Thay vì đưa con cháu, dâu rể sang nhà chúc Tết, năm nay, đại gia đình nhà chị Vân sẽ đón Tết trong viện dưỡng lão cùng mẹ.
Để chuẩn bị cái Tết đầu tiên của mẹ là bà Nguyễn Thị Thư, 75 tuổi, ở một viện dưỡng lão nằm trên địa phận quận Nam Từ Liêm, chị Nguyễn Vân, 43 tuổi, đã gửi vào chiếc áo dài bà thích nhất. Mấy ngày trước, bà Thư đã mặc chiếc áo đó gói bánh chưng, sau chụp ảnh cùng những người cao tuổi khác.
Trong buổi sinh hoạt hôm ấy, các cụ kể lại những cái Tết thời bao cấp thiếu thốn nhưng đầy tình người. "Mẹ tôi vui quá, lâu lắm mới được trò chuyện nên cụ cười nói suốt", chị Vân, con gái đầu, chia sẻ.
Bà Thư sống ở quận Tây Hồ, từng công tác trong một bệnh viện quân đội. Từ ngày chồng đột ngột qua đời 20 năm trước, bà suy sụp tinh thần dẫn đến sa sút trí tuệ, có thể kể rất chi tiết những chuyện trong quá khứ nhưng hiện tại lúc nhớ lúc quên. Mấy tháng trước, cụ bà 75 tuổi chuyển từ bệnh viện vào viện dưỡng lão. "Do mẹ tôi sức khỏe yếu, ăn hay sặc nên bác sỹ vừa đặt thông tiểu vừa đặt sonde (ống thông dạ dày) hỗ trợ việc điều trị. Khi được xuất viện, thay vì thuê giúp việc tại nhà, chị em tôi quyết định đưa mẹ vào trung tâm dưỡng lão để được chăm sóc, kết hợp với vật lý trị liệu", chị Vân kể.
Dự định cuối năm đón mẹ về nhà ăn Tết, nhưng sinh hoạt hàng ngày của bà Thư vẫn phục thuộc vào trợ giúp y tế; nằm tại chỗ luôn phải xoay trở, vỗ rung tránh loét, viêm phổi; muốn vệ sinh phải có người hỗ trợ..., điều dưỡng viên khuyên gia đình nên để mẹ đón Tết trong viện dưỡng lão. Nhưng để mẹ không thấy trống vắng, tủi thân ngày đầu năm mới, cả gia đình chị Vân bàn tính sáng mùng 1 Tết vào viện chúc Tết, mừng tuổi mẹ, sau con cháu cùng mặc áo dài chụp ảnh kỷ niệm như hồi bà ở nhà. Những ngày sau, anh chị em luân phiên vào trung tâm với mẹ. "Gia đình tôi muốn duy trì hương vị Tết nguyên đán cho mẹ. Dù bà ở đâu cũng sẽ luôn cảm thấy ấm áp", người con trưởng nói.
Nhà bà Thu Hồng cách viện dưỡng lão ở huyện Văn Giang, Hưng Yên chỉ 500 m. "Ông nhà tôi sức khỏe yếu, từng đột quỵ nên được đưa vào trung tâm để được chăm sóc chu đáo. Riêng tôi ở lại trông nom nhà cửa, cách ngày lại vào thăm chồng. Còn hai con gái đã lập gia đình, hiện sống ở nước ngoài", bà Hồng, vợ ông Văn Minh kể.
Những ngày cận Tết, trong túi quà người vợ mang đến cho chồng ngoài vật dụng thiết yếu còn có thêm kẹo lạc - loại kẹo ông thích nhất và chút hoa quả mua ngoài chợ. "Ông nhà tôi còn thích đào phai, năm nay tôi mua một cành đào nhỏ cắm ở nhà, rồi chụp ảnh cho ông ấy xem. Ông còn nói đợi khỏe hơn sẽ tự đi mua một cành tặng tôi", người phụ nữ ngoài 70 tuổi xúc động nói.
Những năm trước dịch, bà Hồng kể, khi con cái từ nước ngoài trở về sẽ đón bố ra viện để ăn tất niên, đến mùng 1 bắt đầu đi du xuân. Nhưng ba năm nay khung cảnh ấy không còn, thi thoảng bà nói chạnh lòng khi thấy gia đình người ta sum họp, còn bản thân vẫn một mình. "Nhưng may có trung tâm và những người bạn già, vợ chồng tôi mới được hưởng hương vị Tết một cách trọn vẹn. Đó chính là tình thân mọi người dành cho nhau vẫn luôn ấm cúng như ở nhà", bà tâm sự.
Những ngày đầu năm mới, bà Hồng mặc chiếc áo dài nhung đỏ mận, vấn tóc chỉn chu để vào trung tâm chúc Tết các nhân viên, trao gửi lời chúc đến những bạn già cùng viện với chồng, kèm thêm hộp bánh mứt tự làm. Sau màn thăm hỏi, hai vợ chồng sẽ đi dạo quanh viện, hưởng không khí xuân. Bà dìu ông, cùng ăn kẹo, uống nước trà, hồi tưởng về những cái Tết khi ông còn khỏe, cùng gói bánh chưng, làm giò...
Bà Thư - "hàng xóm" của ông Minh cho hay cặp vợ chồng này chỉ là hai trong số rất nhiều người cao tuổi đón Tết trong viện dưỡng lão. Theo khảo sát của phóng viên VnExpress, bắt đầu từ 25 tháng Chạp, khoảng 60% cụ già ở các trung tâm dưỡng lão trên địa bàn thành phố Hà Nội được con cháu đón về. Còn 20-40% sẽ đón Tết cùng các nhân viên trong trung tâm bởi người thân ở nước ngoài; hoặc các cụ sức khỏe yếu khiến gia đình không thể chăm sóc chu đáo và có chuyên môn như các điều dưỡng viên...
Bà Phạm Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Hoa Sen - Lotus care- nơi bà Thư đang điều trị, cho biết số người cao tuổi năm nay sẽ ở lại trung tâm đón Tết chiếm khoảng 65%. Với những gia đình có con, cháu đi làm ăn xa, họ sẽ gửi giỏ quà Tết nhờ trung tâm tổ chức cho người thân. Trong khi những gia đình khác sẽ vào đón Tết cùng bố mẹ, ông bà. "Giáp Tết, tôi và các đồng nghiệp lại cùng các cụ gói bánh chưng, chụp ảnh áo dài, sau thưởng thức mâm cơm tất niên với bánh chưng, giò lụa, canh măng miến, canh bóng ngũ sắc... mong các cụ cảm nhận không khí đầm ấm, hạnh phúc những ngày đầu xuân", bà Hà nói.
Thành lập từ năm 2021, trung tâm chăm sóc người cao tuổi Hoa Sen-Lotus care hiện chăm sóc hơn 20 cụ trong độ tuổi từ 73 đến 95. Trong đó, 70% không thể tự chăm sóc bản thân, phải nhờ sự hỗ trợ, giám sát 24/24 của các điều dưỡng; 30% còn lại là có thể tự sinh hoạt cá nhân nhưng vẫn cần sự hỗ trợ.
Theo lời giám đốc, do những thay đổi sinh lý, bệnh nền hoặc thời tiết thất thường khiến tính tình người già thay đổi; chưa kể nhu cầu sinh hoạt, nghỉ ngơi, ăn uống của mỗi cụ một khác. Nhưng bằng sự chăm sóc, thấu hiểu, cán bộ, nhân viên thường xuyên gần gũi, động viên, trò chuyện để tìm ra những giải pháp chăm sóc phù hợp khiến các cụ cảm thấy thoải mái, lạc quan, quên hết ốm đau, muộn phiền.
Ngoài những trường hợp buộc phải ăn Tết ở Viện dưỡng lão, nhiều cụ còn đòi gia đình cho ăn Tết ở trung tâm vì quen nhịp sống nề nếp, ăn đúng bữa ngủ đúng giờ, được chăm sóc kịp thời khi có biến động về sức khỏe.
Bố mẹ chị Nguyễn Thị Thủy, 53 tuổi, ở quận Cầu Giấy cũng vậy. Đây không phải là năm đầu tiên ông bà trên 80 tuổi muốn được đón Tết trong viện dưỡng lão của chị Hà thay vì về nhà. Quyết định này ban đầu không được con cháu đồng ý, nhiều lần thuyết phục bố mẹ về để cả gia đình quây quần. "Nhưng khi nghe ông bà bảo về nhà buồn vì con cháu chỉ đến chốc lát rồi đi, cả ngày lại làm bạn với bốn bức tường. Trong khi ở trung tâm vừa có bạn bè tâm sự, chế độ ăn uống, sinh hoạt không bị xáo trộn. Con cháu cũng có nhiều thời gian đi chơi nên chúng tôi đồng ý", chị kể.
Những ngày trước Tết, chị Thủy và hai anh trai luân phiên vào viện thăm bố mẹ. Sang ngày mùng 1 cả gia đình, họ hàng lại vào trung tâm để đoàn viên, con cháu háo hức chờ ông bà phát lì xì.
Người phụ nữ 53 tuổi nói trong suy nghĩ của nhiều người, các cụ già được con cháu đưa viện dưỡng lão là bất hạnh, sống cảnh cô đơn, buồn phiền, nhưng nơi bố mẹ chị đang an dưỡng lại khác. "Nơi đây như một mái nhà bởi các cụ có cơ hội gặp gỡ bạn bè, sau được vận động, tham gia các hoạt động bổ ích. Riêng dịp Tết, bố mẹ tôi cùng nhiều cụ khác trải nghiệm gói bánh chưng, cùng nhau ăn tất niên. Chưa kể trong khu sinh hoạt chung luôn được trang trí đào, quất, câu đối, rất bắt mắt", chị nói.
Người họ hàng đến thăm bố mẹ chị Thủy nói bất ngờ khi cảm nhận không khí vui vẻ, ngập tràn sắc xuân. "Từ ngày hai cụ vào trung tâm thấy tâm trạng được cải thiện, sức khỏe ổn định. Tết ở trung tâm mà đủ đầy đâu kém gì ở nhà, lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười", người này chia sẻ.
Trước khi vào trung tâm dưỡng lão, bố chị Thủy 88 tuổi và vợ 83 tuổi ở nhà riêng, được một người giúp việc trông nom, lo cơm nước và uống thuốc đúng giờ. Đến giữa năm 2021, cụ bà phải vào viện điều trị do sức khỏe yếu. Sợ ông lủi thủi một mình, người giúp việc không đủ chuyên môn chăm sóc cho bệnh nhân từng bị tai biến, gia đình chị Thủy ngỏ ý đưa bố đến trung tâm dưỡng lão ít hôm, đợi mẹ khỏe rồi về. Nhưng ở được vài ngày, dưới sự chăm sóc nhiệt tình của nhân viên, sau được trò chuyện, chia sẻ với bạn bè, cụ ông gọi điện thoại nói sẽ ở lại, nói đợi vợ khỏe sẽ cùng đón vào trung tâm. Từ ấy, cứ vài ngày cả gia đình lại vào chơi, hỏi thăm sức khỏe của ông bà.
"Chúng tôi chỉ mong bố mẹ luôn vui vẻ, khỏe mạnh. Còn đón Tết ở đâu không quan trọng, quan trọng là nơi ấy có bố mẹ, cả gia đình được sum vầy. Vậy là đủ", chị Thủy nói.
Nguồn: vnexpress.met