Biến đổi khí hậu đã và đang là thách thức toàn cầu lớn nhất, với những ảnh hưởng ngày càng rõ rệt tới kinh tế và đời sống các quốc gia.

Việt Nam là một trong những quốc gia dễ tổn thương nhất do nước biển dâng và thiên tai cực đoan. Tại Hội nghị COP26 năm 2021, Việt Nam đã cam kết đạt Net Zero vào năm 2050.

Tuy nhiên, hiện thực hóa cam kết này đòi hỏi sự chuyển đổi đồng bộ trong các ngành phát thải lớn như năng lượng, giao thông, công nghiệp, nông nghiệp và sử dụng đất. Trong đó, cơ chế định giá và giao dịch khí nhà kính, hay còn gọi là thị trường carbon, ngày càng được nhìn nhận như một công cụ then chốt để huy động nguồn lực, tạo động lực thị trường và phân bổ hiệu quả chi phí giảm phát thải.

Sáng ngày 18/7, Diễn đàn Net Zero sự kiện thường niên do Viện Tư vấn phát triển (CODE) phối hợp với Tạp chí điện tử Nhà Quản Trị (TheLEADER) tổ chức.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE) nhấn mạnh: “Net Zero là một trong những cam kết lớn nhất mà nhân loại từng thực hiện. Cho đến nay, chưa từng có một cam kết nào mang tầm vóc vĩ đại như vậy, với sự tham gia của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, tôi tin rằng đây chưa phải là cam kết cuối cùng trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu của loài người. Chúng ta có quyền hy vọng rằng trong tương lai, sẽ còn nhiều hành động mạnh mẽ hơn từ cộng đồng quốc tế để cứu lấy hành tinh này”.

Tại Việt Nam, hành lang pháp lý cho thị trường carbon đã dần hình thành qua các văn bản như Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Nghị định 119/2025/NĐ-CP quy định vận hành thị trường carbon và hiện nay là dự thảo nghị định về sàn giao dịch carbon quốc gia.

Theo lộ trình của Chính phủ, thị trường carbon nội địa sẽ được vận hành thử nghiệm từ nay đến năm 2028 và đi vào chính thức từ năm 2029, đồng thời kết nối với các cơ chế quốc tế theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.

Theo TS. Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), việc phát triển thị trường carbon là lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi hệ thống pháp lý đồng bộ, cơ sở dữ liệu thống nhất, quy trình giám sát và đăng ký minh bạch, cũng như năng lực thực hiện ở cả trung ương và địa phương.

Trên thực tế, bài toán lớn nhất hiện nay không chỉ nằm ở chính sách mà còn ở năng lực hấp thụ, vận hành, thương mại hóa tín chỉ carbon. Nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong xây dựng kịch bản giảm phát thải, chưa nắm rõ quy trình đo đếm, xác nhận tín chỉ. Trong khi cộng đồng địa phương lại thiếu nguồn lực để tham gia các cơ chế carbon tự nguyện quốc tế.

Tại diễn đàn, bà Betty Palard – Phó Chủ tịch Ủy ban Tăng trưởng xanh (EuroCham) đã chỉ ra một nghịch lý: “Tại sao tín chỉ carbon của một cây thông ở Pháp lại có giá 90 đô la trong khi ở Việt Nam chỉ là 5 đô la? Cây vẫn là cây, carbon vẫn là carbon. Ở đây có rất nhiều câu hỏi cần cân nhắc kỹ khi bắt đầu tham gia vào việc đăng ký và thiết kế các dự án tín chỉ carbon và khả năng hấp thụ”.

Bà cũng khuyến nghị Việt Nam cần tập trung xây dựng tín chỉ chất lượng cao, đồng thời giữ lại một phần để phục vụ xuất khẩu chiến lược, thay vì bán ồ ạt ra thị trường quốc tế với mức giá thấp.

Trong khuôn khổ sự kiện, Ban tổ chức đã trao biểu trưng “Hành trình Net Zero tiêu biểu 2025” cho các sáng kiến xuất sắc trong lĩnh vực giảm phát thải và trung hòa carbon. Đồng thời ra mắt ấn phẩm nghiên cứu thực chứng trữ lượng carbon trong sinh khối rừng nhiệt đới Bắc Trung Bộ đã đóng góp quan trọng cho việc thiết lập cơ sở dữ liệu và phương pháp định giá tín chỉ carbon từ rừng.