Sau khi phát sóng câu chuyện của người phụ nữ đang băn khoăn về việc có nên hàn gắn với chồng sau khi ly thân 2 năm (https://vov2.vov.vn/ket-noi/han-gan-sau-ly-than-52273.vov2), nhiều thính giả đã góp ý với cô:

Biên tập viên chương trình cũng có đôi lời chia sẻ với nhân vật:

Bạn đã sống ly thân với chồng từ 2 năm nay. Thời gian đó không phải là dài nhưng cũng đủ để những người phụ nữ đơn thân như bạn vừa làm cha vừa làm mẹ nhận ra nhiều điều. Vậy câu hỏi đặt ra là bạn có cần thiết phải nối lại với chồng hay không? Tất nhiên, việc “gương vỡ lại lành”, “hợp rồi tan” cũng là lẽ thường tình ở đời, nhưng việc nối lại mối quan hệ vợ chồng giống như vá lại một điều gì đó đã không còn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Đây quả là một quyết định khó khi chúng ta luôn băn khoăn rằng liệu có cần thiết phải quay lại và nên làm những gì để mối quan hệ hàn gắn ấy tốt đẹp hơn?

Thời gian sẽ làm xóa nhoà tất cả và người chúng ta từng yêu cũng sẽ đổi khác. Những trận cãi vã, xung đột, thương tổn cả hai từng trải đã là chuyện của ngày hôm qua. Chẳng vui vẻ gì nếu những giọt nước ấy có nguy cơ tràn ly thêm lần nữa. Hơn nữa, đôi khi, người thân hay bạn bè chính là tác nhân cốt lõi khiến bạn bị lay động khi họ đưa ra quá nhiều lời khuyên. Chẳng hạn như việc mẹ bạn không muốn bạn quay lại với chồng bởi bà đã chứng kiến việc xảy ra với bạn, hiểu con rể có những khuyết điểm gì, thậm chí bà còn bị gia đình thông gia xúc phạm nữa. Vì vậy không khó hiểu khi mẹ bạn không muốn con gái mình tiếp tục cuộc hôn nhân này. Tuy nhiên, bạn chính là người hiểu rõ mình cần gì và biết chuyện tình cảm này có xứng đáng được bắt đầu lại hay không. Tùy từng trường hợp làm lành, tùy thái độ thành tâm của người có lỗi và quan trọng là người trong cuộc biết thứ tha, bao dung mở lòng thì việc “gương vỡ lại lành” cũng không phải hiếm. Nếu chồng bạn thật sự hối lỗi, bạn nên mở lòng, quay về với chồng để cùng lo cho con cái. Cả hai nên cùng mạnh mẽ vượt qua những thương tổn đã từng gây ra cho nhau trong quá khứ, dùng lời nói và hành động để từng bước chữa lành vết thương thay vì cố chấp không buông.

Tất nhiên nhịp cầu một lần đã đứt gãy không phải một hai ngày có thể nối lại được dễ dàng. Xây dựng lại mọi thứ ngay từ buổi đầu là lựa chọn sáng suốt hơn việc đi đến đâu sửa đến đó. 2 người đã là vợ chồng trong một khoảng thời gian. Như vậy cũng đủ để bạn hiểu rõ bản thân cần gì, muốn gì, cũng như hiểu được đối phương là người như thế nào, những gì anh ta nói lúc này liệu đã thật lòng? Con người anh ta liệu có thể thay đổi? Tuy nhiên, hiện giờ, bạn vẫn chưa thể đưa ra phán đoán của mình. Bản thân bạn cũng có những băn khoăn riêng. Bởi ngoài những trở ngại về kinh tế, bạn còn e ngại bản tính lười nhác, nóng nảy, thô bạo của chồng. Và khi chưa thực sự sẵn sàng đưa ra quyết định thì tại sao bạn không dành thời gian để suy nghĩ thêm? Nhất là khi người chịu ảnh hưởng bởi quyết định này không chỉ có bạn mà còn cả bố mẹ và các con của bạn nữa. Trong khoảng thời gian này, vợ chồng bạn cũng nên thẳng thắn chia sẻ về những điều còn thiếu sót, những kỳ vọng vào đối phương trong tương lai. Hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của cả hai không những giúp giải tỏa sự xa cách mà còn thể hiện sự nghiêm túc trong mối quan hệ. Nếu sau những cuộc nói chuyện thẳng thắn, bạn nhận thấy chồng mình không có sự nghiêm túc và mong muốn thay đổi để tốt hơn, hoặc có những nỗi đau mà bạn chẳng thể dặn lòng quên đi thì hãy mạnh dạn nói “không”. Bởi tình yêu, tình cảm vợ chồng không phải là mang đến sự đau khổ cho nhau.