Trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2023 tại Đại học Bách Khoa Hà Nội ngày 19/3 vừa qua, một phụ huynh có 3 con đang học phổ thông nêu câu hỏi với Ban tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp “Những kiến thức Toán học như tích phân, đạo hàm, phương trình lượng giác... có thể áp dụng vào công việc thực tế hay không?”

Câu hỏi một lần nữa khơi lại cuộc tranh luận từng xuất hiện trên nhiều diễn đàn về câu chuyện “Học Toán để làm gì? Có cần thiết phải đưa vào chương trình những kiến thức khó như tích phân, đạo hàm, lượng giác?”

Có phải học sinh sợ Toán?

Trả lời băn khoăn của vị phụ huynh, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, nhà trường vẫn duy trì học Toán giải tích, đại số, Vật lý đại cương vào hàng nặng nhất Việt Nam nhưng xét về bình diện quốc tế vẫn "thua xa" các trường ĐH kỹ thuật của Cộng hòa Liên bang Đức và của Pháp.

"Bản thân tôi làm việc trong chuyên ngành cơ điện tử, điều khiển robot và hệ thống cơ học thì Toán dùng hằng ngày", PGS.TS Nguyễn Phong Điền khẳng định. "Nếu không trải qua các phần giải toán tích phân, phương trình vi phân thì khó đạt cấp độ cao về mặt tư duy nói chung trong các lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực nghiên cứu phát triển như ĐH Bách khoa Hà Nội, bởi vì tất cả mô hình hóa và các hệ thống kỹ thuật bây giờ đều mô tả dưới dạng các phương trình vi phân".

"Đối với giới nguyên cứu chuyên sâu, công bố quốc tế và có những giải pháp mang tính phát minh thì Toán học và Vật lý học là những thứ nền tảng".

"Trước giờ chúng ta nói ở Việt Nam học Toán rất nặng nhưng chúng tôi sang Đức, Pháp học thì thấy Toán của mình còn cách quá xa so với nước họ", PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết, bản thân ông học ngành Hàng không vũ trụ và phải sử dụng Toán để giải quyết nhiều vấn đề.

Tuy nhiên, PGS.TS Khánh cho rằng, không phải ai cũng cần học Toán nặng. Bởi vậy trong chương trình ĐH, toán cao cấp được dạy cho những khối ngành khác nhau phù hợp nhu cầu cho từng ngành một.

Nhiều người đặt vấn đề học lượng giác, tích phân để làm gì khi sau này chúng ta có thể quên hết? Dẫn câu nói của nhà vật lý nổi tiếng Albert Einstein “Giáo dục là những gì còn lại khi người ta đã quên hết mọi điều được học ở nhà trường”, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên của Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng việc quên những kiến thức đã học ở phổ thông là quá trình tự nhiên, theo cơ chế của não bộ. Việc học kiến thức 1-2 tuần đã quên là chuyện bình thường chứ chưa cần nói đến nhiều năm trời.

Tuy nhiên, theo thầy Ngọc, mọi vấn đề chúng ta gặp phải cuộc sống là các bài toán. Vấn đề là chúng ta phải biết mô hình hóa và sử dụng những công cụ đã được học để giải quyết.

Ví dụ, công việc của bác sĩ không phải là giải phương trình lượng giác hay tính tích phân nhưng việc bác sĩ đọc kết quả xét nghiệm của bệnh nhân, từ biểu hiện triệu chứng, hỏi bệnh nhân để đưa kết luận họ mắc bệnh gì và sử dụng liệu pháp điều trị nào chính là quá trình giải 1 bài toán.

Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, hiện nay văn hóa của không chỉ người Việt Nam mà rộng hơn người Á Đông đang nặng tâm lý ứng thí, học để thi, thi gì học nấy. Hạn chế lớn trong đề thi của nhiều cấp học là cách ra đề còn xưa cũ, chưa phát huy năng lực thực sự của HS trong việc ứng dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề có tính thực tiễn. Đề thi vẫn nặng về tính toán, biến đổi - là những kỹ năng sau này các em có thể không dùng đến và khó cảm nhận được mối liên hệ giữa điều được học và điều gặp phải trong đời sống.

Trên thực tế, hiện nhiều ngành kỹ thuật học nặng về Toán dường như “thất thế” trước nhiều ngành đào tạo không cần học Toán. Phải chăng do học Toán và các môn tự nhiên khó, nhiều kiến thức không ứng dụng được vào công việc là hạn chế khiến thí sinh e ngại học Toán, học kỹ thuật?

Giải đáp băn khoăn này, thầy Vũ Khắc Ngọc khẳng định, học sinh không sợ học Toán. Biểu hiện là khi đặt vấn đề cho con đi học thêm, bố mẹ lúc nào cũng nghĩ đến việc tìm lớp cho con học Toán trước, sau đó mới nghĩ đến việc học các môn khác.

Trước thực tế ngành kỹ thuật đang “thất thế” so với các ngành đào tạo về kinh tế, xã hội, theo thầy Ngọc vấn đề không nằm ở môn Toán mà là các môn tự nhiên. “Bởi thí sinh thi vào khối ngành kinh tế hầu hết cũng xét tuyển có môn Toán và bình đẳng như với các bạn thi kỹ thuật”.

“Cách đây vài tháng có cuộc tranh luận trong phụ huynh, học sinh ở Hà Nội là có nên thi môn thứ 4 không? Chính vì trong 20 năm qua ở Hà Nội và nhiều địa phương khác có sự phân biệt môn chính - môn phụ nên khi thi lớp 9 lên 10, các con chỉ học Toán, Văn, Tiếng Anh. Tình trạng này khiến kiến thức các môn tự nhiên của các con bị “mù” hoàn toàn nên khi học các kiến thức có tính chất học thuật, hàn lâm nặng hơn trên cấp THPT, các con không theo được”, theo thầy Ngọc đây mới là một trong những nguyên nhân khiến nhiều thí sinh e ngại lựa chọn các ngành kỹ thuật xét tuyển bằng các môn tự nhiên.

Ngành kỹ thuật “thất thế” – nguy cơ cho nguồn nhân lực Công nghiệp hóa

Năm 2022, điểm chuẩn nhiều ngành của Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải ở mức 16-16,95. Tại Trường ĐH Giao thông vận tải, các ngành đào tạo kỹ thuật, vốn là truyền thống của nhà trường điểm trúng tuyển đều ở khoảng 16-17 điểm. Trường ĐH Xây dựng Hà Nội có 29 ngành thì 15 ngành lấy điểm chuẩn là 16. Tại Trường ĐH Mỏ - Địa chất, chỉ 8/42 ngành có điểm trúng tuyển trên 20 (trong đó một nửa liên quan ngành công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo), rất nhiều ngành kỹ thuật lấy mức 15-16 điểm.

PGS.TS Nguyễn Việt Hà, Trưởng phòng truyền thông, Trường ĐH Mỏ - Địa chất cho biết, một số ngành đào tạo đất nước đang cần nhân lực để phát triển nhưng người học ít quan tâm. Chẳng hạn, ngành Tuyển khoáng của nhà trường năm ngoái có chỉ tiêu 30 nhưng chỉ tuyển được khoảng 10 em, ngành Địa vật lý 3-4 năm gần đây chỉ tuyển được 5 chỉ tiêu/khóa.

Đang tồn tại một nghịch lý là trong khi sinh viên e ngại theo học thì các kỹ thuật hiện đang rất “khát nhân” lực. Ông Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang cho biết, khảo sát nhân lực giai đoạn 2020 - 2025 của Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP.HCM, nhóm này cần đến 35% nhu cầu nhân lực xã hội. Tuy nhiên, sinh viên theo học các ngành này rất ít, đặc biệt thấp so với nhóm ngành kinh tế.

GS. Nguyễn Hữu Đức – Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, nhiều trường ĐH kỹ thuật của ta có chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp. “Khi chúng ta thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa mà đầu vào của kỹ sư 15-16 điểm là một nguy cơ.

Tồn tại một thực tế là những trường ĐH chuyên đào tạo KHKT nhưng chính ngành đào tạo truyền thống của nhà trường có điểm đầu vào rất thấp, trong khi chỉ cần mở mới các ngành khối kinh tế, CNTT thì điểm cao hơn hẳn.

Thầy Vũ Khắc Ngọc nêu ví dụ, điểm chuẩn ngành đóng tàu và thiết kế công trình ngoài khơi – vốn là ngành truyền thống của Trường ĐH Hàng hải chỉ có 14-15 điểm thì không thể nào có kỹ sư ra trường có chất lượng cao được bởi phải “có bột mới gột nên hồ”.

“Tôi nghĩ trong tiến trình phát triển của Việt Nam, tất yếu chúng ta phải chuyển sang Công nghiệp hóa- Hiện đại hóa và sản xuất các sản phẩm công nghệ có hàm lượng chất xám cao hơn thì mới đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Trước đây sự phát triển của chúng ta là dựa vào sức lao động phổ thông trong những ngành thâm dụng lao động như gia công dệt may, da giày. Nhưng trong tương lai, với sự phát triển của đất nước, sự gia tăng về thu nhập của người lao động, cũng như sự tiến bộ khoa học công nghệ, chúng ta không thể dựa vào việc gia công đó mãi”, thầy Ngọc khẳng định.

Việc chuyển dịch sang các ngành khoa học kỹ thuật là tất yếu nhưng với chất lượng tuyển sinh đầu vào ngành kỹ thuật như hiện nay là điều rất đáng lo.

Ngành kỹ thuật lấy lại vị thế bằng cách nào?

Lấy lại vị thế cho các ngành đào tạo kỹ thuật là bài toán khó không chỉ của riêng Việt Nam. Ở các nước càng phát triển thì người học càng có xu hướng quay lưng với các ngành khoa học kỹ thuật. Vì nhu cầu của các bạn trẻ là theo học ngành có quá trình đào tạo nhẹ nhàng, ra làm việc nhẹ, lương cao ở các khu đô thị sầm uất, làm việc trong khu vực dịch vụ.

Thêm nữa, mặc dù nhu cầu lao động khối kỹ thuật lớn nhưng thù lao, mức đãi ngộ hiện còn chưa tương xứng.

Thầy Vũ Khắc Ngọc phân tích, đây sẽ là vòng luẩn quẩn bởi vì dù chúng ta đang có nhu cầu lớn về nhân lực trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật nhưng trình độ lao động kỹ thuật không cao, thành ra chúng ta mới chỉ làm những công việc giản đơn trong sản xuất kỹ thuật chứ chưa tiến tới được những nấc thang cao như làm việc cho các trung tâm R&D (Nghiên cứu – Phát triển) của các tập đoàn lớn. Cần có giải pháp để tạo nguồn kỹ sư chất lượng cao làm việc trong môi trường như vậy mới có thu nhập cao được.

Giải bài toán nhân lực ngành kỹ thuật theo thầy Vũ Khắc Ngọc cần quyết tâm chính trị ở tầm vĩ mô.

“Có thể xây dựng các cơ chế ưu đãi cho sinh viên học các ngành kỹ thuật tương tự với ngành sư phạm. Bên cạnh đó, bản thân các trường ĐH đào tạo khối ngành kỹ thuật cũng phải tăng cường việc kết nối với doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ đang có mặt tại Việt Nam để làm sao chương trình đào tạo sinh viên trong trường gắn liền với nhu cầu của doanh nghiệp. Điều đó sẽ giúp chúng ta vừa có chương trình học thực tiễn vừa kết nối đầu ra để sinh viên yên tâm theo học các ngành kỹ thuật”./.

Nghe chương trình tại đây: