Ngày 16/7, Bộ GD&ĐT phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” lần thứ VIII - năm 2025.

Tham dự họp báo phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” lần thứ VIII có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc - Trưởng Ban Tổ chức; ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thành viên Ban Tổ chức; nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Ban tổ chức cuộc thi và đại diện Lãnh đạo, phóng viên nhiều cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.

Năm 2025 là năm thứ 8 Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” được tổ chức. Giải do Bộ GD&ĐT chủ trì, có sự phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực tổ chức thực hiện.
Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” nhằm tôn vinh tác giả có tác phẩm báo chí viết về sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đồng thời, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.
Mục đích của giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” là thông qua các tác phẩm báo chí xã hội có sự nhìn nhận và đánh giá khách quan về những đóng góp của ngành Giáo dục với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, giúp xã hội hiểu đúng, đầy đủ về giáo dục; từ đó chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành với thầy, cô giáo trên cả nước nói riêng và toàn ngành Giáo dục nói chung góp phần quan trọng giúp chủ trương, chính sách của ngành Giáo dục đi vào cuộc sống.
Thông tin về thể lệ Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” lần thứ VIII - năm 2025:
Tác giả tham gia Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” lần thứ VIII - năm 2025 là công dân Việt Nam có tác phẩm báo chí về lĩnh vực giáo dục và đào tạo được đăng tải, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, phù hợp với tiêu chí của Giải.
Tác giả dự Giải không vi phạm các Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và luật pháp khác. Tác giả có tác phẩm tham dự Giải không trong thời gian thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên hoặc không trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc đang bị cơ quan điều tra về các sai phạm có liên quan.
Mỗi tác giả, nhóm tác giả gửi tối đa 5 tác phẩm tham dự Giải, mỗi tác phẩm báo chí được đăng/phát không quá 5 kỳ. Thành viên Ban Tổ chức, Hội đồng Giám khảo, Tổ Thư ký không được đăng ký tác phẩm tham dự Giải.
Tác phẩm tham dự Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” là những tác phẩm bằng tiếng Việt được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng kể từ ngày 5/9/2024 đến hết ngày 4/9/2025; nếu đăng, phát nhiều kỳ thì ít nhất phải có 2/3 số tác phẩm trong khoảng thời gian nêu trên.
Không xét các tác phẩm đang chờ đánh giá và kết luận của các cơ quan có thẩm quyền; tác phẩm đoạt giải của Giải báo chí Quốc gia hoặc các Giải báo chí toàn quốc chuyên ngành khác. Các tác phẩm dự thi phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền.
Nội dung tác phẩm phải nêu được những vấn đề về giáo dục và đang được dư luận xã hội quan tâm; có tính phát hiện, tổng kết hoặc hướng dẫn có tính thuyết phục và hiệu quả xã hội cao; có phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo; có tác động tích cực phục vụ công tác đổi mới Giáo dục. Không xét tác phẩm có tính chất hư cấu.
Các hoạt động giáo dục tiêu biểu đã và đang triển khai ở các địa phương, cơ sở giáo dục các cấp học từ mầm non đến đại học.
Các tập thể, cá nhân có nhiều giải pháp, kết quả, thành tích nổi bật, đổi mới sáng tạo trong dạy và học theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Những câu chuyện xúc động, có ảnh hưởng, tác động tích cực và truyền cảm hứng đối với xã hội về hình ảnh người thầy và những cống hiến của họ đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Tiêu chí xét trao giải về thể loại và loại hình như sau:
Loại hình: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh, Truyền hình.
Thể loại: tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ký sự, điều tra, phim tài liệu, các chương trình phát thanh, truyền hình.
Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau, không có tên loạt bài. Không xét các tác phẩm mang tính hư cấu (như thơ, tiểu phẩm, truyện ngắn, câu chuyện văn nghệ, phim truyện, kịch truyền thanh…). Các tác phẩm là một loạt bài phải thực hiện cùng một thể loại báo chí.
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Lê Thanh Kim – Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân, đại diện Hội đồng Giám khảo cho biết: Những mùa giải trước, nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung đến hình thức. Các tác phẩm đi sâu phân tích những vấn đề “nóng” của ngành Giáo dục; ghi nhận thực tế triển khai hoặc phản biện xã hội về những chủ trương, quyết sách của ngành; ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, người học.
Tuy nhiên số lượng tác phẩm báo chí mang tính phản biện chính sách còn ít, vì vậy, Ban tổ chức mong muốn trong mùa giải này có nhiều tác phẩm báo chí có tính phản biện cao, phản biện về chính sách của ngành giáo dục cũng như chính sách của Đảng, nhà nước và các Bộ ngành khác đối với lĩnh vực giáo dục để từ đó góp phần hoàn thiện chính sách và đẩy mạnh phát triển giáo dục hiệu quả hơn.