Ngày 16/6/2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Luật nhà giáo với 9 chương 42 điều. Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT khẳng định đây là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa to lớn. Lần đầu tiên chúng ta có đạo luật riêng quy định đầy đủ vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ và các chế độ, chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo, cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc tôn vinh, chăm lo, bảo vệ và phát triển đội ngũ nhà giáo – lực lượng then chốt của ngành giáo dục.

Theo đó, có 5 điểm nổi bật trong quy định tại Luật Nhà giáo.

Thứ nhất, khẳng định vị thế, bảo vệ danh dự và uy tín nghề giáo.

Thứ hai, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Thứ ba, chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, thu hút tốt hơn đối với nhà giáo.

Thứ tư, chuẩn hóa và phát triển đội ngũ - nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ năm, tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục và giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục.

Theo ông Vũ Minh Đức, việc giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo là giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ những "điểm nghẽn" về chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là giải quyết bài toán thừa thiếu đội ngũ; chủ động điều phối, hoạch định các kế hoạch phát triển đội ngũ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn trong tương lai.

Luật nhà giáo có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2026.

Để Luật Nhà giáo đi vào cuộc sống

Trải qua 4 năm tham gia xây dựng luật, trải qua quá trình biên soạn, chỉnh sửa cho đến khi Luật nhà giáo được thông qua, TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến đánh giá vai trò lãnh đạo, trong đó có Bộ GD-ĐT, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục đóng vai trò quan trọng.

Với kinh nghiệm của mình, ông Tiến cho rằng tới đây, việc đưa Luật Nhà giáo vào cuộc sống là hành trình còn khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với quá trình xây dựng Luật nhà giáo.

“Xây dựng, ban hành Luật nhà giáo là giai đoạn đầy mộng mơ. Nhưng, tổ chức thực hiện luật là giai đoạn sẽ có rất nhiều ác mộng. Bởi lẽ đó là lúc các tư tưởng trong luật sẽ đụng chạm với một thực tế cực kỳ đa dạng và gai góc”.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng trong giai đoạn đưa luật vào cuộc sống, vai trò lãnh đạo còn quan trọng hơn nữa.

Năm 2018, ông Tiến từng được mời tham gia đóng góp ý kiến, thẩm định dự thảo Luật Giáo dục đại học. Tư tưởng xuyên suốt của luật là đem lại quyền tự chủ tốt nhất cho các cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, khi vận hành thì rất nhiều điều mong muốn trong luật giáo dục đại học không được thực hiện. Lý do là sự chồng chéo của hệ thống văn luật như luật đầu tư công, luật đất đai, luật viên chức... Thêm vào đó, sự phối hợp với Bộ GD-ĐT trong việc đưa luật giáo dục đại học vào cuộc sống rất lỏng lẻo, không thực chất. Từ kinh nghiệm này, ông Tiến cho rằng triển khai Luật Nhà giáo vào cuộc sống cần làm cho nhà giáo cảm thấy “sướng”.

Để luật đi vào cuộc sống, chắc chắn cần bàn hành hệ thống văn bản dưới luật nhiều hơn. Sự chồng chéo với các văn bản khó mà tránh khỏi. Cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành để thực hiện được các mong muốn cũng khó đến nơi đến chốn.

Tuy nhiên may mắn là tại thời điểm này Nghị quyết 66 về cơ chế đổi mới trong vấn đề xây dựng, thể chế pháp luật nước ta đưa ra nguyên tắc cơ bản là: cơ chế phối hợp phải tốt, các hệ thống văn bản phải tránh chồng chéo và đảm bảo một đầu mối thống nhất quản lý trong từng lĩnh vực.

Để đưa Luật nhà giáo đi vào cuộc sống, bên cạnh vai trò lãnh đạo đầu tàu của Bộ GD-ĐT, TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, dù cơ chế phối hợp thế nào, quá trình thực hiện phân cấp phân quyền ra sao thì phải đảm bảo tuân theo một hạt nhân cơ bản là: đảm bảo quyền quản lý thống nhất của ngành giáo dục đối với nhà giáo.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục cho rằng, xây dựng, ban hành luật khó nhưng tổ chức thực hiện pháp luật là điểm cốt yếu và là kết quả cuối cùng.

Sau khi ban hành luật, chúng ta phải kiến tạo sự phát triển tốt hơn cho nhà giáo, tạo bước tiến cho nền giáo dục, phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực. “Tôi cho rằng đây mới là đích cuối cùng”.

Ông Vinh cho rằng, khi Luật nhà giáo được ban hành chúng ta mới đi được 1/3 chặng đường. Khi luật chính thức có hiệu lực từ 1/1/2026 sẽ cần đồng bộ cùng với 3 luật sửa đổi là Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và quan trọng nhất là Luật Giáo dục.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ niềm vui khi Luật nhà giáo đã được Quốc hội thông qua. Đây là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa với ngành giáo dục nói riêng và đất nước nói chung.

Tinh thần mà đội ngũ xây dựng Luật Nhà giáo theo đuổi là: xây dựng luật để phát triển lực lượng nhà giáo. “Làm được những gì để phát triển lực lượng nhà giáo thì chúng tôi kiên quyết làm và cố gắng làm với một tinh thần “lòng ta mà không tha thiết thì lấy ai thiết tha cùng”, Bộ trưởng nói.

Trước những băn khoăn khi triển khai luật ra cuộc sống, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, luật từ cuộc sống. Đó chính là cuộc sống mà chúng ta đã chắt lọc ra nó chứ không phải là vì một thực thể nào bên ngoài.

Luật là một công cụ chứ không phải cái đích đến. Từ nay, chúng ta sẽ có thêm một công cụ sắc bén, là chỗ dựa để phát triển lực lượng nhà giáo./.