Gửi thư về chương trình, người đàn ông ấy chia sẻ câu chuyện gia đình mình thế này:

Tôi năm nay 34 tuổi. Gia đình tôi hiện tại chỉ còn có mẹ tôi và em trai tôi. Mẹ tôi năm nay ngoài 50. Em trai tôi cũng 31 - 32 rồi. Còn bố tôi không may qua đời mấy năm trước do tai nạn giao thông. Anh em chúng tôi đều chưa ai lập gia đình. Tôi luôn ý thức mình là con trưởng, bố cũng đã qua đời nên tôi phải có trách nhiệm, bổn phận gánh vác mọi việc trong gia đình. Những năm qua, tôi tự nhận thấy, mình luôn làm tốt vai trò của mình.

Anh em tôi tính cách trái ngược nhau lại còn khắc khẩu, gần như không bao giờ ngồi nói chuyện với nhau được tử tế. Chỉ được đôi câu là anh em hục hoặc, cãi vã. Tôi hướng nội, em tôi hướng ngoại. Trong khi tôi chịu khó làm ăn, thì ngược lại em tôi lười lao động, ham chơi, suốt ngày tụ tập rượu chè, hát hò với đám bạn. Không biết bao lần mẹ tôi phải lao tâm, khổ tứ vì em. Không có tiền ăn chơi, em tôi sẵn sàng cầm cố tài sản từ chiếc xe máy cho đến điện thoại, sau đó về ỉ ôi đòi mẹ tôi cho tiền để chuộc. Đi hát cũng nợ tiền quán rồi lại xin tiền mẹ tôi để trả. Chưa hết, em tôi còn sẵn sàng vay nặng lãi chỉ để thỏa niềm đam mê ăn chơi của mình, và cuối cùng cũng là mẹ tôi phải trả.

Đã vài lần, tôi to nhỏ với em nhưng em tôi không những không nghe mà ngược lại còn để bụng, rồi đi uống rượu, mượn cớ say về gây gổ với tôi. Quá nhiều bức xúc và cũng do bị dồn ép bao lâu nay nên hôm đó anh em tôi xảy ra xô xát lớn. Sau đó, tôi nghĩ, cứ đà này có ngày anh em lại chém giết lẫn nhau nên tôi nghĩ tốt nhất không nói gì nữa, mặc kệ em trai muốn làm gì thì làm;Vì có nói cũng chẳng được gì, lại còn có khi dăm ba chén rượu về, anh em lại xảy ra cãi cọ rồi đánh nhau người ta cười cho.

Nhà tôi có 10ha đất vườn trồng cây công nghiệp lấy gỗ mà chỉ có mình tôi đi làm là chính, mẹ cũng thỉnh thoảng ra phụ giúp. Nhiều lần tôi cũng phàn nàn về việc mẹ quá nuông chiều em khiến em sinh hư, nhưng mẹ cũng chỉ im lặng hoặc buông câu “em nó còn nhỏ”.

Quá chán nản, tôi không nói nữa, nhưng tôi không thể chịu nổi cảnh một người đi làm về, song lại cơm nước hầu hạ người đi chơi. Mọi việc trong nhà cái gì cũng đến tay, nếu tôi không làm thì mẹ sẽ phải làm. Nghĩ thương mẹ nên tôi cố gắng. Nhưng càng như thế, mẹ lại càng dồn việc vào tay tôi khiến sự khó chịu trong lòng càng nhân lên. Người làm chỉ có tôi nhưng tiền kiếm được là mẹ giữ để cả nhà cùng chi tiêu. Tôi đang có cảm giác, mình đang bị vắt kiệt sức lao động mà trong tay chẳng có nỗi một cái gì, đến cái xe máy cũng chỉ có con xe tồi tàn đi làm vườn.

Cách đây không lâu, mẹ tôi nói là mua một cái xe tử tế cho anh em chúng tôi đi. Tôi mới bàn với mẹ là mua hai cái rẻ rẻ chứ không cần phải mua một cái xịn nhiều tiền để tiện bề xe ai người ấy quản lý, hỏng hóc tự sửa, xăng tự đổ. Tránh như bây giờ, xe đi được thì em tôi lấy đi, xe hỏng, hết xăng thì để nhà đợi tôi sửa, tôi đổ xăng thì lại dắt xe đi. Hơn nữa, tôi cũng muốn tránh việc em tôi lại mang xe cầm cố thì tôi lại mang bực vào người. Nhưng mẹ tôi lại trách tôi ích kỷ, tính toán với em trai của mình.

Nhiều khi, tôi chỉ muốn kiếm một cô vợ rồi chia tài sản và ra ở riêng, tự làm tự ăn. Nhưng điều đó đâu có dễ, vì so với bạn bè đồng trang lứa, tôi cũng thuộc hàng lớn tuổi, nhà lại nghèo nên cũng khó để làm quen với ai đó. Trước đây, tôi cũng từng hai lần đưa bạn gái về ra mắt bố mẹ, thế nhưng, ngay sau đó đều kết thúc vì bố tôi say xỉn suốt ngày, lúc nào ông cũng chửi bới rồi làm loạn cả nhà lên. Bạn gái tôi thấy cảnh tôi vậy đều quay lưng lại với tôi. Sau đó, tôi không còn mở lòng với ai nữa mà chỉ tập trung làm ăn.

Giờ tôi không biết phải làm sao cho vẹn cả đôi đường. Tương lai mà vẫn sống kiểu này thì không biết đến ngày đó, tôi không còn chịu nổi em mình nữa thì tôi sẽ làm gì nó đây? Suy nghĩ của tôi như vậy liệu có quá ích kỳ và tính toán như mẹ tôi nói không? Mong các thính giả cho tôi một lời khuyên.

Các bạn có thể chia sẻ, góp ý với nhận vật bằng cách gọi đến số điện thoại 0243.934.1139 (trong giờ hành chính), hoặc để lại lời nhắn dưới câu chuyện.

Mời các bạn nghe biên tập viên chương trình thay lời nhân vật kể lại câu chuyện: