Đã ngoài 60 tuổi nhưng ông Trần Khánh Việt, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội vẫn chưa thể ngơi nghỉ. Làm nghề “xe ôm”, mỗi ngày, ông đều dậy từ sớm, khi thì ăn vội bát mì tôm, hôm thì ăn tạm bát cơm còn lại từ tối hôm trước, rồi đi xe ra đầu phố đứng chờ đón khách. Ông cho biết trong khoảng thời gian từ 5 đến 8 giờ sáng, người dân thường có nhu cầu đi lại cao. Để kịp chạy khách mà bụng không bị đói, ông cần dậy sớm hơn. Bất kể trời nắng hay mưa, thậm chí những hôm trời Hà Nội lạnh như “cắt da cắt thịt”, ông vẫn dậy sớm và đều đặn thực hiện công việc của mình như vậy. “Khó khăn nên vất vả vẫn phải làm. Trời lạnh thì trang bị thêm quần áo ấm, găng tay”, ông Việt chia sẻ.

Cũng vì mục đích mưu sinh nên dù đã lên chức “ông” nhưng ông Nguyễn Văn Tuấn, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội vẫn phải ngược xuôi trên từng ngả đường với nghề chạy xe ôm. Ông cho biết cuộc sống ở nơi phố thị, chi tiêu đắt đỏ, trong khi đó, thu nhập từ nghề xe ôm bấp bênh. Để đề phòng lúc ốm đau, khi sức khỏe cho phép, ông thường cố gắng làm đủ “tháng 30 ngày”. Dẫu vậy thu nhập chỉ vừa đủ trang trải. Ngay cả chiếc thẻ bảo hiểm y tế, ông từng nhiều lần muốn mua nhưng vẫn phải tạm gác lại vì lý do tài chính. “Tôi tính mua hiểm y tế để khi đau ốm mà vào viện thì giảm được chi phí. Tuy nhiên, hiện chưa có tiền nên chưa mua”, ông Tuấn cho biết.

Ngoài 70 tuổi nhưng vì vất vả mưu sinh nên bà Nguyễn Thị Ngân, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội không còn nhanh nhẹn chân tay. Dẫu vậy, để kiếm đủ ngày 3 bữa ăn, hàng ngày bà vẫn phải dậy từ sớm, chuẩn bị nào cốc chén, phích nước, gói trà, bao thuốc,…rồi ra đầu ngõ ngồi bán. Bà chia sẻ ở tuổi này, như bao người già khác, bà cũng muốn được nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu. Song bà không có được may mắn ấy. Sau nhiều năm bươn trải với các nghề, như bán tăm, bán báo,…đôi chân đã mỏi, bà đành chọn việc bán trà đá vỉa hè làm kế sinh nhai. Thu nhập cũng phụ thuộc vào thời tiết, mà chi phí cho cuộc sống thì “chỉ có tăng, không giảm”, nên bà không nghỉ bán ngày nào. Những hôm trời Hà Nội rét đậm, vắng khách bà cũng chỉ dọn hàng muộn hơn một chút, vì kiếm “được đồng nào hay đồng đấy”. “Giờ không ai đọc báo giấy nên đi bán trà đá. Mưa, lạnh thì mở hàng muộn hơn chút thôi. Nếu nghỉ thì lấy tiền đâu mà đóng tiền thuê nhà trọ”, bà Ngân tâm sự.

Ngoài 72 tuổi, sức khỏe kém nhưng bà Đào Thị Thơm, quê ở huyện Quốc Oai, Hà Nội từng phải mưu sinh với nghề bán tăm dạo. “Chân tôi yếu, đi bán tăm phải ngồi xe lăn và có người đẩy đi. Bán được thì phải chia cho họ một nửa”, bà Thơm cho biết.

Như bao người phụ nữ khác, bà Thơm lập gia đình và sinh hai người con. Hôn nhân không hạnh phúc, bà nhận nuôi hai người con những mong về già sẽ có nơi nương tựa. Nhưng cuộc sống không diễn ra như những gì bà mong đợi. “Cháu lớn đã mất vì nghiện ngập. Cháu thứ hai thì đầu óc không được khôn ngoan”, bà Thơm chua xót.

Nếu không được một nhà chùa ở tỉnh Hưng Yên nhận nuôi dưỡng, giờ này có lẽ bà Thơm vẫn phải ngồi xe lăn, lang thang ở những con đường, tuyến phố để bán tăm, kiếm sống qua ngày.

Thực tế cho thấy, những người già nhưng vẫn phải vất vả mưu sinh như trường hợp ông Việt, ông Tuấn, bà Ngân và hay phải nương tựa nơi cửa phật như bà Thơm không phải là hiếm. Trên các con đường, tuyến phố, từ thành thị tới nông thông, luôn có bóng dáng những cụ già còng lưng bươn trải, khi thì chiếc xe đẩy, gánh hàng rong, lúc cặm cụi nhặt nhạnh mớ ve chai...