Duyên nợ với con chữ

Ông luôn khiến cho người đối diện có cảm giác bình yên và thân thuộc, bởi tấm lòng cởi mở và sự hồn hậu. Ông là nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư. Dù tuổi đời đã vượt ngưỡng hơn một thế kỷ, ký giả Nguyễn Đình Tư vẫn lao động miệt mài mỗi ngày 10 tiếng đều đặn. Không chỉ giỏi về ngôn ngữ, ông còn sở hữu một trí nhớ hiếm ai sánh kịp. Những câu chuyện của gần trăm năm về trước, mọi thăng trầm của cuộc đời, ông đều nhớ rõ như mới ngày hôm qua.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920 tại xã Thanh Nghi (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) trong một gia đình nông dân nghèo. Thuở nhỏ, cậu bé Nguyễn Đình Tư được cha mẹ cho đi học chữ Quốc ngữ tại trường làng, cậu học giỏi, trong trường không ai sánh kịp, luôn đứng ở vị trí số 1 của lớp. Giai đoạn trước năm 1945, đất nước còn đang bị giặc Pháp chiếm đóng, ý thức được điều đó, Nguyễn Đình Tư đã tập trung học thật giỏi tiếng Pháp để có thể dùng chính ngôn ngữ Pháp viết về xã hội và con người Việt Nam. Đang say mê học thì gia đình không còn tiền để chu cấp nữa, cậu bé Tư buộc phải nghỉ. Các thầy cô giáo không đành lòng nhìn cậu học trò giỏi phải rời xa con chữ vì nghèo nên đã cùng nhau quyên góp tiền để cho Nguyễn Đình Tư tiếp tục theo học hết chương trình đệ tam (tương đương cấp 3 bây giờ).

Học giỏi để làm gì? Đó là câu hỏi khiến chàng thanh niên Nguyễn Đình Tư luôn đau đáu, trăn trở. Với những gì đã được học, cùng vốn kiến thức thu nạp được từ sách vở, Nguyễn Đình Tư đã cầm bút viết truyện ngắn mang tên “Nguyễn Xí”, một vị tướng tài ba dưới trướng Bình Định vương Lê Lợi. Ông gửi tác phẩm cho nhà xuất bản Tân Dân ở Hà Nội và cũng không mong cầu sẽ được đăng, vì bản thân chỉ là cậu thanh niên miền quê nghèo, năng lực có hạn. Một tháng sau, Nguyễn Đình Tư ra tiệm sách ở gần nhà thì phát hiện tác phẩm của mình đang treo trên kệ bán. Ông quá đỗi vui sướng. Từ đó, động lực thôi thúc Nguyễn Đình Tư viết tiếp các tác phẩm: “Dì ghẻ con chồng”, “Thù chồng nợ nước”, “Nguồn sống được trình làng”, gây được tiếng vang trong văn đàn.

Phát hiện ra tài năng văn chương của chàng thanh niên chỉ vừa bước qua tuổi 22, Nhà xuất bản Văn Hồng đã gửi thư đề nghị Nguyễn Đình Tư tham gia viết. Ông hăng hái chắp bút và nhanh chóng cho ra đời truyện cổ tích “Vàng trong miệng đá”.

Những năm tháng sau đó, Nguyễn Đình Tư gác bút nghiên lên đường tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau Hiệp định Genève năm 1954, Nguyễn Đình Tư chuyển ra Hà Nội để phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh lịch sử khó khăn của đất nước, ông đã đưa cả gia đình rời Thủ đô, vào miền Nam. Là người có chữ nghĩa nên Nguyễn Đình Tư sớm xin được việc làm để nuôi vợ con. Tuy nhiên, công việc của ông phải ra tận Phú Yên công tác. Trong thời gian này, ông nhớ đến nghề viết lách của mình nên nảy ý tưởng sẽ viết về địa phương chí. Thêm nữa, ông thấy môn lịch sử và địa lý còn rất khô khan, dễ gây nhàm chán cho người học nên đã mạnh dạn “văn nghệ hóa” các chủ đề này. Bộ sách “Non nước Phú Yên” ra đời đã lồng ghép được văn nghệ vào trong nội dung một cách hài hòa, uyển chuyển.

Ông Tư nhớ lại: “Khi mô tả về cây cầu, tôi trích dẫn một số bài thơ vịnh về cây cầu đó, với con đường, dòng sông, bến nước cũng đều như vậy. Tôi đã gửi bản thảo cho nhà văn, học giả, dịch giả nổi tiếng ở Sài Gòn là Nguyễn Hiến Lê xem để cho ý kiến, một tháng sau tôi nhận được phản hồi rất tốt của nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê”.

Sách được in ra, nhiều nhà phê bình xuất sắc thời bấy giờ, trong đó có nhà văn Sơn Nam đều nhận định và đánh giá tác phẩm của Nguyễn Đình Tư viết một cách khách quan, đứng trên lập trường dân tộc để nói về đồng bào và Tổ quốc của mình. Trở thành ký giả địa lý, lịch sử nổi tiếng, Nguyễn Đình Tư như bị cuốn vào niềm đam mê văn chương, chữ nghĩa. Ông tiếp tục cho ra đời các tác phẩm “Non nước Khánh Hòa”, “Non nước Ninh Thuận”, “Non nước Quảng Trị”, được sự đón nhận rộng khắp của tầng lớp trí thức và nhân dân trong mọi miền đất nước.

Vừa sửa xe vừa sáng tác

Tháng 5/1975, đất nước giải phóng, Nguyễn Đình Tư quay trở về Sài Gòn. Lúc này, tuổi đời của ông đã ngoài 50, ông phải nghỉ hưu. Bao nhiêu năm sống và nuôi vợ con bằng đồng lương ít ỏi, nay không còn việc làm nữa, cuộc sống của gia đình ông trở nên khó khăn. Trước sự thúc bách ấy, Nguyễn Đình Tư đã ra cổng xe lửa số 7 trên đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) làm nghề sửa xe. Những lúc không có khách, ông tranh thủ viết cuốn “Loạn 12 sứ quân”. Viết xong phần nào ông đưa cho khách ngồi chờ sửa xe đọc phần đó và đa phần khách đều khen hay, động viên ông nên đưa đi xuất bản. Sau này, bộ “Loạn 12 sứ quân” được NXB Đồng Nai in thành 6 tập.

Làm nghề sửa xe suốt 5 năm trời, đến khi các con của ông học hành ra trường có thể tự kiếm được việc làm, ông mới nghỉ và chuyên tâm vào nghiên cứu, viết sách, viết báo.

Để có nguồn tư liệu đồ sộ cho các tác phẩm, ông đi nhiều nơi, lăn lộn, nhập cuộc, khai thác thông tin từ thư viện, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia và các kho sách cũ. Rồi các bộ sách: “Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc” (1859-1954); “Đường phố nội thành TP Hồ Chí Minh”; “Nam Kỳ địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục”; “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ” (1859-1954)… tiếp tục được trình làng.

Trong số hàng chục đầu sách lịch sử, địa lý và văn học của ký giả Nguyễn Đình Tư ở giai đoạn sau này phải kể đến bộ sách: “Gia Định - Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)”, là công trình lớn tâm huyết được TP Hồ Chí Minh trao giải thưởng khoa học cao quý Trần Văn Giàu. Đây là tác phẩm ông ấp ủ rất nhiều năm về vùng đất giàu lịch sử, văn hóa bậc nhất Việt Nam. 25 năm về trước, khi ấy ông đã gần 80, nhưng tuổi tác không ngăn được ý chí tìm tòi của bậc uyên bác. Ông viết ngày viết đêm, tỉ mẩn đối chiếu thông tin để nhanh chóng hoàn thành các tập sách.

Trong thời gian nghiên cứu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, ông đã tìm đọc được một số lượng lớn các sắc lệnh, nghị định suốt gần 100 năm của chính quyền thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ đăng trong bộ “Bullentin Officiel de la Cochinchine Francaise” về những gì người Pháp làm trên mảnh đất này. Đây là tài liệu cực kỳ quý giá, ông dự định một ngày gần nhất sẽ quay lại để ghi chép; nhưng thời gian cuốn ông vào các trang viết, đến khi ông tìm đến thì những tư liệu này đã bị nhàu nhĩ, mủn nát, không còn khai thác được nữa. Nhấp ngụm nước trà đặc, ông trầm ngâm: “Mọi thứ rồi cũng bị thời gian mài mòn, những gì tôi sưu tập được, nếu không đem ra công bố rộng rãi cũng sẽ lụi tàn mà thôi. Nghĩ đến điều đó, tôi càng quyết tâm làm việc chăm chỉ để sớm hoàn thành bộ sách quý lưu giữ lại cho lớp hậu thế mai sau”.

Biết nhiều, hiểu nhiều nhưng chưa chắc viết tốt, riêng Nguyễn Đình Tư đã vượt qua giới hạn đó. Trong lòng của độc giả, ông mãi là lão nông guốc mộc, áo the, cần mẫn và nghiêm túc với con chữ.

Sức lao động, sáng tạo của ký giả Nguyễn Đình Tư đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng bằng tôn vinh vào năm 2022 với nội dung: "Nhà nghiên cứu có quá trình 80 năm lao động, sáng tạo, cống hiến, đóng góp nhiều nội dung giá trị về văn hóa, lịch sử, địa chí của các vùng miền, tỉnh/ thành phố Việt Nam với gần 60 tác phẩm đã được xuất bản"./.

(Theo Cand.com.vn)