứng dụng phần mềm, đặc biệt hỗ trợ dạy học.

Tết đã đến thật gần ở trường nội trú Bum Tở, Mường Tè. Những em nhỏ đã khoác trên mình tấm áo mới món quà của các thầy cô giáo và các bạn học sinh trường tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội gửi tặng, nhận những món quà là tập vở, cây bút, gói bánh và 1 số trang thiết bị phục vụ đời sống của các em nội trú… Hơn 20 hộ nghèo trong xã cũng đã nhận được quà là những tấm chăn ấm, túi quà Tết ... Trong hanh hao của đợt rét cuối năm, những cánh đào đã tưng bừng khoe sắc... Hơi ấm của mùa xuân đã về làm ửng hồng những gương mặt ngây thơ của các em… Chia tay đoàn thiện nguyện trong tâm trạng thật nhiều lưu luyến, Bum Tở ơi hẹn ngày trở lại thật gần!

Một số hình ảnh chuyến thiện nguyện :