Về hưu 14 năm nay, ông Nguyễn Văn Chiến ở huyện Gia Lâm, Hà Nội chọn bóng chuyền hơi để tập luyện mỗi ngày. Ông cho biết, ban đầu ông không nghĩ môn thể thao này phù hợp với người cao tuổi, bởi người chơi thường xuyên phải di chuyển, cần sức mạnh để bật cao đập bóng. Để chuyền bóng chính xác, ngoài yếu tố “nhanh tay, nhanh mắt” còn cần cả sự khéo léo, dẻo dai… Thế nhưng, sau một lần được người bạn đồng niên trong xóm mời “thế chỗ” của một cụ ông khác cho đủ đội hình, ông đã thử tham gia. Thật bất ngờ, ông đã chơi tốt hơn mình tưởng. Kể từ đó, ông xin tham gia đội bóng của thôn và cứ chiều chiều ông lại ra sân chơi bóng. “Năm 2009, tôi về hưu và chơi bóng chuyền hơi từ đó đến nay. Cứ chiều chiều, các cụ và một số người trung niên trong thôn ra sân đình chơi là tôi ra tham gia”, ông Chiến cho biết.
Ông Chiến chia sẻ, nhìn các thành viên chơi bóng trên sân, ít ai nghĩ các cầu thủ đều đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Bởi lẽ, ngoài các hoạt động như di chuyển nhanh nhẹn, chuyền bóng và đập bóng chính xác,… toát lên vẻ khỏe mạnh, cụ nào cụ nấy cũng đều có thể hình rắn rỏi. Bản thân ông Chiến cũng vậy. Nhờ tập luyện bóng chuyền mỗi buổi chiều nên ông thấy sức khỏe ổn định, ít đau ốm. “Tôi còn đi cả xe đạp. Buổi chiều, toi đạp xe một vòng quanh lành rồi về mới chơi bóng chuyền hơi. Bóng chuyền hơi nhẹ nên các cụ chơi rất tốt. Người chơi vận động toàn thân, từ chân, tay, đến tai, mắt… mang lại sức khỏe, tinh thần sảng khoái”, ông Chiến thổ lộ.
Cũng như ông Chiến, mãi tới khi nghỉ hưu cách đây 15 năm, ông Vũ Minh Tân, ở quận Đống Đa, Hà Nội mới “bén duyên” với bóng chuyền hơi. Rồi từ đó, môn thể thao này trở thành “món ăn” thường nhật giúp ông duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần. “Tôi thấy bóng chuyền hơi mang lại cho tôi đời sống tinh thần phong phú. Bản thân tôi có lẽ nhờ rèn luyện thể thao nói chung và chơi bóng chuyền hơi mà tuổi cao vẫn khỏe mạnh”, ông Tân chia sẻ.
Không chỉ các cụ ông, nhiều cụ bà cũng đang chọn bóng chuyền hơi để rèn luyện sức khỏe mỗi ngày. Bà Phùng Thị Lan Hương là một trong số đó. “Chiều đến, cứ tầm bốn rưỡi, tôi lại ra sân đình chơi bóng chuyển hơi. Đội bóng, ngoài các cụ cao niên còn có cả thanh niên đến tham gia chơi. Mỗi buổi chiều, tôi chơi khoảng 3 séc, chơi đến tầm 7 giờ tối thì về”, bà Hương cho biết.
Bà Hương chia sẻ, ban đầu bà nghĩ rằng bóng chuyền chơi là môn thẻ thao chỉ dành cho nam giới với yêu cầu cao về thể lực và kỹ năng. Thế nhưng, thực tế không hoàn toàn như vậy. Đó là lý do năm nay, dù đã ngoài 60 tuổi và là “phái yếu” nhưng bà vẫn “ra sân” mỗi buổi chiều. Cũng như các thành viên trong đội, từ khi chơi bóng chuyền hơi, bà thấy đây là hình thức duy trì sức khỏe rất tốt, đồng thời giúp nâng cao đời sống tinh thần. “Chẳng ai nghĩ năm nay tôi đã 61 tuổi. Có lẽ do chơi bóng thường xuyên – môn thể thao đem lại sức khỏe thể chất và tinh thần sảng khoái nên tôi trẻ hơn so với tuổi”, bà Hương tâm sự.
Có thể nói, bằng cách tập luyện bóng chuyền hơi mỗi ngày, những “cầu thủ không chuyên” không chỉ giữ được sự dẻo dai của các hệ cơ, xương, khớp mà còn có đời sống tinh thần vui vẻ.
Nghe bài viết dưới đây: