Dẫn chương trình, chuyện người chuyện nghề

Lướt trên trang cá nhân của Nguyễn Việt Anh, còn gọi là MC Việt Anh và kể cả khi gặp ngoài đời người ta bắt gặp một hình ảnh hoàn hảo. Dáng cao, thanh nhã, gương mặt lịch lãm, nụ cười thường trực và đặc biệt giọng nói trầm ấm, ngắt nhịp chuẩn mực, MC Việt Anh khiến người đối diện cảm giác bị cuốn hút bởi thần thái. Và nếu bình thường, cũng ít ai nghĩ chàng MC này đã bước vào ngưỡng U40.

Câu chuyện làm nghề dẫn chương trình đến với Việt Anh theo một cách tình cờ. Năm 2010, khi làm bồi bàn ở một nhà hàng, Việt Anh đã tốt nghiệp ngành ngân hàng, đang loay hoay lựa chọn nghề nghiệp. Tuy nhiên, với chuyên ngành được đào tạo, ở thời điểm đó, chính anh cũng hoang mang, chưa có định hướng cụ thể và thậm chí như bản thân Việt Anh thừa nhận mình không có năng khiếu, không đam mê từ đầu.

Công việc dẫn chương trình đến với Việt Anh bắt đầu bằng các đám cưới tổ chức tại nhà hàng nơi anh làm bồi bàn. MC thời điểm ấy còn mới mẻ và dường như là sân riêng của những người làm công việc dẫn chương trình ở các đài truyền hình, chưa có các lớp đào tạo chuyên nghiệp. Việc học nghề dẫn chương trình khi đó theo kiểu cầm tay chỉ việc, người trước hướng dẫn người sau.

“Các anh đi trước chỉ dẫn rồi mình cứ vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Mình may mắn khi có một người anh hướng dẫn, truyền cho những kinh nghiệm làm nghề tự anh tích lũy được mà lại hoàn toàn miễn phí”, MC Việt Anh kể.

Bằng đam mê, tự phát hiện những khả năng bản thân qua các sự kiện được giao dẫn chương trình, Việt Anh dần định hình phong cách, có những đầu tư bài bản cho cả vẻ ngoài lẫn giọng nói và cả kiến thức để mỗi chương trình có được nét riêng cuốn hút. Cho đến 2014, Việt Anh chọn hẳn mảng MC sự kiện bất động sản cùng thời điểm bùng nổ các dự án chung cư, biệt thự. Công việc, thu nhập bởi lẽ đó tăng lên nhanh chóng và luôn mở rộng ở nhiều địa bàn, nhiều tỉnh thành khác nhau.

14 năm trong nghề, trải qua không biết bao nhiêu lần đứng dưới ánh đèn sân khấu lớn nhỏ, từ vài chục đến vài ngàn người, MC Việt Anh cho rằng đây là công việc thực sự phù hợp và cho anh nhiều trải nghiệm đặc biệt. Đặt giả sử trở thành nhân viên ngân hàng, anh khẳng định với năng lực cũng như mông lung ban đầu sẽ khó đạt được thành tựu như hôm nay. Niềm vui, nỗi buồn của nghề MC mỗi ngày bồi đắp thêm kinh nghiệm làm nghề.

“Niềm vui nỗi buồn đều nhiều. Chỉ có điều khi mình đứng trên sân khấu thì phía sau là cả một ekip, cả một sự chuẩn bị, lắp ráp công sức của cả tập thể. Mình làm sai hỏng sẽ vô cùng áy náy với công sức của mọi người”.

MC Đặng Thị Thanh sinh năm 1996 ngay trong những năm học đại học tham gia CLB MC của nhà trường. Từ một cuộc làm MC cho trung tâm tiếng Anh năm 2014 được xem như mở màn cho hành trình bước vào nghề. Nhưng phải đến gần 3 năm sau bạn mới chính thức trở lại với công việc dẫn chương trình bắt đầu bằng các chương trình mang tính từ thiện.

Có được cơ hội làm MC cho sự kiện lớn đầu tiên trong đời vào năm 2014, MC Đặng Thanh dồn sức cho việc đọc hiểu kịch bản để thả sức đưa đẩy các tình huống sân khấu. Và từ đây, bạn đã có 8 năm kinh nghiệm nghề MC chuyên nghiệp, có thể dẫn song ngữ, cộng tác viên cho nhiều chương trình của các đài truyền hình nhe VTV, VTC, Thông tấn xã.

Ánh đèn sáng rực, âm thanh đa sắc và những tràng pháo tay từ khách, đôi khi cả những giọt nước mắt xúc động của nhân vật…tất cả làm nên cảm hứng và duy trì đam mê nghề MC cho Thanh cũng như nhiều bạn trẻ khác. Nhưng cũng có những thử thách của nghề mà MC nào cũng có giai đoạn phải vượt qua.

“Đôi khi nghề MC bị cho rằng thiếu tính ổn định. Tôi cũng tự nghi vấn bản thân, kiểu như sau chương trình này có còn cơ hội nào cho mình không? Còn ai, đơn vị nào mời mình dẫn tiếp nữa không?”, MC Đặng Thanh bộc bạch.

Duyên nghề dẫn chương trình nằm ở sự tận tâm, thả mình trong từng sự kiện, cống hiến những giây phút thăng hoa cho cả khán phòng lại tiếp tục mở ra cơ hội việc làm cho những MC như Đặng Thanh, Việt Anh. Và để luôn giữ được phong độ trên sân khấu, các bạn cũng phải có những đầu tư cho nghề từ sắc đến giọng, điều chỉnh giọng nói, thần thái phù hợp từng sự kiện. Và dù trong bối cảnh nào, các MC đều phải nhớ mình là bộ mặt cho toàn bộ sự kiện, là khâu cuối cùng của toàn bộ ekip.

Dẫn chương trình, nghề cần cả sắc lẫn thanh.

Nhà báo Phạm Kim Phượng công tác tại kênh truyền hình Thông tấn xã đồng thời được mời dẫn cho nhiều sự kiện nổi bật từ gương mặt tươi tắn, vóc dáng thanh mảnh và khả năng dẫn uyển chuyển, duyên dáng, “sáng sân khấu” như cách nói của dân trong nghề. Dù thừa nhận vai trò của “sắc” trong nghề MC nhưng Kim Phượng cho rằng cần phải xếp thứ tự “nhất thanh, nhì sắc”. Giọng nói được đặt ở vị trí hàng đầu, ngoại hình trong nhiều trường hợp chưa hoàn hảo hoàn toàn có thể khắc phục bằng trang phục, trang điểm hoặc thậm chí có chút can thiệp của thẩm mỹ vốn đang phổ biến trong xã hội hiện đại.

Trước ý kiến băn khoăn về giới hạn độ tuổi cho những người chọn công việc dẫn chương trình, MC Kim Phượng khẳng định đây hoàn toàn không phải yếu tố đáng lo ngại. Một người dẫn có chương trình chín chắn, nhiều kinh nghiệm dẫn, duyên trong khâu nối, gắn kết nhân vật hoặc khách mời ngồi dưới cũng như truyền cảm hứng, lôi kéo sự tập trung của mọi người vào sự kiện quan mới là điều quan trọng thay vì “một bình hoa di động” trên sân khấu.

“Những MC như bác Lại Văn Sâm chẳng hạn. Mặc dù bác đã nghỉ hưu rồi nhưng với độ tuổi U70, bác vẫn ở vị trí dẫn trong rất nhiều các chương trình. Hay như nhà nghiên cứu, phê bình Phạm Xuân Nguyên thường xuyên dẫn cho nhiều chương trình, xuất hiện với hình ảnh râu tóc bạc phơ như ông tiên mà dẫn rất cuốn hút, dí dỏm. Điều mình muốn nhấn mạnh ở đây không phải ở tuổi tác mà độ đằm, độ dày của kiến thức người dẫn chương trình buộc phải có để làm nghề và phát triển nghề”, MC Kim Phượng phân tích.

Ngoài công việc báo chí, dẫn chương trình, Kim Phượng còn đảm nhiệm công tác giảng dạy kĩ năng dẫn chương trình ở nhiều nơi như Học viện báo chí, Học viện Phụ nữ Trung ương... Để đánh giá một bạn trẻ có khả năng trở thành người dẫn chương trình không, MC Kim Phượng cho rằng đầu tiên cần sự đam mê thực sự. Bởi lẽ khi nhìn vào công việc này, phần lớn sẽ cho rằng cực kì hào nhoáng, được diện những trang phục đẹp đẽ, bắt mắt, được xuất hiện trên truyền hình, thậm chí trở thành người của công chúng... Tuy nhiên để đi đường dài cần sự quyết liệt và đam mê.

Giọng nói được xem như yếu tố quan trọng hàng đầu. Nếu chưa tốt có thể sửa với quyết tâm cao như sửa phát âm địa phương, ngọng L-N, nhầm lẫn dấu... Tuy nhiên có những lỗi ngôn ngữ do tật, do cấu trúc cơ quan phát âm lại gây khó cho các bạn muốn thành MC chuyên nghiệp.

“Khi bạn đã cầm mic các sự kiện rồi thì cần quá trình bồi đắp kiến thức liên tục. Ví dụ được giao dẫn thể thao, chí ít bạn cũng đọc đúng tên cầu thủ, những từ ngữ sử dụng cho từng môn thể thao...Bản thân mình để linh hoạt cho nhiều sự kiện dẫn khác nhau buộc phải đọc sách, nâng cao hiểu biết không ngừng”, MC Kim Phượng chia sẻ.

Không ngừng học hỏi ở đây còn mở rộng ra việc quan sát, học hỏi các đồng nghiệp, các anh chị, cô chú có thâm niên trong nghề. Hoặc trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, các MC cần đầu tư học ngoại ngữ để trong nhiều sự kiện dẫn song ngữ. Đó trở thành những lợi thế đặc biệt khi giữa rất nhiều MC nổi bật, bạn được lựa chọn.

“Sau sự kiện này có ai, đơn vị nào mời dẫn chương trình tiếp không?” trở thành câu hỏi thường trực cho nhiều bạn chọn nghề MC. Kim Phượng khẳng định khi mình có kinh nghiệm, dẫn nhiều sự kiện và có được sự kinh hoạt, độ đằm và duyên dáng sẽ trở thành cơ hội để các công việc đến theo một cách tự nhiên.

Mời nghe bài viết tại đây: