Từ yêu quý, trân trọng bản sắc văn hoá
Tìm đến bản Thẩm Bú, thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), chúng tôi hỏi thăm nhà ông Teo Văn Điệc dạy chữ Thái, bà con ở bản ai cũng kể về ông- một người thầy vui tính và được người dân luôn kính trọng.
Ông Điệc đón chúng tôi ở cửa nhà sàn với cái bắt tay thật lâu kèm theo nụ cười rạng rỡ. Mời chúng tôi cốc trà xanh, ông mang cuốn sách của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang dịch dở khoe: “tôi đang dịch cuốn sách này để gửi về Uỷ ban Dân tộc đây. Họ bảo sách của Học viện Nông nghiệp đã gửi lên Phú Thọ, nhưng tỉnh Phú Thọ không ai biết chữ Thái, sau đó họ gửi về đây cho tôi dịch hộ.”
Công đoạn dịch từ chữ phổ thông sang chữ Thái mất khá nhiều thời gian, nhất là đối với một người đang ở cái tuổi xưa nay hiếm. “Cuốn sách này hơn 200 trang, tôi phải dịch hơn một tháng mới xong, vì còn phải dịch từ tiếng phổ thông ra tiếng Thái sau đó mới đánh máy nữa”, ông Điệc chia sẻ.
Dẫn chúng tôi sang phòng làm việc, ông Điệc giới thiệu về phần mềm chữ Thái và những sản phẩm đã dịch trong những năm qua. Ông Điệc thoăn thoắt đánh máy, căn lề, ghép tranh minh hoạ lên các trang sách đang dịch dở. Ông kể: “Cả huyện Phong Thổ chỉ có mỗi máy của tôi là có thể đánh được chữ Thái thôi. Tôi đang biên soạn tập tài liệu giảng dạy chữ Thái cho huyện Phong Thổ, học chữ phải có hình minh hoạ thì học mới dễ hiểu”.
Nhìn ông Điệc nâng niu từng trang sách, bà Lò Thị Pộc - vợ ông Điệc kể về chồng đầy tự hào: “Ông ấy ham học từ nhỏ, đến bây giờ vẫn thích học. Từ khi tôi biết thì ông ấy đã là thầy giáo. Khi về hưu, ông ấy lại tiếp tục dạy chữ Thái cho bà con, dịch sách và đọc nhiều sách lắm. Đến nay, sách là thứ quý giá nhất của ông ấy”.
Lớp dạy chữ Thái của ông Điệc hoạt động mỗi tuần 1-2 buổi vào các ngày cuối tuần, có 25 học viên, người trẻ nhất năm nay đã hơn 50 tuổi tuổi. Học viên lớn tuổi thì gần 80 tuổi, tất cả đều học rất hăng say và nghiêm túc. “Thầy Điệc rất vui tính, các bài học được thầy dạy thông qua phong tục và ca dao của người Thái, rất gần gũi và dễ hiểu. Mỗi buổi học như một buổi sinh hoạt văn hoá rất ý nghĩa đối với chúng tôi”, bà Điêu Thị Phe (sinh năm 1948), học viên lớn tuổi nhất lớp chữ Thái của ông Điệc nói.
Lớp học này của ông Điệc đã duy trì từ năm 2019, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đầu năm 2020 đã phải tạm dừng, mấy tháng gần đây được duy trì thường xuyên và số lượng học sinh đang tăng dần lên.
Đến học chữ bằng những cục than
Từ khi còn nhỏ, ngoài việc trông em, ông Điệc vừa đi học “mót” chữ Thái của lớp dạy chữ cho người lớn trong bản. “Năm 1957, lúc đó tôi 7 tuổi, phải ở nhà trông em giúp bố mẹ. Cứ đến giờ học, tôi cõng em vừa mang theo mấy cục than vào túi quần, rồi đến ngồi ở cửa lớp để học “mót” chữ thôi, chứ có được vào lớp đâu (lớp dạy chữ Thái cho người lớn trong bản). Người ta dạy như nào thì tôi tô lại và đọc như vậy, tôi cũng viết lại những nét chữ đó theo trí nhớ lên các tảng đá, tường nhà, khúc gỗ,… bất kỳ chỗ nào có thể viết lên được”, ánh mắt ông Điệc vui hơn khi kể về những ngày thơ bé.
Ông may mắn vì có bố cũng biết chữ Thái, cho nên hằng ngày tận dụng thời gian bên cạnh bố để học và luyện chữ. Cứ như vậy, cho đến khi đủ tuổi vào lớp 1 theo chương trình phổ thông. Lên 13 tuổi, ông trở thành thầy giáo dạy vỡ lòng bất đắc dĩ, rồi sau này trở thành cán bộ xã. Suốt hành trình của cuộc đời, người thầy giáo này vẫn nuôi dưỡng niềm say mê với cái chữ của dân tộc mình.
Ông đưa chúng tôi xem cuốn sách cũ đã mờ mực in xuất bản năm 1957. Đó là cuốn sách dạy chữ Thái đầu tiên ông được người giáo viên dạy chữ Thái ở Điện Biên tặng. Ông Diệc còn kể, năm ông học lớp 3, có công báo của cụ Hồ kêu gọi “người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người không biết”.
"Tôi rất nhớ ngày 4/1/1963, là ngày tôi được cầm viên phấn đầu tiên, tôi đã rất hạnh phúc và lo lắng. Sau đó tôi đi học sư phạm về làm thầy giáo dạy cấp 1, rồi sau này tôi sang làm ở Uỷ ban xã. Đi đâu tôi cũng không bao giờ quên mang theo cuốn sách này, cuốn sách cũ đã hơi mờ, tôi đã photo rồi dùng bản photo thôi, bản gốc cất đi làm kỷ niệm”, ông nói.
Ông Điệc nắn nót ghi vào cuốn sổ tay địa chỉ của báo Dân tộc và Phát triển, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của người thầy, không chỉ dành cho chữ Thái, mà chính xác hơn là tình yêu đối với chữ viết, cho dù đó là chữ Thái hay chữ phổ thông.
“Các cụ xưa nói ‘nét chữ nét người’ cô ạ, ông ấy viết chữ đẹp, viết rất cẩn thận, tôi thấy ông ấy hạnh phúc mỗi khi được viết chữ và đọc sách. Đến bây giờ, cũng sắp đến cái tuổi gần đất xa trời, nhưng người Thái mình biết chữ ít lắm. Ông ấy đau đáu một mong ước truyền dạy chữ cho các thế hệ sau tiếp nối khỏi mai một. Hàng ngày tôi giúp ông ấy biên soạn giáo án và lên lớp dạy chữ Thái miễn phí cho bà con”, bà Lò Thị Pộc, người bạn đời và là đồng nghiệp của ông Điệc tâm sự.
Trước khi tiễn chúng tôi ra về, ông Điệc mở trong ngăn tủ mang ra một mảnh giấy báo đã được cắt và ép plastic gọn gàng, đó là một bài báo viết về ông từ năm 2011, đã 11 năm trôi qua, gần như không còn ai còn nhớ đến. Ông Điệc nói: “Ngày trước cũng có tờ báo viết về ông rồi đấy”.
Chúng tôi hiểu rằng, hơn ai hết ông Điệc tự hào về chữ viết của dân tộc mình và cũng lo lắng sau này sẽ chỉ được thế hệ sau nhắc đến như một kỷ niệm. Chia tay gia đình ông Điệc với cái nắm tay thật chặt. Chúng tôi cảm phục ông về tình yêu và niềm say mê đối với văn hoá và chữ viết người Thái, nhưng cũng cảm thấy ái ngại hơn bởi “từ điển chữ Thái bằng xương bằng thịt” hiếm có của tỉnh Lai Châu đang ở cái tuổi thất thập cổ lai hy.
Nguồn: baodantoc.vn