Vợ chồng bà Đỗ Thị Xuyển ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương có 2 người con trai đã trưởng thành và làm việc tại Hà Nội. Hai năm trở lại đây, bà Xuyển lên sống cùng vợ chồng con trai lớn. Nhà của vợ chồng con trai ở một chung cư mới thuộc trung tâm của Hà Nội, phòng ốc rộng rãi, thoáng mát, dưới chân tòa nhà có nhiều dịch vụ tiện ích từ siêu thị, shop quần áo đến cửa hàng thuốc, hàng quán, nhà hàng... Chỉ cần bấm thang máy xuống tầng 1 là có thể mua bất cứ thứ gì. Tuy nhiên, bà Xuyển không mấy khi mua thực phẩm, rau củ quả trong các siêu thị mini quanh nhà bởi bà lo ngại về độ an toàn của các loại thực phẩm này. Và để đảm bảo chất lượng bữa ăn của gia đình, bà Xuyển nhờ chồng ở quê trồng rau, nuôi lợn, gà chuyển lên Hà Nội cho gia đình con. Còn khi phải đi mua, bà chọn những địa chỉ tin cậy. “ Ở nông thôn cấy lúa, trồng rau, trước kia ít phun thuốc nhưng bây giờ nhiều sâu bệnh cũng có nhà phun 2,3 hôm là họ mang ra chợ bán, nên chúng tôi thường chọn các mớ rau không nõn quá, không trắng quá. Ở thành phố, tôi trồng rau từ hạt mua tại các siêu thị”, bà Xuyển chia sẻ kinh nghiệm ăn sạch của bản thân như thế.

Là người quán xuyến, lo lắng sức khỏe cho các con, cháu nên chẳng mấy khi gia đình bà ăn sáng ở ngoài quán. Sáng bữa thì xôi, bữa thì phở đều tự tay bà nấu. Với bà việc chế biến, nấu nướng và tổ chức bữa ăn đúng giờ và khoa học cho gia đình là điều rất quan trọng đối với sức khỏe của người cao tuổi và các thành viên khác trong nhà. Vì có thời gian ở nhà nên trước các bữa ăn, bà Xuyển đều chuẩn bị chu tất và từ rất sớm. Những bữa cơm buổi trưa chỉ có hai bà cháu thường đơn giản, gọn nhẹ. Chiều tối khi các con đi làm về, gia đình bà Xuyển mới có bữa cơm quây quần đủ dinh dưỡng từ các thực phẩm tự tay trồng cấy. Theo bà Xuyển, người già ăn các loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc sẽ giúp sức khỏe ổn định, tránh được các bệnh tuổi già, mất trí nhớ. Đặc biệt bà thường chú ý làm các món canh rau cho con, cháu.

Không chỉ biết cách chọn mua thực phẩm mà bà Xuyển còn chỉ bảo cặn kẽ và tỉ mỉ cho con dâu cách nhận biết rau, củ không bị phun quá nhiều thuốc nhờ kinh nghiệm của người nông dân đã từng nuôi, trồng, cấy hái tại ruộng, vườn ở quê.

Còn bà Tạ Thị Chiến ở Hưng Yên, Hà Nội cũng mang rau, thịt quê lên Hà Nội cho con cháu ăn. Bà Chiển cho biết, các loại đậu đũa nếu không phun thuốc dễ có sâu và rệp nên gia đình bà không chọn loại rau này. “Gia đình tôi hiếm khi ăn đậu đũa, nếu có mua thì thường ngâm nước sạch rồi mới sử dụng. Nhà tôi ăn uống đơn giản nhưng có đủ thịt, cá, tôi mang từ quê lên", bà Chiến chia sẻ.

Trong lúc thực phẩm bẩn tràn lan và việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn thì việc các gia đình có người thân ở quê gửi thịt, cá, rau, quả lên thành phố cũng là cách đảm bảo sức khỏe và an toàn trong lúc Tết cổ truyền đang đến gần. Hiện nay, đáp ứng nhu cầu của các gia đình ở phố về sản phẩm ở quê, nhiều địa chỉ mua hàng online đã hút khách hàng ít có thời gian đi chợ. Tuy nhiên, các cụ và gia đình cũng cần có những kiến thức nhất định và sự kiểm chứng về nguồn gốc sản phẩm. Có như thế, những bữa ăn “quê” ở thành phố mới thực sự đảm bảo chất lượng như mong muốn của cả gia đình./.

Mời các bạn nghe âm thanh bài viết ở dưới đây: