Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển thị trường carbon theo hướng năng động, chất lượng và hiệu quả. Theo lộ trình, thị trường carbon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028, mở ra triển vọng khả quan về giảm phát thải carbon. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội đối với doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện mục tiêu này của Chính phủ như phân tích của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Theo đó, việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững sẽ đạt được mục tiêu khi có sự nỗ lực, chung tay của cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

Các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc thực hiện cam kết của Chính phủ nên cần xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nội bộ. Đồng thời, để chuẩn bị tham gia thị trường carbon, doanh nghiệp cần hợp tác với các cơ quan thực thi nhằm xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm phát thải hoặc xây dựng tiêu chuẩn phát thải đối với sản phẩm kinh doanh của mình. Để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn chuyển đổi, theo bà Đinh Nguyễn Thị Hường, giám đốc Ban Truyền thông doanh nghiệp Tổng Công ty Bia - Rượu – Nước Giải khát Sài Gòn, mỗi doanh nghiệp sẽ có một cách thức riêng hiệu quả trong việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Bên cạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn về giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, doanh nghiệp luôn thực hiện sản xuất xanh và bảo vệ môi trường.

Trong mục tiêu chung hướng đến phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050, Việt Nam đang thực hiện xây dựng thị trường tín chỉ carbon. Theo dự kiến, chúng ta sẽ thí điểm thị trường tín chỉ từ năm 2025, hoàn thiện khung pháp lý vào năm 2027 và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028. Những cam kết này cho thấy Việt Nam đang nỗ lực thực hiện việc phát triển ít phát thải trong tiến trình xanh hóa, giảm phát thải của thế giới. Để thực hiện được cam kết này hiệu quả cần có sự chung tay của các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Việc phát triển thị trường carbon tại Việt Nam sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp. Thông qua đó sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu như chia sẻ của bà Đoàn Vũ Uyên Duyên, Phó tổng giám đốc công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa. Bà Duyên cho biết, trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đã áp dụng các tiêu chuẩn xanh trong quá trình chuyển đổi số để bảo vệ môi trường.

Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chiến lược quan trọng về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, trong đó có lộ trình phát triển công cụ định giá carbon, nhất là thị trường carbon tuân thủ. Ông Vũ Minh Lý, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường cho biết, với nỗ lực của các doanh nghiệp cùng với các cơ quan chức năng, việc giảm phát thải khí nhà kính sẽ đạt như kỳ vọng vào năm 2050.

Trong thời gian tới, Việt Nam dự kiến đẩy nhanh xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Các cơ qua chức năng đang xây dựng hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế và thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025./.

Nghe bài viết tại đây: