Cô tiểu thư ấy chính là bà Bạch Tường Vy nức tiếng xinh đẹp mà không chỉ những người sinh sống ở phố hàng Cót, Hà Nội biết đến. Chuyện tình vào những năm 1957 của bà và đám cưới đặc biệt với ông Trương Văn Thảo đã trở thành giai thoại mà mọi người vẫn nhắc đi nhắc lại, dù thời gian từ đó chảy trôi đến giờ đã hơn 60 năm.

Bà Vy sinh ra trong một gia đình giàu có, hơn thế nữa bà cũng nổi tiếng gần xa vì nhan sắc đặc biệt xinh đẹp, được nhiều người để ý. Thế nhưng bà lại luôn một lòng một dạ yêu và chờ đợi ông Thảo – tấm chân tình được bà coi là “người đàn ông của đời mình”.

Thế nhưng chuyện tình cũng lắm những gian nan riêng, chỉ bởi vì họ yêu nhưng không “môn đăng hộ đối” như quan niệm của nhiều gia đình lúc đó.

Có lần, kể với báo giới về chuyện tình yêu của mình, ông Thảo cho biết: “Tôi biết nhà tôi từ khi bà 14 tuổi. Tuy nhiên lúc đó chúng tôi nói chuyện với nhau vô tư như những đứa trẻ. Chỉ đến khi tôi tham gia kháng chiến và bị địch bắt về hậu phương, lúc đó, bà ấy mới đuổi theo và nhắn tôi viết thư về. Thế là từ đó, tình cảm trong tôi tự nhiên nảy nở”.

Nhưng mối tình của họ không hề bình lặng. Trong lúc ông đi kháng chiến thì ở nhà, gia đình lại muốn bà Vy lấy một người khác. Gia đình nhà đó giàu có và chỉ có một cậu con trai nên họ hứa hẹn nhiều, dù bà Vy không đồng ý họ cũng nhất quyết mang cau trầu sang hỏi chuyện.

Dù nhà người ta hứa “dạm ngõ” sẽ là 6 căn nhà mặt phố nhưng bà Vy vẫn từ chối. Bà Vy kể: “Thời xưa lễ dạm ngõ phải có hai buồng cau, một quả đựng chè. Tôi không đồng ý, họ vẫn để lễ lại. Tuy nhiên tôi vẫn nhất quyết từ chối đám cưới đó”.

Ông Thảo đi kháng chiến, từ chối đám “ngỏ” nhà… đại gia, bà Vy chờ ông Thảo 7 năm. Tới năm 1957 ông Thảo trở về. Lúc bấy giờ cả hai mới tổ chức đám cưới.

Khi đó ông Thảo là Bí thư quận Hoàn Kiếm, hàng tháng ông chỉ có 18 đồng tiền lương, bố mẹ đều không còn, gia cảnh nghèo khó. Vì thế đám cưới của hai ông bà không được tổ chức linh đình, chỉ làm 4, 5 mâm cơm để mời anh em, họ hàng. Ông Thảo vẫn kể lúc cưới không có tiền, nghèo lắm.

Nhưng ông vô cùng tự hào khi có thể cưới được một người vợ có đủ công, dung, ngôn, hạnh, mang những nét đặc trưng của con gái Việt Nam. Không chỉ vậy, ông Thảo còn nhận xét vợ mình là một người cực kỳ ngoan hiền và chung thuỷ, vì thời điểm ông đi kháng chiến, biết bao người đến hỏi cưới nhưng bà vẫn nhất quyết đợi ông trở về.

Trải qua 60 năm chung sống với nhau, bà vẫn luôn khéo léo và nhẫn nhịn. Do đặc thù công việc, ông Thảo thường xuyên đi xa, bà luôn thông cảm, chia sẻ với ông. Hai vợ chồng ông bà luôn ân cần, chăm sóc lẫn nhau.

Qua những năm tháng yêu thương sắc son tuổi trẻ, qua nhiều biến cố thăng trầm của cuộc sống, đến bây giờ nói về người vợ của mình, ông Thảo hết lời khen vợ. Ông bảo có bà làm vợ là cái “duyên”, cái “phúc” của ông. Còn bà, dù là tiểu thư nhà đài các nhưng khéo léo vá may, vì yêu mà lấy chồng… dù hoàn cảnh khó khăn vẫn cùng nhau gánh vác. Bà vá may, thiêu thùa để có thêm thu nhập, làm hậu phương vững chắc cho ông. Cả đời của hai ông bà sống bằng sự thấu hiểu, nhường nhịn.

Câu chuyện tình yêu, sự gắn kết thực sự của ông Thảo bà Vy đến bây giờ vẫn được nhắc đi nhắc lại, vẫn được mọi người ngưỡng mộ. Rằng ở đâu, con người nào, hoàn cảnh nào, thời kỳ nào, những tình cảm trong sáng, thật lòng cũng đáng trân quý, ngưỡng mộ.

Câu chuyện của họ như một “âm thanh trong trẻo” vào bản nhạc hôn nhân và tình yêu của cuộc đời. Rằng tình yêu được đặt lên trên tất thảy, để lựa chọn cùng nhau cố gắng, cùng có nhau trong cuộc sống vốn không ít những bộn bề này.

(Theo Vietnamnet)