Cụ Quỳnh có ba người em trai là Nguyễn Ngọc Giao, 98 tuổi, Nguyễn Ngọc Hoàn, 95 tuổi và Nguyễn Ngọc Can, 91 tuổi. Ba người anh từng là du kích trong kháng chiến chống Pháp, sau làm cán bộ tại một số địa phương, hiện tại sống cùng con cháu tại thôn Hoàng Trạch, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Riêng người em út đi bộ đội, xuất ngũ làm giảng viên tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nay sinh sống ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đại gia đình có hơn 300 con, cháu, chắt, sống và làm việc ở nhiều tỉnh, thành phố.

"Ai cũng khen hiếm có gia đình nào cả bốn anh em đều trên 90 tuổi mà vẫn minh mẫn, tự sinh hoạt, không phải dựa vào sự giúp đỡ của con cháu như chúng tôi", cụ Ngọc Giao nói.

Cụ Giao cho biết, điểm chung và có thể là bí quyết sống thọ của cả bốn anh em là luôn duy trì thái độ sống tích cực, ăn ngủ khoa học, tập luyện thể dục thường xuyên và không hút thuốc lá.

Như cụ Quỳnh, dù đã trong 100 tuổi hồi đầu năm nay nhưng vẫn rất minh mẫn, đọc viết và dịch thông thạo chữ Hán. Cụ cũng thường xuyên gặp các em để hỏi thăm sức khỏe, cùng nhau bình phẩm về những bài thơ mới viết. Theo cụ, đây là cách để rèn luyện trí nhớ tốt nhất.

Cũng duy trì thói quen giống anh trai, mỗi ngày cụ Ngọc Giao cố gắng đọc một cuốn sách và coi đó là nguồn sống quý giá. Ngoài ra cụ còn đam mê nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân gian và phật giáo. Các năm trước, khi còn có thể đi lại nhanh nhẹn, cụ thường một mình đến tìm hiểu lịch sử Việt Nam ở các di tích trên địa bàn Hưng Yên và các tỉnh lân cận.

Là thương binh hạng 1/4 thời kỳ chống Pháp, mang trên mình bốn vết thương nên cụ Giao rất quan tâm đến rèn luyện thể lực như duy trì thói quen đi bộ 1.000 bước quanh sân nhà buổi sáng và chiều mỗi ngày.

Cụ Giao ăn đủ ba bữa vào những khung giờ cố định như bữa sáng trước 8h, trưa trước 11h và tối trước 19h với cách thức "ăn rau trước, sau mới đến thức ăn và cơm". Theo cụ, cách ăn này hấp thụ tốt chất xơ, có tác dụng kiểm soát cân nặng, duy trì thể lực và nâng cao tuổi thọ.

Mỗi khi bị bệnh, cụ Giao cũng ít khi dùng thuốc tây nếu không có chỉ định của bác sỹ mà thường ra vườn hái các cây thuốc tự trồng như lá mơ lông, ổi, sả, gừng.

Không chỉ rèn luyện trí não và thể chất, người em thứ ba Nguyễn Ngọc Hoàn cho rằng điều quan trọng nhất là luôn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời, không thù ghét hay nói xấu ai. Các cụ đều khuyên nhau, tinh thần khỏe thì thể chất mới khỏe.

Ở tuổi 91, cụ út Nguyễn Ngọc Can vẫn còn đủ sức khỏe để tham gia nhiều hoạt động tại địa phương như hội người cao tuổi, hội hưu trí, chi bộ và câu lạc bộ thơ của các cựu giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Thời gian rảnh, cụ còn ra vườn cuốc đất trồng rau, cung cấp đủ thực phẩm cho gia đình mình cũng như các con ở xa.

Tháng 5 tới, cụ Can còn là đại biểu được mời dự lễ kỷ niệm 70 Chiến thắng Điện Biên Phủ vì từng tham gia chiến dịch này. "Dù đã hơn 90 tuổi nhưng tôi vẫn tự tin còn đủ sức khỏe để thực hiện mọi hoạt động trong lễ kỷ niệm. Bản thân tôi thấy hạnh phúc bởi tuổi đã cao vẫn còn đủ các anh để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đáng nhớ như vậy", cụ Can chia sẻ.

Trưởng thôn Hoàng Trạch, ông Nguyễn Ngọc Tuyển cho hay, cả bốn cụ Ngọc Quỳnh, Ngọc Giao, Ngọc Hoàn và Ngọc Can là trường hợp hiếm có trong thôn, thậm chí ở xã, bởi dù trên 90 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.

Theo ông Tuyển, tuổi đã cao nhưng các cụ vẫn nhiệt tình tham gia và ủng hộ nhiều hoạt động, phong trào của thôn. Như năm 2023, để giải phóng mặt bằng tuyến đường vành đai 4 chạy qua xã, các cụ đã tự nguyện di dời 108 ngôi mộ của dòng họ ngay khi được vận động.

Ông Nguyễn Ngọc Nhâm, 55 tuổi, người con thứ 8 của cụ Ngọc Giao chia sẻ niềm vui lớn nhất của đại gia đình là thấy bốn cụ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông cho hay tất cả con cháu trong đại gia đình đều được dạy dỗ theo truyền thống Nho giáo của dòng họ, lấy tri thức làm nền tảng đồng thời đề cao đạo đức làm người. Vì thế ngay từ còn nhỏ, họ đều được rèn luyện từ cách ăn nói, đi đứng, cho đến đối nhân xử thế.

Mỗi năm cứ đến dịp lễ Tết, đại gia đình bốn, năm thế hệ đều tụ họp về nhà thờ họ ở thôn Hoàng Trạch lễ bái tổ tiên cũng như chúc sức khỏe nhau. Dù nhà đông người nhưng cả bốn cụ đều không quên tên bất kỳ ai, con cháu nhà nào, thuộc đời thứ mấy. Điều duy nhất họ mong muốn nhưng chưa làm được là có được một bức ảnh đại gia đình gồm tất cả các thành viên vì nhiều người làm ăn ở xa.

"Các cụ đều mong một ngày sớm nhất sẽ có bức hình đầy đủ con cái, dâu rể, cháu, chắt, chút được thực hiện", anh Nhâm nói.

Nguồn: Vnexpress.net