Ngày 19/3, Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang thông tin vừa tiếp nhận cấp cứu cho bé L.N.M. (8 tuổi) nhập viện trong tình trạng bỏng nặng vùng mặt, ngực, hai bàn tay do máy tính xách tay phát nổ khi đang sử dụng.

Trước đó, ngày 8/3, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận em T.G.P. (13 tuổi, ở Hải Dương) trong tình trạng hôn mê, thở máy. Toàn bộ vùng đầu, mặt, cổ và một nửa ngực trên đầy vết thương do các mảnh vỡ của máy tính phát nổ khi đang học bài. Một tuần sau sự việc, nam sinh đã qua đời.

Năm 2020, 3 học sinh lớp 9 ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) khi đang học bài chung trên laptop thì máy đột nhiên phát nổ. Vụ tai nạn khiến một em bị bỏng mắt, một em bị dập nát bàn tay trái và một em bị bỏng mặt.

Laptop phát nổ dẫn đến những chấn thương nghiêm trọng, thậm chí là lấy đi tính mạng của người sử dụng. Thế nhưng thực tế, không ít người vì điều kiện kinh tế hoặc ham rẻ đã “săn” máy tính xách tay từ các chợ đồ cũ mà không tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất xứ của thiết bị, linh kiện.

Nguy cơ đến từ những laptop trôi nổi

Laptop của chị Phương Oanh ở Hà Nội vừa hỏng màn hình và loạn phím do con gái nghịch dại, ném từ cầu thang xuống đất. Chị Oanh đã lên các chợ đồ cũ trên mạng xã hội rao hỏi. Ngay lập tức, hàng loạt tin nhắn bán hàng gửi đến. Cuối cùng chị cũng đã chọn được một chiếc máy tính ưng ý để phục vụ công việc. Dẫu vậy, nguồn gốc xuất xứ của những linh kiện, thiết bị bên trong là điều chị không mấy để tâm.

“Thấy quảng cáo giá tốt, kiểm tra hàng thấy máy chạy ổn, bên ngoài còn mới, thì mình mua thôi chứ kiểm tra chất lượng pin như thế nào thì người bình thường như mình không có chuyên môn. Mua laptop cũ giúp mình tiết kiệm được 3-4 lần chi phí mua máy mới. Công việc của mình không cần máy quá "xịn”, chị Oanh nói.

“Chợ laptop cũ – giá sinh viên”, “Hội mua bán laptop cũ giá rẻ”... và còn rất nhiều những trang "rao vặt" khác giúp bạn dễ dàng săn tìm một chiếc máy tính xách tay. Anh Nguyễn Gia Ba ở Khoái Châu, Hưng Yên khẳng định nếu có kinh nghiệm, bạn hoàn toàn tìm được một “món hời”. Dẫu vậy, nếu mua phải những chiếc laptop cũ, linh kiện xuống cấp thì rất nguy hiểm cho người dùng. Bởi “những máy tính trôi nổi rất có thể đã được “đóng lại pin” dẫn tới pin không đảm bảo về dung lượng và chất lượng. Khi sạc xảy ra việc quá dòng sinh ra nổ, tạo phản ứng hóa học rất khó dập.

Nhiều nguyên nhân gây nổ laptop

Theo thầy Nguyễn Minh Đức, Phó trưởng Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Cao đẳng Nghề Bách Khoa Hà Nội, với những laptop cũ, thiết bị đã qua sử dụng có thể đã được thay thế bằng những linh kiện không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chức năng nguyên lý như ban đầu. Đây có thể là nguyên nhân gây nổ laptop.

Khi sử dụng, người dùng laptop nên để ý xem thiết bị của mình có nóng lên một cách bất thường, các vị trí lắp pin có hiện tượng phồng rộp, các nắp đậy pin có bị kênh lên hay không? Nếu có chứng tỏ pin có vấn đề. Khi sạc, cần cắm chắc chắn với phần kết nối, nếu lỏng lẻo có thể gây ra hiện tượng phóng điện. Đây cũng là một phần nguyên nhân gây ra cháy nổ.

Thực tế, việc sử dụng laptop sai cách không chỉ khiến giảm tuổi thọ của pin mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Thầy Nguyễn Minh Đức cho rằng, nhiều người có thói quen để laptop trên giường, gối. Điều này làm giảm khả năng tản nhiệt của thiết bị. Khi pin có một số dấu hiệu phồng rộp, người sử dụng không để ý dẫn đến một số sự cố đáng tiếc xảy ra.

Theo GS. Mai Thanh Tùng - ngành công nghệ Điện hóa – Trường Hóa và Khoa học sự sống – ĐH Bách Khoa Hà Nội, nổ ắc quy do bản chất hóa học của pin lithium. "Chúng ta nhiều lần chứng kiến nổ ắc quy lithium hiện nay phổ biến nhất là loại vật liệu NMC Coban, Mangan, Niken. Nổ có những nguyên nhân chính: do va chạm, do nhiệt và do dòng điện cao quá dẫn đến kích hoạt phản ứng nổ vật liệu trong pin đó".

Trong bộ ắc quy luôn có bộ phận ngăn chặn quá dòng. Đây là bộ phận điều khiển điện tử nên rất có khả năng bị hỏng do trục trặc, ẩm, các nguyên nhân khác nhau. Khi bộ phận bảo vệ này bị hỏng có thể dẫn đến quá dòng trong quá trình cắm sạc pin, gây nổ.

Máy tính phát nổ cũng có thể xuất phát từ việc pin bị va đập mạnh. Nguyên nhân nhiệt hiếm khi xảy ra nhưng không loại trừ nếu người dùng thiếu cẩn trọng, để máy tính gần bếp lò, để máy tính nóng không kiểm soát mà không kịp thời ngắt.

Lưu ý mua hàng chính hãng

Theo GS. Mai Thanh Tùng, tất cả những pin chính hãng lưu hành trên thị trường đã trải qua các bước thử nghiệm, bộ điện tử chắc chắn, đảm bảo dòng ổn định. Đồng thời pin được thiết kế để không bị nóng, thoát được nhiệt, có bộ phận khung hộp bọc pin để khi va chạm dù mạnh đến mấy cũng không bị vỡ, không tổn hại bên trong, gây cháy nổ. Do đó, GS. Mai Thanh Tùng lưu ý người dùng phải mua được pin chính hãng.

GS. Mai Thanh Tùng cho rằng đồ cũ trôi nổi giá rẻ nhưng không được kiểm định rất dễ bị bên thứ 3 phục hồi ắc quy hoặc làm những ắc quy không đảm bảo chất lượng, không được kiểm định. Với những ắc quy trôi nổi này, rất cần cơ quan quản lý vào cuộc rà soát, cấm lưu hành, còn người mua thì khó có thể phân biệt thật giả.

GS. Tùng lưu ý để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc người dùng nên chọn hàng chính hãng, tránh va đập, tránh để chỗ nóng.

Nghe chương trình tại đây: