Gửi thư về Đài Tiếng nói Việt nam, chị tâm sự:
Tôi là một công chức bình thường hiện đang sống ở ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình, một dòng họ có khá nhiều người thành đạt, nhưng cũng không ít người mắc vào tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút…Tôi đã từng chứng kiến cảnh bác gái, dì và cả mẹ tôi chơi họ, anh trai tôi cho vay nặng lãi rồi vỡ nợ khiến cả nhà điêu đứng. Thế nên tôi tự nhủ: sau này, dù có nghèo túng đến đâu cũng không bao giờ để sa chân vào cảnh này.
Học xong cao đẳng tôi đi làm trong thành phố và an phận với đồng lương hành chính nhỏ nhoi. Tôi yêu và lấy một người trông hiền lành, là một công nhân làm công ăn lương ở nhà máy sản xuất linh kiện điện tử. Nhưng ai mà học được chữ ngờ, ghét của nào trời trao của ấy. Năm 2018, vợ chồng tôi ra ở riêng, tình hình kinh tế không mấy sáng sủa, lúc nào cũng thiếu thốn. Năm 2020, dịch bệnh covid xảy ra, đơn hàng không có nhiều, đồng lương bấp bênh, chồng tôi liền nghỉ ở nhà máy. Xoay sở một thời gian đi chạy hàng thấy không ăn thua, anh ấy bàn với tôi: Anh theo anh Q đi làm nghề cầm đồ và cho vay nặng lãi, anh ấy trả lương còn hơn là đi chạy hàng. Tôi không bằng lòng vì cái nghề ấy bất nhân, thất đức lắm. Chồng tôi thuyết phục tôi: anh chỉ có nhiệm vụ làm xe ôm và đánh giá chất lượng hàng cầm đồ thôi. Anh nói mãi khiến tôi phải miễn cưỡng đồng ý nhưng thú thực trong lòng tôi vô cùng sợ hãi và lo lắng. Dạo này mẹ chồng tôi và chồng tôi hay thì thào bàn bạc với nhau, bà có tiền thỉnh thoảng lại thấy cho chồng tôi vay nóng vay nguội, lãi lờ mẹ con chia nhau. Chứng kiến như vậy khiến tôi lúc nào cũng thấy lo nơm nớp lo âu.
Nửa năm sau, có chút vốn liếng, chồng tôi ra làm ăn riêng. Khách hàng đến vay đông, thôi thì đủ mọi thành phần: cờ bạc, ốm đau, đấu thầu đất cát, tai nạn… hình thức vay cũng lắm vẻ: lãi tuần, lãi ngày, lãi tháng…Chồng tôi giao du với đủ loại người, khiến tôi thấy không an tâm. Có tiền anh ấy cũng xài sang và rộng rãi hơn, sắm sanh cho nhà riêng của tôi và mua cho bố mẹ nhiều món đồ. Bố mẹ chồng tôi hỉ hả và tự hào ra mặt. Tôi cũng lựa lời nói bóng gió xa xôi về hậu quả, chồng tôi bảo: em chỉ lo hão, bọn anh làm ăn chắc chắn chứ không để vỡ nợ đâu… Tôi thấy tiền hình như gắn liền với bạc, tức là bạc tình bạc nghĩa. Lãi mẹ đẻ lãi con, quay đi quay lại đã đến kỳ trả nợ, con nợ chưa kịp mang đến đã thấy một thằng đầu trọc đứng ở cổng réo. Với tôi, anh ấy lúc nào cũng nhẹ nhàng nhưng với khách thì khác. Một hôm tôi về sớm thấy giọng điệu anh ấy nói với con nợ mà tôi lạnh hết cả người. Tôi đã được nghe nhiều người xì xào nói về chuyện làm ăn bất lương của chồng tôi. Chẳng biết chia sẻ cùng ai, tôi về tâm sự với mẹ đẻ thì bà bảo “con cứ kệ nó lo toan kinh tế, cứ sống mà hưởng, nó biết cách làm ăn đấy!” Gần đây, tôi thấy anh ấy cũng chơi bài bạc khiến tôi rất lo, cứ đà này anh ấy sa chân vào con đường cờ bạc thì nguy. Vợ chồng tôi nhiều lúc cãi nhau vì chuyện này, mẹ chồng tôi nói thẳng: cô không phải vất vả gì là sướng rồi. Nhà cô cũng toàn thế thì đáng ra cô phải hiểu biết và giúp nó chứ. Tôi cũng nói thẳng: “nghèo cũng được nhưng phải cho nó thanh thản. Chính vì con biết nên con không muốn chồng con làm cái nghề này”. Bà ngọt nhạt bảo tôi: “cô không tán thành cách sống của nó thì cô dám bỏ chồng đi làm lại cuộc đời như bà ngoại với dì của cô không?” Tôi sững người vì đó cũng là nỗi niềm khó nói của gia đình tôi. Nếu tôi mà bỏ chồng thì đúng là 3 đời trong dòng họ ngoại nhà tôi đều có người phải “đi hai lần đò”. Nó sẽ thành chuyện cho người ta đàm tiếu, nhưng sống mãi trong cảnh lo lắng, sợ hãi và bức xúc thế này thì tôi cảm thấy không thể chịu nổi. Sau này, con tôi nó lại theo nghiệp bố thì biết làm thế nào?…
Các bạn chia sẻ với nhân vật bằng cách để lại lời nhắn hoặc gọi đến số điện thoại 0243.934.1139 (trong giờ hành chính)