Các địa phương tiến hành chấm thi tốt nghiệp

Hôm qua (30/6), Quảng Trị đã tiến hành họp và triển khai 2 hội đồng chấm thi tự luận và trắc nghiệm. Kỳ thi năm nay được tổ chức cho hai nhóm thí sinh theo chương trình mới và cũ nên bộ phận chấm thi cũng được chia thành 2 nhóm. Trong đó, ban chấm thi theo chương trình 2018 có 160 người. Ban chấm thi theo chương trình 2006 có 50 người.

Bà Lê Thị Hương, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị cho biết, dù diễn ra trong bối cảnh thực hiện sáp nhập tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị song công tác chấm thi vẫn giữ ổn định trên tinh thần 4 tại chỗ.

Bên cạnh đoàn thanh tra độc lập của tỉnh còn có đoàn kiểm tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT tham gia kiểm tra, giám sát khâu chấm thi. Công tác phối hợp được quán triệt chặt chẽ, theo nhiệm vụ phân công để không ảnh hưởng tiến độ, đảm bảo nghiêm túc, đúng quy chế.

Bà Hương cho biết, do số lượng bài thi của Quảng Trị không nhiều như các địa phương khác nên dự kiến ngày 7-8/7 tỉnh sẽ hoàn thành công tác chấm thi.

Ngay sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT, sáng ngày 28/6, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũ đã tiến hành làm phách. Đến chiều 30/6, hội đồng chấm đã có cuộc họp với ủy quyền thanh tra của Bộ GD-ĐT tiến hành quán triệt công tác chấm thi. Trước đó, các bài làm ở điểm thi Côn Đảo cũng đã được vận chuyển bằng đường hàng không dân dụng để kịp về địa điểm chấm.

Bà Trần Thị Ngọc Châu, giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa Vũng Tàu cũ cho biết, ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, địa phương đã trang bị các phần mềm chấm thi trắc nghiệm để phù hợp với các dạng định dạng mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc chuẩn bị nhân sự, bộ phận giám sát, lưu trữ cũng đã có sự chuẩn bị sẵn sàng nên việc triển khai chấm thi diễn ra thuận lợi.

Với các bài thi theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bà Rịa Vũng Tàu điều động 120 cán bộ chấm thi tự luận. Nhân sự chấm trắc nghiệm khoảng 40 người. Năm nay số thí sinh trên địa bàn Bà Rịa Vũng Tàu tăng 2000 em nên số lượng bài thi nhiều hơn.

Ngoài ra, đây là năm đầu tiên thi theo chương trình 2018 với nhiều điểm mới, đặc biệt với đề thi môn văn nên hội đồng chấm thi đã quán triệt những nguyên tắc để đảm bảo việc chấm thi đồng đều, tránh tình trạng chấm lỏng, chấm chặt.

“Sở GD-ĐT quán triệt cán bộ chấm thi bám sát hướng dẫn chấm của Bộ GD-ĐT. Chúng tôi sẽ cho chấm chung rồi thống nhất đáp án trên hướng dẫn của Bộ. Những điểm đã có hướng dẫn thống nhất phải thực hiện đúng quy định, không được mở, không được nới. Tuy nhiên không được làm mất đi kiến thức mà học sinh đã thể hiện”.

Bà Châu khẳng định với một đề thi văn mở theo chương trình giáo dục 2018, các chấm tổ phải phải thống nhất trên mặt bằng chung. Các tổ sẽ thực hiện chấm chung và chốt lại các barem chung của hội đồng TP Hồ Chí Minh.

Chấm thi tốt nghiệp trong bối cảnh sáp nhập và thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là diễn ra ngay trước thời điểm hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động từ ngày 1/7. Việc coi thi được thực hiện với chính quyền địa phương 3 cấp nhưng chấm thi, công bố kết quả thi với chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, tại những địa phương tiến hành sáp nhập, ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp sẽ được kiện toàn. Các địa phương trước ngày 1/7 gồm Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, TPHCM sẽ tiến hành kiện toàn ban chỉ đạo thi tốt nghiệp TPHCM. Trong khi đó, địa điểm chấm thi và các ban chấm vẫn giữ ổn định.

Với quy định này, ông Nguyễn Phú Sơn – Giám đốc sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cũ khẳng định, việc chấm thi không ảnh hưởng do sáp nhập 3 tỉnh: Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ.

Do các tỉnh cũ đã chủ động theo kế hoạch kỳ thi. Tới đây, tỉnh Phú Thọ chỉ thay đổi kiện toàn ban chỉ đạo kỳ thi. Các ban chấm, ban phúc khảo, ban phách vẫn giữ nguyên để thực hiện đúng tiến độ. Chế độ chính sách vẫn thực hiện theo từng địa phương, từng ban như dự toán theo đúng hướng dẫn 299 của Bộ GD-ĐT.

Trước đó, 3 sở GD-ĐT cũng đã thống nhất việc này. Các điểm chấm như trước, chỉ thay đổi ban chỉ đạo chung. Một tỉnh có nhiều ban chấm, trưởng ban chấm Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ vẫn giữ nguyên.

Diễn ra đúng thời điểm hợp nhất 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, ông Đinh Văn Khâm, phó giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình khẳng định, công tác chấm thi đảm bảo nghiêm túc, đúng tiến độ.

“Ninh Bình đã sẵn sàng kiện toàn ban chỉ đạo thi, hội đồng thi từ 1/7 đảm bảo theo tinh thần 1 hội đồng thi nhưng nhiều ban chấm thi, ban phách đảm bảo 4 tại chỗ. Do vậy, phụ huynh yên tâm, công tác chấm thi đảm bảo khách quan, nghiêm túc trong bối cảnh sáp nhập tỉnh”, ông Khâm nói.

Liên quan đến công tác chấm thi, ông Huỳnh Văn Chương, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT khẳng định, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn cụ thể. Trong đó nêu ra những vấn đề cần ưu tiên, điều chỉnh ban chấm thi.

Tuy nhiên, chỉ những người điều hành cấp cao mới có điều chỉnh. Còn cán bộ chấm thi, giáo viên ở địa phương vẫn vậy. Do đó, công tác chấm thi không thay đổi ở cấp chuyển môn.

Trong thời điểm chuyển giao từ chính quyền 3 cấp sang 2 cấp, có những lo ngại về tình trạng “tháo khoán, buông lỏng” trong quá trình chấm thi. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, Bộ đã lường trước và Thủ tướng cũng đã chỉ đạo: 3 đảm bảo, 6 rõ nội dung triển khai.

“Chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo sâu, tinh thần như đề Ngữ văn năm nay: “học sinh nào, ở tỉnh nào cũng là học sinh của đất nước Việt Nam. Vì học sinh chúng ta làm công khai, minh bạch, đúng quy chế”, ông Thưởng khẳng định.

Theo quy định của hội đồng chấm thi các tỉnh, thành phố, công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm nay bắt đầu từ ngày 5 - 13.7. Đúng 8 giờ ngày 16.7, các hội đồng thi công bố kết quả thi./.